“Mùa hè là thời điểm mọi người đi du lịch nhiều nhất trong năm nhưng đồng thời cũng là lúc nhiều bệnh tật, dịch bệnh vào mùa cao điểm. Chưa kể, bản thân việc đi du lịch cũng làm tăng nguy cơ đau ốm cũng như chậm hồi phục sau đau bệnh do thay đổi môi trường và chế độ ăn uống, di chuyển nhiều… Vì vậy, việc chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật là rất quan trọng”. Đó là những điều được Tiến sĩ Chang Zhaorui thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nhắc nhở.
Mùa hè mọi người thường đi du lịch nhiều hơn nhưng đây cũng là mùa cao điểm của nhiều loại dịch bệnh (Ảnh minh họa) |
Bà chia sẻ thêm, ngoài nguy cơ mắc bệnh tật thì việc đối phó với bệnh tật cũng có thể gặp khó khăn khi đi du lịch. Nhất là nếu bạn đi tới những nơi thời tiết hoàn toàn khác biệt, nơi hoang sơ và hệ thống các cơ sở y tế chưa phủ rộng, đi một mình. Tiến sĩ Chang đưa ra 5 gợi ý đơn giản nhất để chúng ta phòng ngừa bệnh tật, hướng tới trải nghiệm tốt hơn khi đi du lịch mùa hè:
1. Tìm hiểu trước thông tin về địa điểm du lịch
Theo Tiến sĩ Chang, bên cạnh thông tin về địa điểm vui chơi, ăn uống hay ngủ nghỉ thì chúng ta cần quan tâm đến tình hình y tế. Bao gồm sự khác biệt về thời tiết cũng như sự thay đổi thời tiết trong những ngày bạn ở đó. Thông tin về mức độ phổ biến của các bệnh truyền nhiễm, hệ thống cơ sở y tế cùng tuyến đường di chuyển tới đó, số điện thoại y tế khẩn cấp để ứng phó khi cần thiết.
Nếu cảm thấy những thông tin này quá khó tra cứu hay tình hình thời tiết không ổn định, đang có mối nguy dịch bệnh thì tốt nhất là nên lùi hoặc hủy chuyến đi. Hay chí ít là có những biện pháp để thích nghi, phòng bệnh trước.
2. Kiểm tra, chuẩn bị sẵn sự hỗ trợ về sức khỏe
“Không ít người chủ quan khi đi du lịch, dẫn tới không kịp ứng phó với bệnh tật hoặc dù có cũng sẽ để lại những trải nghiệm thiếu hoàn hảo trong chuyến đi. Để tránh điều này, tốt nhất hãy kiểm tra và chắc chắn về sức khỏe của bản thân, thậm chí là những người đi cùng. Nếu cần, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước, chẳng hạn như tiêm chủng cần thiết trước khi đi du lịch, nhất là đi nước ngoài hay các vùng có nguy cơ dịch bệnh. Nếu sức khỏe không ổn, đừng ngần ngại lùi hoặc hủy chuyến đi” - Tiến sĩ Chang nhắc nhở.
Bà cũng cho biết, việc chuẩn bị trước các vật tư y tế thông dụng là vô cùng cần thiết, ngay cả khi bạn còn trẻ và hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy mang theo khẩu trang, các loại dung dịch khử khuẩn cá nhân, băng cá nhân, dụng cụ/thuốc chống côn trùng. Đặc biệt là các loại thuốc thông dụng như: thuốc tiêu hóa, thuốc giảm đau, thuốc cảm, thuốc hạ sốt, thuốc nhỏ mắt mũi…
3. Chú ý khi ăn uống
Trải nghiệm về ẩm thực rất quan trọng khi đi du lịch, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Đầu tiên, hãy chú ý đến sự an toàn của thực phẩm và nước uống. Chỉ uống nước khi biết rõ nguồn gốc, được đảm bảo hoặc tốt nhất là uống nước lọc đóng chai. Chọn các nhà hàng uy tín, có chứng chỉ an toàn thực phẩm hoặc ít nhất quy trình chế biến hợp vệ sinh.
Cần chú ý khi ăn uống để phòng ngừa ngộ độc, dị ứng, bệnh đường tiêu hóa (Ảnh minh họa) |
Khi ăn các món mới, tốt nhất là ăn thử một lượng nhỏ và chờ xem cơ thể có phản ứng dị ứng gì hay không mới yên tâm thưởng thức. Nên ăn chín uống sôi và hạn chế các món có cách chế biến quá độc lạ, kết hợp quá nhiều loại thực phẩm khác nhau cùng lúc. Dù đi du lịch nhưng không nên ăn uống buông thả, dùng quá nhiều rượu bia và vẫn cần ăn cân bằng giữa rau củ với thịt cá, trái cây. Tiến sĩ Chang nhắc nhở luôn rửa tay trước và sau khi ăn. Một mẹo hay là ghi lại các địa điểm ăn uống, chụp ảnh hoặc hỏi và ghi chép thành phần món ăn để dễ đối phó nếu ngộ độc, gặp vấn đề sức khỏe.
4. Chú trọng phòng muỗi và côn trùng khác
Theo Tiến sĩ Chang, mối nguy từ côn trùng mà đặc biệt là muỗi khi đi du lịch cần được chú trọng. “Ngoài sự khó chịu hay đau đớn, côn trùng mang tới nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Điều này càng dễ xảy ra khi bạn ở ngoài trời nhiều, ở các điểm du lịch hoang sơ hoặc đang có mối nguy bệnh dịch.
Trước hết, hãy chọn nơi nghỉ ngơi có môi trường sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi chống muỗi cũng như các côn trùng khác. Mặc áo dài tay và quần dài sáng màu khi tham gia các hoạt động ngoài trời để giảm tiếp xúc với da. Bạn có thể sử dụng thuốc chống côn trùng ở những vùng da hở để tránh bị muỗi đốt. Tránh ngồi hoặc nằm trong thời gian dài trong môi trường như cỏ hoặc rừng. Cố gắng không cắm trại ở nơi hoang dã. Nếu cần thiết, hãy sử dụng lều và thực hiện các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bôi thuốc chống côn trùng” - bà nói.
5. Không chủ quan với thay đổi về sức khỏe
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong 5 lưu ý được Tiến sĩ Chang nhắc nhở về chăm sóc sức khỏe khi đi du lịch là bạn không bao giờ chủ quan với những thay đổi về sức khỏe của mình.
Ngoài chuẩn bị sẵn thuốc, chúng ta không nên chủ quan với những thay đổi sức khỏe trong cũng như ngay sau khi đi du lịch về (Ảnh minh họa) |
Nếu cảm thấy không khỏe, đừng chậm trễ trong dùng thuốc (đúng liều) hoặc bạn nên đến cơ sở y tế địa phương để điều trị kịp thời. Đừng vì đang đi du lịch vì cố gắng chịu đựng hoặc bỏ qua những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của mình. Nó có thể khiến bạn trả giá rất đắt dù có thể không tức thời.
Ngoài ra, khi đi du lịch nước ngoài về phải tích cực phối hợp với cơ quan kiểm dịch nhập cảnh và khai báo trung thực tờ khai y tế. Tiến hành theo dõi sức khỏe bản thân trong 2 - 3 tuần sau đó. Nếu xảy ra các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ xương, phát ban… hãy nhanh chóng tìm cách điều trị y tế và thông báo lịch sử du lịch nước ngoài của bạn.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor
Sắp đi du lịch nước ngoài thì nhận được cuộc gọi của bố, nghe xong mà tôi run rẩy: Chết lặng vì cái giá phải trả quá lớn
Ngày đó còn trẻ, cứ mải bôn ba nơi xứ người vì đồng tiền. Giờ nhìn lại, trong tay có tất cả, nhưng lại thiếu vắng 2 người thân thương nhất.