Nhắc đến quản lý tài chính cá nhân, có một mô hình quan trọng, thiết thực mà nhiều người chưa biết: Mô hình W. Đây được coi là thước đo nhận thức về tài chính của mỗi cá nhân theo từng giai đoạn. Để cải thiện, trau dồi vốn kiến thức về tài chính nói chung và quản lý tài chính cá nhân nói riêng, dựa vào mô hình W này là đủ.
Mô hình W được công bố và sử dụng trong các tài liệu giảng dạy của AFA (Tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo chuyên gia quản trị tài chính, kế toán, kiểm toán tại Việt Nam). Được lấy cảm hứng từ hình dạng của chữ cái W với 3 đỉnh và 2 đáy, mô hình W miêu tả những giai đoạn khác nhau trong quá trình khủng hoảng, phát triển nhận thức về tài chính của một người.
Mô hình W (Ảnh: DNSE) |
Giai đoạn 1 - Đỉnh đầu tiên: "Gà mờ" tài chính
Giai đoạn đầu của W là giai đoạn khi con người chưa quan tâm hoặc cần bận tâm nhiều về vấn đề tiền bạc.
Nhóm người phổ biến trong giai đoạn này thường là học sinh, sinh viên hoặc những người đang nhận sự hỗ trợ tài chính từ gia đình. Ngoài ra, cũng có một nhóm người đã đi làm với một mức thu nhập ổn định. Nhưng họ lại thiếu kiến thức về quản lý tài chính và chưa từng đối mặt với áp lực về tài chính lớn.
Thông thường, giai đoạn "gà mờ" tài chính này không kéo dài lâu. Khi một cá nhân gặp phải xung đột xã hội, họ sẽ bắt đầu đối mặt với những khó khăn và rủi ro, đưa họ tiến vào giai đoạn thứ hai.
Giai đoạn 2 - Đáy đầu tiên: Thách thức tài chính
Giai đoạn thứ hai của W đánh dấu sự xuất hiện của những thách thức và áp lực tài chính, khi tiền bạc trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Cụm từ "áp lực cơm áo gạo tiền" chính là cách miêu tả dễ hiểu nhất cho đáy đầu tiên trong mô hình W.
Ảnh minh họa |
Những bạn trẻ trong độ tuổi 20-25 là nhóm đối tượng dễ rơi vào đáy đầu tiên này. Sau khi tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm kiếm sống, họ sẽ phải đối mặt với những áp lực trong phát triển sự nghiệp, quản lý chi tiêu, đôi khi còn là áp lực phải hỗ trợ gia đình (nuôi em, giúp bố mẹ trả nợ,...).
Những điều này tạo ra một sức ép đáng kể và thúc đẩy họ phải cải thiện nhận thức về tài chính cá nhân một cách có ý thức hơn. Khi đã nhận ra điều này, họ sẽ nhanh chóng leo lên đỉnh thứ 2.
Giai đoạn 3 - Đỉnh thứ 2: Coi trọng tài chính
Ở giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra những vấn đề tài chính mà mình đang phải đối mặt, từ đó tìm kiếm các giải pháp thông qua việc xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiêu và tích lũy tài sản.
Đa dạng thu nhập, mon men đầu tư sinh lời và đặt mục tiêu tích lũy tài sản là những bước đầu tiên mà những người đang ở đỉnh thứ 2 của mô hình W thường làm. Bên cạnh đó, họ cũng dành thời gian để tìm hiểu, đánh giá và thực hiện các chiến lược tài chính hợp lý, nhằm đạt được sự phát triển và thành công tài chính bền vững hơn trong tương lai.
Và đương nhiên, có đầu tư sẽ có lúc thất bại. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp trước khi một người đạt tới đỉnh cuối cùng.
Giai đoạn 4 - Đáy cuối cùng: Gia tăng áp lực tài chính
Ở đáy cuối cùng của W, bạn sẽ đối mặt với những áp lực tài nặng nề hơn hẳn so với đáy đầu tiên. Đó là sức ép từ việc quản lý mô hình kinh doanh, các quyết định đầu tư gây thua lỗ, áp lực trả nợ song song với áp lực chăm sóc cha mẹ và gia đình của riêng mình.
Những người ở giai đoạn 4 - Đáy cuối cùng của mô hình W thường trong độ tuổi 30-40 vì họ cùng lúc phải lo cho bản thân, cho cha mẹ và cho vợ/chồng lẫn con cái.
Ở giai đoạn này, mọi quyết định và biện pháp tài chính phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự ổn định và bền vững vì nếu không, không bạn khổ mà cả những người bạn đang chăm lo sẽ khổ theo.
Ảnh minh họa |
Giai đoạn 5 - Đỉnh số 3: Tự do tài chính
Sau khi kinh qua "mọi bể khổ", đến giai đoạn này, bạn đã chính thức vượt qua những mối lo về tiền bạc và đạt tới một trạng thái tự do nào đó về tài chính. Có thể sự tự do tài chính của bạn chưa mĩ mãn đến mức có thể "ăn không ngồi rồi" mà vẫn sống thoải mái, nhưng ít nhất, ở giai đoạn này, bạn đã tích lũy được tài sản và cùng lúc đạt được 3 yếu tố quan trọng: Ổn định, an toàn và hiệu quả.
Tóm lại
Mô hình W diễn giải tường tận 5 gia đoạn đầy biến động trong tình hình tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều phải trải qua "2 đáy" trước khi đến được đỉnh thành công tuyệt vời cuối cùng - là tự do tài chính.
Nền tảng giáo dục và nền tảng gia đình được coi là 2 yếu tố quan trọng, quyết định một người có phải trải qua cả "2 đáy" của mô hình W hay không.
"Thoát đáy, chạm đỉnh" là mong muốn chung của phần lớn mọi người sau khi đã biết và tìm hiểu về mô hình W. Các chuyên gia tài chính khuyên rằng để rút ngắn thời gian "chạm đáy", lên kế hoạch chi tiêu, kiểm soát chi tiêu và tôi rèn một tâm lý vững vàng là 3 điều tối quan trọng.
Nếu không làm được 3 điều này, thời gian bạn "xuống đáy" sẽ nhanh hơn, đồng thời, thời gian bạn "giam mình trong đáy" cũng lâu hơn.
Bộ Tài chính bãi bỏ 7 thông tư trong lĩnh vực đầu tư công
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 7 thông tư trong lĩnh vực đầu tư công, có hiệu lực từ ngày 25/2/2024.