Dân văn phòng phát hoảng khi cuối năm chỉ tiêu tiền: Mừng cưới 2 chỉ vàng, mua quà sinh nhật và săn sale “liên miên"

Thời điểm cuối năm cũng là lúc dân văn phòng chi tiêu tiền mạnh tay hơn rất nhiều.

Dân văn phòng đi đám cưới, sinh nhật, du lịch “liên miên" 

Xuân Toàn (27 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) chia sẻ rằng mới tháng 11 Dương lịch, cậu bạn đã cảm thấy hoảng với những tấm thiệp mời cưới từ đồng nghiệp cũng như bạn bè. “Vì ở độ tuổi của mình, các bạn đồng trang lứa cưới rất nhiều, từ hội bạn thân đến các đồng nghiệp ở công ty ai cũng dắt díu nhau đi cưới. Mình thấy bỡ ngỡ và hoảng hốt khi mà ‘tấm thiệp cưới trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng' ngày càng nhiều. Cũng bởi vì vậy, thật sự tiền đi đám cưới tháng này của mình phải đến gần 2 chỉ vàng, tương đương hơn 14 triệu đồng”. 

Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nay, ở công ty Xuân Toàn, mọi người đang nô nức rủ nhau đi du lịch. Người đi Hàn đu idol, người đi Sing hay Thái để tổng kết và tận hưởng không khí cuối năm. Do tầm này mọi người đang tranh thủ đi du lịch trước Tết nên có vẻ chi tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn như mua đồ đạc đi du lịch, rồi kéo nhau sang nước khác để sắm sửa đồ cuối năm. 

Còn đối với Mỹ Linh (27 tuổi, làm trong ngành bảo hiểm), cô bạn cũng chi tiêu tập trung vào khoản du lịch, ăn cưới và sinh nhật bạn bè trong dịp cuối năm. Trong khoảng thời gian này, cô bạn đã chi tiêu gần 20 triệu cho những khoản mục trên. Ở công ty của Mỹ Linh, mọi người cũng thường xuyên mua sắm đồ trên mạng trong những dịp săn sale cuối năm, khoảng 10 đơn/tuần. 

“Năm nay, mình biết tính toán hơn, đồ nào thực sự cần mình sẽ mua nên gần như không có khoản nào đột biến. Mình đã dự trù một khoản riêng chỉ để chi tiêu cho những khoản đột xuất ở tương lai gần. Trong những dịp như tiệc cuối năm của công ty, mình dự tính sẽ dùng lại đồ năm ngoái vì vẫn hợp thời”. 

Mỹ Linh
Mỹ Linh

Cũng giống như Xuân Toàn và Mỹ Linh, Ngọc Hạ (25 tuổi, làm ngân hàng) chỉ trong tháng 11 này đã nhận được 6 thiệp mời cưới và dự 4 tiệc sinh nhật. “Bạn bè mình chủ yếu sinh cuối năm nay sinh nhật rất nhiều. Đây cũng là mùa cưới nữa nên gần như cuối tuần nào mình cũng dự đám cưới. Mỗi đám sẽ khoảng 500-1 triệu đồng, thêm chi phí di chuyển và quần áo, mình ước tính cũng phải chi khoảng 6-7 triệu cho đám cưới,  2 triệu mua quà sinh nhật". 

Nhiều người quyết định sắm Tết sớm 

Hiện nay, Xuân Toàn đang tính toán sẽ sắm đồ đạc cho gia đình trước Tết, như mua sofa mới, tivi và tủ lạnh cho bố mẹ. Do vậy, cậu bạn dự tính sẽ tốn kha khá tiền dành dụm trong 1 năm làm việc vất vả vừa qua. 

Năm nào cũng thế, mình cũng sẽ phải chi tiêu 1 khoản tiền cho cá nhân để sắm một bộ vest mới tham dự tiệc cuối năm cũng như có thể dùng luôn trong những ngày Tết. Do vậy, khoản đó gần như không thể nào thiếu cho đợt cuối năm này”. 

Cậu bạn chia sẻ rằng so với năm trước, chắc chắn năm nay cậu bạn sẽ chi tiêu nhiều hơn. Bởi vì mỗi năm giá trị tiền tệ sẽ khác và tỷ giá tăng nên chắc chắn bình thường tỷ lệ chi tiêu giống mọi năm nhưng giá sẽ theo thị trường tiền tệ theo kinh tế. Lời khuyên của Xuân Toàn dành cho dân văn phòng: Một là không tiêu gì, còn lỡ tiêu rồi thì tiêu nốt đi năm sau làm lại. 

Xuân Toàn
Xuân Toàn

Còn Mỹ Linh bắt đầu sắm Tết những đồ trang trí, lịch tường, đồ gia dụng cần thay mới thôi. Năm nào cô bạn cũng cố gắng mua trước những đồ mình ưng, sợ đến gần Tết sẽ rất khó kiếm. 

Những năm gần đây cô bạn cảm thấy bản thân đã chi tiêu hợp lý hơn, quan tâm nhiều về chất lượng hơn là số lượng. Tuy vẫn khá nghiện mua sắm, nhưng sau khi áp dụng một phương pháp chi tiêu đơn giản này, cô bạn đã kiểm soát tài chính cá nhân tốt hơn.

“Mình nghĩ rằng thứ gì thực sự cần thiết hãy ghi chú lại, nhưng phải phù hợp trong khoản ngân sách bạn sẵn sàng bỏ ra để tiêu. Còn đối với những món đồ mình thích mang tính phù phiếm, hãy lưu nó lại đã. Ngày nào cũng vào ngó lại nó, xem liệu mình có thật sự cần món đồ đó hay không, có thứ gì mình đang sở hữu có thể thay thế được không. Đồng thời hãy tự hỏi rằng không mua nó thì mình có thiệt gì không. Mình nhận ra tự cân đo đong đếm sẽ khiến bản thân … chán đi và giữ chặt túi tiền”. 

Đối với Ngọc Hạ, cô bạn đang học cách để tận dụng những món đồ có sẵn và mua sắm thông minh hơn. Chẳng hạn với quần áo, cô bạn sẽ mua những bộ đồ có thể mặc được nhiều dịp, tránh sắm 1 chiếc váy chỉ mặc vào mùng 1 Tết hay đi cưới. Bên cạnh đó, cô bạn cũng thường xuyên dọn dẹp lại nhà cửa và tủ quần áo để nhận ra bản thân có nhiều đồ đến mức nào, tránh “hào hứng" lên mà mua mà không có kế hoạch. 

Tô Diệp - Ảnh: NVCC

Sắm Tết từ tháng 11 rồi phải chi gấp đôi để mua lại toàn bộ quần áo

Sắm Tết từ tháng 11 rồi phải chi gấp đôi để mua lại toàn bộ quần áo

Dù chuẩn bị trước là tốt, vẫn có một số khoản mục không nên sắm sớm cho ngày Tết.