Kích hoạt nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng

Những ngày nghỉ Tết Nhâm Dần, hầu hết các điểm du lịch trên cả nước đều chứng kiến cảnh dòng người lũ lượt tìm đến, nhiều nơi xảy ra tình trạng kẹt cứng, các bãi biển, khách sạn, nhà nghỉ “cháy phòng”… Kích hoạt nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Khác với trước đây, thay vì chỉ một số điểm du lịch nổi tiếng mới thu hút du khách, thì hiện nay, nơi nào có phong cảnh đẹp, không khí trong lành… đều có thể trở thành điểm đến. Xuất phát từ thực tế này, thời gian qua, các nhà phát triển bất động sản đã không ngừng tìm kiếm quỹ đất để làm dự án nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng ở nhiều vùng đất mới, báo hiệu sự bùng nổ xu hướng “lên rừng, xuống biển” của bất động sản nghỉ dưỡng.

Với việc tiếp tục mở rộng độ phủ tiêm phòng vắc-xin ở các độ tuổi cũng như các địa phương trên cả nước, Chính phủ đặt mục tiêu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022. Đây là một trong những nội dung được nêu tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022.

Vào ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, trong đó có nội dung quan trọng, mà theo giới kinh doanh địa ốc, sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, đó là việc chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo tiền khả thi các dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ ba gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án quan trọng khác. Cùng với đó, tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...

Giới chuyên môn cho rằng, năm 2022 sẽ là năm bản lề cho một chu kỳ bùng nổ mới, hình thành nên các đại dự án được đầu tư, quy hoạch bài bản và hệ thống hạ tầng kết nối hoàn thiện sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển ở hầu hết các vùng miền. Nếu như việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc - Nam… mở ra cơ hội cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung, thì cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Bình Phước… cũng mở ra cánh cửa mới cho các tỉnh Tây Nguyên…, và trong tương lai gần, nhiều tuyến đường kết nối hạ tầng được đưa vào sử dụng như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… sẽ mang đến sự bứt phá cho thị trường bất động sản các khu vực này.

Thời gian tới, tại các thị trường miền Đông Nam Bộ và dọc theo các tỉnh miền Trung, nhiều đại dự án từng bước được đưa vào khai khác. Chẳng hạn, tại Bình Thuận, theo lộ trình, siêu dự án nghỉ dưỡng Novaworld Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD sẽ bắt đầu bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Tại Bình Định, dự án Hải Giang Merry Land của Tập đoàn Hưng Thịnh với hàng ngàn sản phẩm cũng chính thức ra mắt thị trường, hay Tập đoàn Danh Khôi tiếp tục mạnh triển khai các dự án tại Nhơn Hội với hơn 110 ha xây dựng khu thấp tầng và cao tầng gồm 17 tòa nhà.

Trong xu hướng “lên rừng”, Lâm Đồng là một trong những địa phương “hot” nhất hiện nay. Ngoài “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt vốn được biết đến từ lâu, thời gian gần đây, nhiều khu vực khác như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng… đã lọt vào tầm ngắm của các đại gia địa ốc với kế hoạch xây dựng một loạt dự án quy mô lớn.

Cuối năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thống nhất chủ trương cho liên danh Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Nam Miền Trung phối hợp với liên danh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phương Trang cùng tham gia nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch tại khu vực có diện tích 15.400 ha của huyện Lâm Hà, theo hướng kết hợp hài hòa giữa mở rộng phát triển đô thị Nam Ban và các xã lân cận, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo tính kết nối đồng bộ về hạ tầng và khả thi trong đầu tư. Trước đó, một loạt nhà phát triển bất động sản lớn khác cũng đã đổ về Lâm Đồng để khảo sát, đầu tư các dự án, kéo theo các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô về đây tìm kiếm cơ hội.

Ngoài Lâm Đồng, thị trường bất động sản Đắk Nông cũng bắt đầu chứng kiến bóng dáng của các nhà đầu tư thạo tin kéo nhau lên đây tìm mua đất “đón đầu” bước chân của những “người khổng lồ” với kế hoạch đánh thức vùng đất đầy tiềm năng này. Cụ thể, vào đầu năm 2022, liên danh Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va và Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm đã có buổi báo cáo ý tưởng quy hoạch khu vực huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các sở, ban ngành về dự án xây dựng khu du lịch quy mô lên tới 23.500 ha với các tiện ích vui chơi giải trí cộng đồng, du lịch trải nghiệm, thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, tâm linh… cùng chuỗi lưu trú.

Tổng Hợp