Quản lý thai kỳ nguy cơ cao chủ động bằng y học hiện đại

Thai kỳ nguy cơ cao cần quản lý chủ động, toàn diện. Nhờ tiến bộ y học như chẩn đoán tầm soát di truyền và điều trị cá thể hóa, thai phụ an tâm vượt qua giai đoạn nhạy cảm.

Từ nguy cơ đến kiểm soát chủ động trong thai kỳ

Theo ThS.BS Dương Ánh Kim - bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Giai đoạn thai kỳ là hành trình thiêng liêng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt ở những phụ nữ mang thai lần đầu, có tiền sử sảy thai liên tiếp, bệnh lý nền hoặc mang thai sau tuổi 35. Sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại đang mở ra cơ hội kiểm soát các yếu tố nguy cơ từ rất sớm, giúp thai phụ có thể chủ động tiếp cận chăm sóc sản khoa cá thể hóa và an toàn hơn trong suốt hành trình làm mẹ.

Theo ThS.BS Dương Ánh Kim - bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Theo ThS.BS Dương Ánh Kim - bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Trong đó, tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất trong thai kỳ, có thể dẫn đến co giật, tổn thương đa cơ quan hoặc thậm chí đe dọa tính mạng mẹ và con nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Trong lâm sàng hiện nay, việc tầm soát sớm tiền sản giật, đặc biệt từ tuần thai 11 đến 13 đã trở thành một bước bắt buộc với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.

Phác đồ sàng lọc kết hợp bao gồm tiền sử sản khoa, chỉ số khối cơ thể (BMI), bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tự miễn), siêu âm Doppler đo trở kháng động mạch tử cung, cùng với các xét nghiệm sinh hóa như PAPP-A và PlGF (Placental Growth Factor). Thai phụ được xác định thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được chỉ định dùng aspirin liều thấp trước tuần 16. Can thiệp sớm bằng thuốc đã được chứng minh làm giảm tới 60% tỷ lệ khởi phát tiền sản giật sớm, một bước đột phá trong sản khoa dự phòng.

Sảy thai liên tiếp (từ hai lần trở lên) không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất mà còn là cú sốc lớn về tinh thần đối với người phụ nữ. Trước đây, nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của y học di truyền hiện đại đang làm sáng tỏ dần các nguyên nhân tiềm ẩn, giúp nâng cao khả năng giữ thai thành công trong lần mang thai kế tiếp.

Một công cụ tiên tiến được sử dụng phổ biến hiện nay là panel xét nghiệm Recurrent Pregnancy Loss (RPL), được triển khai tại các đơn vị chuyên khoa như Viện Di truyền Y học - Gene Solutions. Panel này phân tích từ 50 đến 100 gene liên quan đến quá trình đông máu (MTHFR, F2, F5), chức năng nhau thai, hệ miễn dịch và phản ứng viêm. Bên cạnh đó, bác sĩ sản khoa còn chỉ định thực hiện xét nghiệm karyotype cho cả cha và mẹ để phát hiện bất thường nhiễm sắc thể; siêu âm tử cung để loại trừ dị dạng; và xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid nhằm phát hiện hội chứng antiphospholipid là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến sảy thai tái phát. Việc xác định nguyên nhân rõ ràng cho phép cá thể hóa phác đồ điều trị và theo dõi sát hơn trong lần mang thai sau.

Thai phụ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, đái tháo đường type 1 hoặc 2, lupus ban đỏ hệ thống... luôn được xếp vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao. Điều quan trọng là phải đảm bảo bệnh lý được kiểm soát ổn định trước khi mang thai để giảm thiểu biến chứng. Các khuyến cáo từ Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Anh quốc (RCOG) đều nhấn mạnh vai trò của tư vấn tiền thai, giúp người phụ nữ hiểu rõ các nguy cơ và xây dựng kế hoạch mang thai phù hợp.

Với những người thừa cân, việc giảm cân khoa học và bổ sung acid folic liều cao (5mg/ngày) trước khi mang thai được chứng minh giúp giảm tỷ lệ dị tật ống thần kinh. Trong khi đó, với các cặp vợ chồng có yếu tố di truyền, xét nghiệm sàng lọc gen lặn như Thalassemia, SMA (teo cơ tủy), hoặc hội chứng X đứt đoạn là biện pháp dự phòng di truyền quan trọng giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh con mắc bệnh di truyền nghiêm trọng.

Ba tháng đầu “cửa sổ vàng” trong quản lý thai kỳ nguy cơ

Tam cá nguyệt đầu là giai đoạn hình thành các cơ quan chính của thai nhi, đồng thời cũng là thời điểm dễ bị tổn thương nhất nếu gặp yếu tố bất lợi. Vì vậy, theo dõi sát trong giai đoạn này có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của thai.

Thai phụ cần được khám thai sớm (trước 10 tuần) để xác định tuổi thai, vị trí làm tổ (trong hay ngoài tử cung) và phát hiện tim thai. Việc bổ sung acid folic từ giai đoạn tiền thai và duy trì trong tam cá nguyệt đầu giúp giảm rõ rệt nguy cơ dị tật ống thần kinh. Bên cạnh đó, tầm soát các rối loạn nội tiết như đái tháo đường, rối loạn tuyến giáp và tăng huyết áp là điều cần thiết, bởi nếu không kiểm soát tốt, chúng có thể gây sảy thai, thai lưu hoặc dị tật bẩm sinh.

Sàng lọc các bệnh lý truyền nhiễm lây từ mẹ sang con như Rubella, Toxoplasma, CMV, giang mai, HIV, viêm gan B và C cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tổn thương thai nhi. Việc phát hiện sớm cho phép can thiệp kịp thời, giảm thiểu hậu quả đáng tiếc.

Đặc biệt lưu ý, việc sử dụng thuốc trong giai đoạn này cần hết sức thận trọng. Thai phụ không nên tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà chưa tham khảo ý kiến chuyên môn, kể cả các loại thuốc đông, tây y được quảng cáo là “an toàn cho bà bầu”.

Một vấn đề thường bị xem nhẹ nhưng có ảnh hưởng lớn đến thai kỳ chính là phơi nhiễm nghề nghiệp. Theo thống kê lâm sàng, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất độc hại mà không nhận thức được nguy cơ.

Các ngành nghề như làm tóc, thẩm mỹ, xây dựng, nghệ thuật, nông nghiệp, công nghiệp hóa chất hoặc phòng thí nghiệm thường xuyên tiếp xúc với formaldehyde, ammoniac, toluene, xylene, thuốc nhuộm, dung môi hữu cơ hoặc kim loại nặng. Những chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình biệt hóa phôi thai, làm tăng nguy cơ dị tật tim, hệ thần kinh trung ương, và thậm chí gây sảy thai nếu phơi nhiễm kéo dài.

Do đó, phụ nữ có kế hoạch mang thai cần thăm khám và xét nghiệm thai sớm nếu nghi ngờ có thai, đặc biệt nếu có kinh nguyệt không đều. Khi mang thai, cần chủ động điều chỉnh công việc và sử dụng trang bị bảo hộ như mặt nạ lọc hơi hóa chất, găng tay chuyên dụng, làm việc trong không gian thông thoáng để hạn chế tối đa rủi ro.

Theo ThS.BS Dương Ánh Kim - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: “Những lo lắng của thai phụ là hoàn toàn chính đáng và cần được đội ngũ y tế thấu hiểu, chia sẻ. Tuy nhiên, nếu được đồng hành từ sớm, tiếp cận kiến thức đúng và thực hiện các biện pháp y học cá thể hóa, hành trình làm mẹ dù có nguy cơ cao vẫn có thể diễn ra an toàn và trọn vẹn.”

Cũng theo bác sĩ Kim, y học hiện đại ngày càng tiến bộ, giúp kiểm soát phần lớn các nguy cơ trong thai kỳ. Điều quan trọng là thai phụ cần chủ động kết nối với bác sĩ, tuân thủ lịch khám và không ngần ngại chia sẻ các triệu chứng bất thường.

Quản lý thai kỳ nguy cơ cao không còn là cuộc chiến đầy bất trắc nếu được tiếp cận đúng hướng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa thai phụ và bác sĩ chuyên khoa. Từ chẩn đoán sớm, cá thể hóa điều trị, quản lý bệnh nền đến nhận diện và giảm thiểu nguy cơ từ môi trường, tất cả nhằm hướng đến một mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe mẹ và bé một cách chủ động, bền vững và nhân văn.

Mai Anh

Hiểu để phòng ngừa và điều trị kịp thời bệnh ‘Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên’

Hiểu để phòng ngừa và điều trị kịp thời bệnh ‘Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên’

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI) là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa nếu người dân duy trì lối sống tích cực, chế độ ăn lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ.