Hợp đồng hôn nhân đã được công nhận tại Việt Nam chưa?

Hợp đồng hôn nhân hỗ trợ người trong cuộc bảo toàn tài sản của mình, nhưng cũng vô tình tạo ra sự ngăn cách giữa hai bên khi quyết định kết hôn.

Quan niệm của số đông người Việt Nam cho rằng, việc ký kết hợp đồng tiền hôn nhân để phân chia tài sản sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm, hạnh phúc gia đình. Nhưng thực tế, thỏa thuận này chỉ nhằm mục đích phân chia rõ ràng về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong thời kỳ hôn nhân. Đặc biệt, khi có tranh chấp về tài sản xảy ra thì hợp đồng tiền hôn nhân chính là căn cứ để xác định quyền lợi của mỗi bên, giúp cho tòa án hạn chế những khó khăn trong quá trình tố tụng, thu thập, xác minh chứng cứ.

Ở Việt Nam, pháp luật mới chỉ gián tiếp công nhận hợp đồng hôn nhân ở khía cạnh phân chia tài sản.
Ở Việt Nam, pháp luật mới chỉ gián tiếp công nhận hợp đồng hôn nhân ở khía cạnh phân chia tài sản.

Ở Việt Nam, pháp luật mới chỉ gián tiếp công nhận hợp đồng hôn nhân ở khía cạnh phân chia tài sản vợ chồng mà chưa có quy định nào liên quan đến những thỏa thuận về nhân thân.

Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.” Như vậy, thời điểm lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được tiến hành trước thời điểm đăng ký kết hôn và phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng gồm các vấn đề sau:

- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Điều kiện,thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản
- Nội dung khác có liên quan

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kì hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vi phạm một trong các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ vợ chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi duy nhất của vợ chồng.
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

AN LY (t/h)

Trắc nghiệm: Hôn nhân của bạn có đang bình yên?

Trắc nghiệm: Hôn nhân của bạn có đang bình yên?

Cuộc hôn nhân của bạn vẫn bình yên hay đang bên bờ vực của sự chia ly? Để rõ hơn bạn hãy nhanh chóng thực hiện bài trắc nghiệm dưới đây.