Hướng đến mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết

Bức tranh KQKD quý 3 sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành. Dù vậy, ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động đến thị trường, như bất động sản và ngân hàng (chiếm gần 54% giá trị vốn hóa thị trường), thì triển vọng kinh doanh quý 3 không thực sự khả quan.

Về tăng trưởng tín dụng, tín dụng toàn ngành tính đến 28/09/2021 tăng 7,5% so với đầu năm, dẫn dắt bởi dư nợ cho vay ngắn hạn, phù hợp với dự báo về việc tăng cho vay kỳ hạn ngắn nhằm mục đích sử dụng hạn mức tín dụng được cấp. Hiện nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới, và đây sẽ là động lực cho ngành ngân hàng trong quý 4.

Nhìn chung, trong tháng 10, VDSC đánh giá thị trường đang đối diện áp lực điều chỉnh vì hai lý do sau: (1) Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BĐS và ngân hàng chưa có nhiều động lực dẫn dắt trong ngắn hạn khi KQKD quý 3 tiêu cực hoặc tăng trưởng chậm lại theo quý, (2) Yếu tố bên ngoài bao gồm chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed có thể tạo không khí thận trọng cho các nhà đầu tư dù tác động là không đáng kể về cơ bản nhưng sự biến động trong ngắn hạn là khó lường.

Mặc dù vậy, sự điều chỉnh là cần thiết để tạo tiền đề cho nhịp tăng mới của thị trường trong hai tháng cuối năm với kì vọng vào sự phục hồi của các DN niêm yết trong quý 4/2021 khi các quy định giãn cách dần được nới lỏng từ ngày 01/10/2021, thông qua chỉ thị 18 của Chính phủ. VDSC dự đoán VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.240 - 1.380 điểm.

Quý 3 thường là quý thấp điểm ghi nhận KQKD đối với ngành bất động sản. Đồng thời, do giãn cách kéo dài ở TP. HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng bị trì hoãn tại các khu vực trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, vốn có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong tương lai.

Trong khi đó ở nhóm ngành ngân hàng, ước tính lợi nhuận trong quý 3 có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý 2/2021. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. "Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành Ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng, tuy nhiên nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng", VDSC cho biết.

Điều trên có thể được nhận thấy thông qua mức độ giảm giá của các ngân hàng thời gian qua, nếu điều chỉnh thêm cho các yếu tố câu chuyện riêng biệt. Các chuyên gia của VDSC kì vọng điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý 4, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập trong quý 3 tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng ngân hàng. Do yếu tố độ trễ này, nhóm phân tích duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số lượng cổ phiếu nhất định.

Theo VDSC, thị trường chứng khoán đã giữ được trạng thái cân bằng trong tháng 9 khi các thông tin về việc nới lỏng giãn cách đã giúp tâm lý nhà đầu tư trụ vững trước thông tin GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17% (mức giảm sâu nhất từ khi Việt Nam tính và công bố GDP từ trước đến nay).

Quý III được xem là bắt đầu mùa cao điểm kinh doanh trong năm, nhưng nhu cầu tín dụng yếu do hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ vì dịch Covid-19. Các nhà băng kỳ vọng, bước sang quý IV, hoạt động cho vay sẽ tăng trưởng khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)