Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm do ảnh hưởng của đại dịch cũng như dịp nghỉ lễ 2/9 không có nhiều khách. Các cơ sở lưu trú du lịch khá vắng khách, mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm tới 40-60%.
Khách sạn Pan Pacific giá phòng ưu đãi giảm hơn 40%, còn 1,9 triệu đồng/đêm phòng Deluxe, tặng 500.000 đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với nhiều ưu đãi khác; khách sạn Metropole giá phòng chỉ còn 1,16 triệu đồng/đêm,... Nhưng lượng khách vẫn khá ít ỏi.
Khối khách sạn 1-5 sao chỉ đạt 10,6%, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, khách sạn Lotte đạt 30%, khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%,... hay khách sạn Deawoo chỉ đạt 7% công suất phòng, tức 93% số phòng còn lại tối đèn.
Tính đến ngày 31/8/2020, khoảng 950 cơ sở lưu trú tại Hà Nội tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. Các khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 là 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng trước. Đa phần là chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các dự án; lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ; lưu học sinh Lào, Campuchia quay trở lại Việt Nam học tập.
Tổng lượng khách quốc tế vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người.
Tại Hà Nội, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách, mặc dù các cơ sở đồng loạt đưa ra các gói giảm giá dịch vụ từ 40-50%, tuy nhiên lượng khách vẫn không nhiều do dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng của cả nước ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%) do đại dịch gây ảnh hưởng đến khu du lịch, vui chơi, lễ hội.
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%; TP.HCM giảm 72%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67,2%; Quảng Nam giảm 66,5%; Kiên Giang giảm 64,7%; Đà Nẵng giảm 63,6%; Hà Nội giảm 42,2%,...
Hàng loạt khách sạn rao bán do ảnh hưởng của dịch bệnh
Hiện nay có rất nhiều khách sạn từ nhỏ đến lớn ở khắp cả nước được rao bán trên khắp các trang bất động sản, môi giới nhà đất.