Nỗi lòng kinh tế cuối năm: Kiệt quệ tài chính vì… đi ăn cưới quá nhiều

Những người trẻ dưới đây tiết lộ họ đã chi bao nhiêu để đi ăn cưới trong “mùa cao điểm" vừa qua.

"Mùa cưới" luôn là thời điểm buồn vui lẫn lộn. Bởi lẽ bên cạnh việc chúc phúc cho cô dâu, chú rể, điều khiến nhiều người băn khoăn hơn cả là làm sao để cân đối tài chính khi liên tiếp nhận được nhiều thiệp mời đám cưới. 

Nói đâu xa, chỉ trong 1 tháng vừa qua khi đám cưới bước vào mùa “cao điểm", nhiều khách mời đã choáng váng vì liên tiếp nhận được thiệp mời với tần suất dày đặc. 

Đi ăn cưới mùa
Đi ăn cưới mùa "cao điểm" trở thành nỗi lo của nhiều người trẻ (Ảnh minh hoạ)

1. Nguyễn Lê Trà (21 tuổi, sinh viên): 3 triệu đồng đi 1 đám cưới

Trong 1 tháng qua, Lê Trà (TP.Hà Nội) chỉ đi “chung vui” với đám cưới của một người chị họ bằng phong bì 1 triệu đồng. Trước đó, cô còn góp thêm 2 triệu đồng vào quỹ chung với hội chị em khác trong nhà để mua quà tặng cô dâu dịp lễ tân gia.

Lê Trà cho hay, cô khá “xót ví" sau khi bỏ cùng lúc hết 3 triệu đồng trong một tháng. Tuy nhiên cô thấy khoản chi tiêu này xứng đáng vì hai chị em vô cùng thân thiết.

Lê Trà chia sẻ: “Vì còn là sinh viên, đi làm lương không cao nên mình cần chuẩn bị tiền đi mừng cưới từ sớm. Tầm nửa năm trước, từ số tiền bố mẹ cho hàng tháng và tiền lương thực tập sinh, mình sẽ bỏ riêng 500 ngàn - 1 triệu đồng."

2. Nguyễn Văn Quyết (24 tuổi, giáo viên): 4 triệu đồng đi 8 đám cưới

Quyết (TP. Hà Nội) hài hước chia sẻ bản thân đã phải đi vay thêm tiền sau khi nhận được 8 thiệp mời đám cưới trong cùng một tháng. Trong 8 đám cưới này, có cả đám của người thân, bạn bè và đồng nghiệp tại trường học.

Cũng theo Quyết, số tiền bỏ phong bì tại mỗi đám cưới khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thân thiết giữa chàng trai và cô dâu, chú rể. Anh chàng chia sẻ: “Khi mình đi đám cưới bạn thân và người trong gia đình thì sẽ bỏ phong bì 1-2 triệu đồng. Còn nếu đi đám cưới của người quen thì tuỳ thuộc có ăn cỗ hay không, mình bỏ 300 - 500 ngàn đồng. Mình chọn gửi phong bì hết và không mua quà vì hình thức này thuận tiện, không mất nhiều công chuẩn bị."

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

3. Nguyễn Văn Nam (26 tuổi, bác sĩ): 4 triệu đồng đi 8 đám cưới

Khác với Quyết, Nam (TP.Hà Nội) chọn cách bỏ tất cả phong bì đi ăn cưới với số tiền 500 ngàn đồng. Chỉ riêng tháng trước, Nam đã thấy áp lực tài chính và stress khi nhận được liên tiếp 8 cái thiệp mời.

Song bên cạnh đó, Nam quan niệm đi ăn cưới thì không nên đặt nặng chuyện bản thân “lỗ lãi" hay phải bỏ phong bì bao nhiêu. Bởi với người thân, chúng ta không nên tính toán quá nhiều. Còn với bạn bè xã giao, tiền mừng cưới không chỉ là chung vui với bạn mà còn giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ.

Nam tâm sự: “Năm nay, người sinh năm 1997 ‘được tuổi'. Theo mình tìm hiểu thì nếu không cưới trong dịp này thì phải đợi tuổi cưới khá lâu nên 1 tháng trước, bạn bè cùng lứa dồn dập nhắn tin mời mình dự đám cưới. Với cá nhân mình, đâu phải ai cũng có nhiều tiền mà đi mừng cưới cùng một lúc. Nếu thời gian tổ chức các đám cưới được ‘giãn cách' thì mọi người chuẩn bị tiền bạc cũng dễ dàng hơn".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

4. Thanh Mai (27 tuổi, nhân viên văn phòng): 12 triệu đồng đi 3 đám cưới

Nếu như với nhiều người, tiền mừng là khoản “xót ví" nhất khi đi dự đám cưới thì với Thanh Mai (TP.HCM), các chi phí bên lề mới thật sự tạo áp lực. 

Được biết, trong 1 tháng vừa qua, bên cạnh 4 triệu đồng tiền mừng cho 3 đám cưới, cô còn tốn thêm 2 triệu đồng sắm trang phục, 6 triệu đồng tiền mua vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội ăn cưới đồng nghiệp, cũng như nhiều chi phí di chuyển khác. Nói cách khác, chưa tính chi phí thuê chỗ ở và ăn uống khi ra ngoài Bắc dự đám cưới, Thanh Mai đã tốn hơn 12 triệu đồng cho tiền ăn cưới.

Tuy nhiên, đây chưa phải “tháng cao điểm" đi dự đám cưới của Thanh Mai. Bởi dù còn khá lâu mới đến tháng 12 Âm lịch nhưng trong tay Thanh Mai đã nhận đến 3 thông báo mời đi dự đám cưới của dịp này rồi.

Được biết vào giữa năm nay Thanh Mai đã tổ chức đám cưới. Do đó, cô cũng coi ngày “chung vui" với đồng nghiệp, bạn bè là hình thức đi trả nợ tiền mừng cưới mình đã nhận lúc trước.

“Trong đợt ăn cưới tháng trước, mình tính ra cũng ‘lỗ'. Chẳng qua, mình nói ‘mình không có tiếc' để đỡ suy nghĩ thôi. Thêm vào đó năm nay kinh tế khó khăn và ngay sau khi tổ chức đám cưới thu nhập của mình bất ngờ giảm sút nên cũng phần nào gặp áp lực", Thanh Mai bày tỏ.

Thanh Mai nhớ lại, trong đám cưới của mình vào năm nay, vợ chồng cô đã được tặng 3 cây vàng nhưng đã bán hết ngay sau đó. Trong thời gian sắp tới còn tham dự thêm một đám cưới, giữa tình hình giá vàng lên xuống bất thường, họ chấp nhận có thể phải mua lại vàng để đi cưới người thân với mức giá cao hơn ở thời điểm bán rất nhiều.

Thanh Mai giải thích: “Nói tiếc thì không có tiếc. Vì lúc mình bán vàng, bản thân đã chấp nhận giá mua có thể lên hay không rồi. Thời điểm được tặng vàng, mình còn ở nhà thuê tại TP.HCM nên cá nhân không yên tâm khi cất vàng ở trọ. 3 cây vàng chứ có ít đâu. Chồng mình cũng hay đi làm ăn xa, ở với tập thể nên anh không thể giữ vàng được.

Mình từng nghĩ đến phương án nhờ mẹ chồng cầm hộ vàng thì cũng không khả thi. Vì mẹ bảo ở quê không có két nên nếu có bảo quản vàng, chỉ còn cách chôn xuống dưới đất. Do đó, mẹ bảo bọn mình thôi tự cầm đi, chứ mẹ không có yên tâm. Suy đi tính lại, cả hai đứa thống nhất phương án đem vàng đi bán".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

5. Trịnh Thu Hoài (28 tuổi, nhân viên văn phòng): 11 triệu đồng đi 3 đám cưới

Trong 1 tháng vừa qua, dù chỉ đi 3 đám cưới nhưng Thu Hoài (TP. Hà Nội) vẫn tốn nhiều tiền vì toàn là “ngày vui” của bạn bè thân thiết, người nhà. Cụ thể hơn, Thu Hoài mừng một đám cưới 500 ngàn đồng, một đám cưới mừng 1 chỉ vàng và một đám cưới mừng 5 phân vàng. 

Bên cạnh tiền mừng, cô nàng còn tốn thêm khoảng 700 ngàn đồng để sắm quần áo mới đi ăn cưới một người quen. Hai đám cưới còn lại, do Thu Hoài mix lại đồ cũ nên không quá tốn kém cho khoản chi phí này.

“Đúng là tiêu hết 10 triệu đồng tiền mừng cưới trong 1 tháng thì cũng ‘đau ví’ và hay than thở với mọi người nhưng mình thấy không tiếc hay lỗ gì. Vì mối quan hệ nào cũng được xây dựng từ nhiều yếu tố khác nhau, có nền tảng từ trước chứ không chỉ riêng đám cưới. Chẳng hạn như trước đó cô dâu chú rể đối xử rất tốt với mình nên đám cưới của họ, mình mừng nhiều một chút như là cách chúc phúc và cảm ơn. Kể cả sau này mình không kết hôn đi chăng nữa thì cũng không tính toán lỗ lãi làm gì, mệt đầu lắm”, Thu Hoài chia sẻ.

Thêm vào đó, Thu Hoài còn có trải nghiệm đáng nhớ khi tìm mua vàng cưới để tặng người thân trong thời điểm giá vàng biến động mạnh. Cô nàng nhớ lại: “Hồi giữa tháng 11, mình mua một chiếc nhẫn SJC 1 chỉ để mừng cưới, hình như khi đó là 6 triệu đồng. Đến cuối tháng 11, thời điểm đám cưới diễn ra thì chiếc nhẫn đó tăng thêm 400 - 500 ngàn đồng. Hú hồn luôn!”.

Vân Anh

Dân văn phòng phát hoảng khi cuối năm chỉ tiêu tiền: Mừng cưới 2 chỉ vàng, mua quà sinh nhật và săn sale “liên miên'

Dân văn phòng phát hoảng khi cuối năm chỉ tiêu tiền: Mừng cưới 2 chỉ vàng, mua quà sinh nhật và săn sale “liên miên"

Thời điểm cuối năm cũng là lúc dân văn phòng chi tiêu tiền mạnh tay hơn rất nhiều.