Phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ trong mùa hè

Mùa hè là thời điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, đòi hỏi việc tăng cường phòng chống để đảm bảo sức khoẻ.

Mới đây, 1 trẻ 2 tuổi tại Bắc Kạn tử vong được nghi ngờ liên quan đến bệnh viêm màng não mô cầu. Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, đòi hỏi việc tăng cường phòng chống để đảm bảo sức khoẻ.

Bệnh truyền nhiễm gia tăng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh truyền nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi và hàng trăm ca mắc ho gà tại các tỉnh thành trên khắp cả nước, chỉ tính riêng Hà Nội đã ghi nhận gần 100 ca ho gà tại 25 quận, huyện.

Trẻ mắc bệnh sởi dễ bị biến chứng nặng
Trẻ mắc bệnh sởi dễ bị biến chứng nặng

Các bệnh truyền nhiễm khác như cúm A, cúm B, viêm não Nhật Bản, viêm màng não, dại… cũng ghi nhận có nhiều ca mắc và biến chứng nặng ở nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí đã có ca tử vong. Tại Khánh Hoà  đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 và trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 tại tỉnh Tiền Giang.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, gần 120 ca mắc ho gà đã được ghi nhận, gần 60% trong số đó là trẻ dưới 2 tháng tuổi, với 80% trong số ca này được xác định là do trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin. Một số trường hợp ho gà ở người lớn cũng ghi nhận là nguồn lây cho trẻ, trở thành một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh ho gà ở trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, viêm não Nhật Bản và viêm màng não, mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng cũng đã xuất hiện tại nhiều khu vực. Mới đây nhất là ổ dịch viêm màng não mô cầu tại Bắc Kạn.

Lý giải cho bối cảnh dịch tễ trên, BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, đặc trưng thời tiết của mùa hè tại các quốc gia nằm trên đường xích đạo và cận xích đạo, trong đó có Việt Nam là nắng nóng và độ ẩm cao, cùng với tác động của hiện tượng  biến đổi khí hậu toàn cầu El Nino, tạo điều kiện cho nhiều loại virus và vi khuẩn phát triển và hoạt động mạnh mẽ, gây ra nhiều bệnh dịch nguy hiểm như các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, da liễu và bệnh lây truyền qua động vật (như chó cắn hoặc muỗi đốt).

Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm hàng triệu trẻ em trên cả nước được nghỉ học, nhiều gia đình thường chọn về quê hoặc đi du lịch đến những nơi đông đúc. Việc  tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên hoặc tiếp xúc với môi trường đông người, đặc biệt là những người mang mầm bệnh không triệu chứng (người lành mang trùng), làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh, cộng với kiểu thời tiết ẩm ương khó chịu của mùa hè khiến đề kháng của trẻ bị suy giảm, bệnh dễ diễn biến nặng.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh hiện nay vẫn lầm tưởng rằng mùa hè không có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng thực tế lại khác, các bệnh như sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm phổi, thủy đậu… đều có xu hướng gia tăng, thậm chí gia tăng nhanh chóng trong mùa hè.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Theo Ths. Nguyễn Diệu Thúy, chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt vắc xin trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng năm 2022 – 2023 đã khiến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin đúng lịch hoặc chưa đủ liều, hình thành ”khoảng trống miễn dịch” lớn, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Cần tiêm phòng cho trẻ để phòng bệnh truyền nhiễm
Cần tiêm phòng cho trẻ để phòng bệnh truyền nhiễm

Thạc sĩ Diệu Thúy nhấn mạnh: “Bộ Y tế khuyến cáo tất cả trẻ em dưới 2 tuổi cần được tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi trước khi đi học mẫu giáo để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm. Đối với vắc xin ho gà được tích hợp trong các loại vắc xin phối hợp (6 trong 1, 5 trong 1) và được khuyến nghị trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ y tế, với phác đồ gồm 4 mũi tiêm trong 2 năm đầu đời.

BS Trần Huỳnh Tấn – Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, khuyến cáo phụ huynh cần giúp trẻ chủ động hoàn thành tất cả các mũi tiêm chủng quan trọng trong độ tuổi và khẩn trương bổ sung các vắc xin trẻ đang bị bỏ lỡ để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm trong mùa hè.

Trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm đủ các mũi: lúc trẻ 0 tuổi (Sơ sinh): Tiêm viêm gan B và lao; lúc trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm phế cầu khuẩn, vắc xin 6 trong 1, Rotavirus, và não mô cầu khuẩn nhóm B. Lúc trẻ 6 tháng tuổi: Tiêm vắc xin cúm và não mô cầu khuẩn nhóm BC. Lưu ý, do sự biến đổi liên tục của các chủng virus cúm và kháng thể duy trì ngắn dưới 1 năm, trẻ cần tiêm nhắc vắc xin cúm hàng năm.

Lúc trẻ 9 tháng tuổi: Tiêm thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, viêm não Nhật Bản và não mô cầu khuẩn nhóm ACYW; lúc trẻ 12 tháng tuổi: Tiêm viêm gan A, viêm gan AB, sởi – quai bị – rubella; lúc trẻ 24 tháng tuổi: Tiêm tả, thương hàn.

Ngoài việc tiêm vắc xin, phụ huynh cần lưu ý bảo vệ sức khỏe của con trong mùa hè này bằng cách nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện đúng các khuyến cáo của các cơ quan y tế. Đồng thời, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và tránh cho trẻ vận động cường độ cao liên tục quá 2 giờ dưới nắng, dừng ngay các hoạt động nếu trẻ cảm thấy khó chịu và đưa vào nơi có bóng mát nghỉ ngơi.

Đối với trẻ dưới 6 tháng, nên tăng cường bú mẹ và mẹ cũng cần uống nhiều nước hơn để cung cấp đủ sữa cho con; trẻ từ 6 tháng trở lên có thể uống thêm nước đun sôi để nguội, trẻ lớn hơn cần nhắc nhở uống nước thường xuyên để tránh mất nước.

Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mát, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận khi ra ngoài trời nắng và tuyệt đối không để trẻ một mình trên ô tô. Trong những ngày nắng nóng gay gắt, tắm cho trẻ bằng nước mát vừa phải để điều hòa thân nhiệt và đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và vitamin (ưu tiêm vitamin A, D) để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ.

Trần Hạnh

Trên 26 tuổi có tiêm phòng HPV có hiệu quả  không?

Trên 26 tuổi có tiêm phòng HPV có hiệu quả không?

Trên 26 tuổi có tiêm phòng HPV được không, tiêm có còn hiệu quả nữa không, lịch tiêm HPV cho người trên 26 tuổi như thế nào… ?