Trả lời trên Tuổi Trẻ, lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP HCM (PC03) xác nhận cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án "buôn lậu" đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (mã số doanh nghiệp 0315160060).
Hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Sa Huỳnh được Cục Hải quan TP HCM phát hiện, điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố. Theo Cục Hải quan TP HCM, công ty này đã tạm ngừng hoạt động có thời hạn kể từ ngày 6/3/2019.
Trước đó, ngày 7/9/2018 lực lượng chức năng Cục Hải quan TP HCM kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 chứa hàng hóa do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc về cảng IDC Phước Long.
Lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có in sẵn phiếu bảo hành bằng tiếng Việt và slogan “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc, nhưng khai báo gian dối là linh kiện không nhãn hiệu. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Công ty này khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh. Số lượng gồm: 970 nắp đậy bằng nhựa, 940 chậu lò nướng bằng thủy tinh, 1.180 thiết bị đếm thời gian của lò nướng.
Tổng giá trị hàng hóa gần 213 triệu đồng. Xuất xứ hàng hóa (C/O) do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp.
Tuy nhiên khi kiểm tra thì phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo. Đặc biệt là trong thùng cactông đựng lò nướng còn có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035.
Mặc dù hồ sơ hải quan thể hiện hàng hóa có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ.
Theo thông tin trên Tuổi Trẻ, số lò nướng nguyên chiếc hiệu Asanzo của Công ty Sa Huỳnh nhập do Công ty Zhongshan Kinbly Imp&Exp (Quảng Đông, Trung Quốc) cung cấp. Ngoài lô hàng khai báo gian dối này, cùng thời điểm đó Công ty Sa Huỳnh còn nhập một lô hàng gần 3.000 nồi cơm điện chống dính và không chống dính nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo, do Công ty Guangdong Weking Group cung cấp.
Theo quy định, hàng hóa có C/O Trung Quốc thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Công ty TNHH truyền thông Asanzo và một số công ty khác nhập lò nướng điện hiệu Asanzo từ Trung Quốc đều khai báo mã hàng là 85166090. Mã hàng này có thuế xuất nhập khẩu ưu đãi là 20%, còn thuế suất ACFTA là... 0%.
Theo cơ quan hải quan, Công ty Sa Huỳnh hoàn toàn có thể khai báo lò nướng nguyên chiếc vì thuế nhập khẩu 0%.
Theo quy định, mặt hàng lò nướng nguyên chiếc khi nhập khẩu buộc phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước. Ngoài ra, nếu nhập khẩu nguyên chiếc thì khi đưa vào thị trường tiêu thụ buộc phải thể hiện xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc trên bao bì, nhãn mác.
Trong vụ này còn có khuất tất cần được cơ quan điều tra làm rõ, đó là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thể hiện nhãn hiệu Asanzo, có giấy bảo hành, hướng dẫn sử dụng, số đường dây nóng của Asanzo, nhưng Công ty Sa Huỳnh không khai báo bất cứ thông tin nào liên quan đến nhãn hiệu này. Sản phẩm lô hàng bị bắt không có tem nhãn ghi xuất xứ hàng hóa Trung Quốc theo quy định.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho đăng phát loạt bài điều tra cho rằng, Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam đã tạo nên một “cơn địa chấn” trong dư luận bởi hàng điện tử gia dụng của Công ty này được cấp chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” năm 2017.
Theo điều tra trên, một số công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa…về dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Từ năm 2014 đến nay có gần 20 doanh nghiệp (trong đó có 3 công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam là Công ty TNHH truyền thông Asanzo, Công ty TNHH điện lạnh Asanzo, Công ty CP Tập đoàn Asanzo) nhập khẩu số lượng lớn đồ điện tử gia dụng nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.
Hồ sơ nhập khẩu thể hiện các mặt hàng này đều có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, sau khi thông quan và đưa ra thị trường lưu thông (và xuất khẩu sang Lào) thì tem nhãn đồ điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo lại được ghi xuất xứ Việt Nam. Riêng sản phẩm tivi và máy lạnh thì Asanzo chủ yếu nhập linh kiện thông qua đối tác (chỉ nhập trực tiếp số ít) để lắp ráp. Nguồn gốc các linh kiện cũng có C/O Trung Quốc.
Container số hiệu FCIU8689004 chứa lò nướng nguyên chiếc hiệu Asanzo nhập từ Trung Quốc, nhưng Công ty Sa Huỳnh khai báo là linh kiện lò nướng không nhãn hiệu. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Quá trình lắp ráp, nhà máy Asanzo tại khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc hướng dẫn công nhân gỡ hoặc dán chồng tem khác lên tem sườn panel LCD có chữ “made in China”. Tivi, máy lạnh nhãn hiệu Asanzo sau khi lắp ráp đưa ra thị trường nội địa (và xuất một số lô hàng sang Nhật Bản) ghi xuất xứ Việt Nam và “made in Vietnam”.
Theo người đứng đầu Tập đoàn Asanzo, loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ đưa ra hai cáo buộc chính là Asanzo giả xuất xứ hàng điện gia dụng, đồng thời mô tả quá trình sản xuất tivi của Asanzo chỉ là lắp ráp đơn giản 4 khối linh kiện nhập về từ Trung Quốc rồi dán nhãn xuất xứ Việt Nam, khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng ghi xuất xứ như vậy là sai.
Tuy nhiên, theo ông Tam, song song với một số mặt hàng điện ra dụng đặt hàng đối tác nhập khẩu, Asanzo có sản xuất một số mặt hàng khác và chỉ ghi xuất xứ Việt Nam cho các mặt hàng đó và các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc công ty ghi nhãn xuất xứ Trung Quốc. Còn với tivi, Asanzo làm chủ thiết kế và lắp ráp từ linh kiện được cung cấp bởi nhiều đối tác khác nhau. Vì thế, Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ vụ Asanzo, có thể thấy, kẽ hở luật pháp đang giúp doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ việc ghi nhãn ‘Made In Việt Nam’.
Cụ thể, khái niệm gốc của xuất xứ hàng hóa không phải là quy định của Luật Ngoại thương mà nó là Luật Thương mại điều 3.14 năm 2005 định nghĩa, đối với trường hợp nhập nguyên liệu, nhập bộ phận, nhập chi tiết thì xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng.
Cụ thể, Điều 15, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về “Nhãn hiệu hàng hoá” quy định, hàng hoá lưu thông trong nước buộc phải có nhãn hiệu hàng hoá. Mà nhãn hiệu hàng hoá thì buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá. Mà xuất xứ hàng hoá cũng được Nghị định 43 quy định: “Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước...”. Dịch ra tiếng Anh là “Made in…”.
Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng quy định: Doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hoá nhưng phải bảo đảm 3 điều kiện: Trung thực, chính xác và tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
Ngay Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam cũng rất mơ hồ, nói cách khác khó đối chứng kiểm tra. Cụ thể, Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa, với hàng hóa có phần giá trị nội địa đạt từ 30% trở lên được xem là có xuất xứ tại một nước (nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng).
Như vậy, việc ghi nhãn “Made in Viet Nam” phụ thuộc lớn vào tính trung thực của doanh nghiệp, còn chuyện chế biến công đoạn cuối cùng hay làm sao để có giá trị nội địa 30% như Thông tư 05 không khó với doanh nghiệp.
Chuyển hồ sơ 14 công ty cho Bộ Công an Cục Hải quan TP.HCM được Tổng cục Hải quan giao kiểm tra sau thông quan đối với 14/31 công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện nhãn hiệu Asanzo. Số còn lại do Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra. Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành 14 quyết định kiểm tra sau thông quan và đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của các công ty nói trên công bố quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các công ty này đều đã ngưng hoạt động hoặc địa chỉ không có thật. Công an địa phương đã xác nhận với cơ quan hải quan. Chính vì vậy, cơ quan hải quan không thể thực hiện việc kiểm tra sau thông quan để làm rõ chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho đối tác Trung Quốc, hóa đơn GTGT xuất bán cho đối tác nào trong nội địa, báo cáo quyết toán thuế nội địa... Để làm rõ nghi vấn có hay không hành vi trốn thuế và buôn lậu như Công ty Sa Huỳnh, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ 14 công ty "mất tích" cho C03 - Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền. |
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa