Một năm lạm phát tăng cao liên tục, lãi suất tăng chóng mặt và cú sốc năng lượng do chiến tranh đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Trong khi thị trường việc làm vẫn rất mạnh, và đó là những lý do mà nhiều nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái vào một thời điểm nào đó trong năm tới.
Và ngay cả khi tránh được suy thoái, người Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với giá cả, lãi suất cao và những tác động chưa biết của cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Bế tắc chính trị về tài trợ của chính phủ, các chương trình quyền lợi và giới hạn nợ liên bang cũng có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
Chuẩn bị kế hoạch cho lạm phát cao
Lạm phát đã chậm lại đáng kể sau khi đạt đỉnh vào mùa Hè này khi ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ qua, mang lại một số an ủi nhỏ cho những người mua sắm vốn đang gặp khó khăn.
Theo dự báo, việc chuỗi cung ứng được thông thoáng hơn, chi tiêu của người tiêu dùng chậm hơn và chi phí nhiên liệu thấp hơn sẽ giúp làm cho một số hàng hóa có giá cả phải chăng hơn trong năm tới, trong khi đồng USD mạnh hơn sẽ giúp hàng nhập khẩu rẻ hơn.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán giá hàng hóa sẽ giảm từ mức hiện tại vào năm tới, đủ để đạt được tỷ lệ lạm phát âm, phần lớn nhờ vào "lạm phát giá hàng hóa vừa phải hơn, chi phí vận tải giảm và áp lực giảm giá nhập khẩu".
Nhưng giá của nhiều dịch vụ — đặc biệt là nhà ở và chăm sóc sức khỏe — có thể sẽ tiếp tục tăng sau khi tăng chóng mặt trong suốt năm 2022, báo cáo cho biết thêm.
"Chúng tôi dự kiến sự suy giảm về phía dịch vụ, với các dịch vụ cốt lõi [lạm phát] giảm nhẹ từ 5% xuống còn 4,5% vào tháng 12 năm 2023", các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ còn lâu mới ổn định được giá cả và lạm phát thậm chí còn chậm hơn vào năm 2023 và điều này vẫn sẽ khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn.
"Có một kỳ vọng rằng lạm phát dịch vụ sẽ không giảm nhanh, vì vậy chúng tôi sẽ phải duy trì lãi suất ở mức đó", ông Powell cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng này.
"Chúng tôi có thể phải tăng lãi suất cao hơn để đạt được mục tiêu mà chúng tôi muốn", ông nói thêm.
Fed có thể tăng lãi suất cao hơn nữa
Ngay cả khi lạm phát tiếp tục giảm, Fed cũng đã nói rõ rằng họ sẽ không ngừng tăng lãi suất vào đầu năm tới và có kế hoạch giữ chúng ở mức cao trong tương lai gần.
Các quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản trong khoảng từ 5 đến 5,25% vào cuối năm 2023, tăng từ mức hiện tại là 4,25 đến 4,5% được thiết lập vào đầu tháng này. Fed cũng không cho thấy họ sẽ cắt giảm lãi suất cho đến năm 2024.
Vấn đề an ninh việc làm trong thời kỳ suy thoái
Một thị trường việc làm mạnh mẽ trong lịch sử đã giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua lạm phát cao và bất chấp những dự đoán trước đây về sự chậm lại. Điều đó cũng cho phép hàng triệu người Mỹ tìm được việc làm mới, thường với mức lương cao hơn hoặc có cơ hội nghề nghiệp cao hơn.
Các nhà kinh tế đang ngày càng lo sợ rằng một cuộc suy thoái có thể buộc hàng nghìn - nếu không muốn nói là hàng triệu - người Mỹ mất việc vào năm tới. Fed đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm 2023 khi nền kinh tế chậm lại dưới tác động của lãi suất cao.
Scott Hoyt, giám đốc cấp cao của Moody's Analytics, đã viết trong một phân tích vào tuần trước: "Mặc dù nền kinh tế chưa bị suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại và yếu hơn so với dữ liệu quý 3".
Nếu Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2023, những người được tuyển dụng gần đây không có thâm niên có thể nằm trong số những người đầu tiên bị sa thải. Các công ty trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất cao cũng có thể phải đối mặt với áp lực tài chính, điều này có thể đe dọa việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ và bất động sản.
"Tôi không nghĩ có ai biết liệu chúng ta có bị suy thoái hay không và nếu có thì liệu nó có sâu hay không. Chỉ là, không thể biết được", ông Powell nói.
Thị trường chứng khoán khó tăng trở lại
Các cổ phiếu kết thúc năm 2022 với mức thua lỗ nặng nề sau khi thiết lập mức cao kỷ lục mới vào cuối năm ngoái. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đã giảm khoảng 9% kể từ đầu năm 2022, trong khi chỉ số Nasdaq composite và S&P 500 đã giảm lần lượt 35% và 20% trong 12 tháng qua.
Lạm phát, cuộc chiến ở Ukraina kéo dài và việc lãi suất tăng đã làm mất niềm tin và động lực của chứng khoán sau khi thị trường này có mức tăng hai con số trong suốt đại dịch.
Mặc dù năm 2023 có thể yên bình hơn, nhưng nhiều chuyên gia đầu tư nhận thấy thị trường sẽ phục hồi ở đâu đó giữa mức cao kỷ lục được thiết lập vào năm 2021 và mức thấp nhất của đợt bán tháo năm ngoái.
"Ngay cả trong những năm tương đối bình lặng, thị trường vẫn trải qua một số thăng trầm. Trong năm 2023, hy vọng rằng những làn sóng không thể tránh khỏi của thị trường sẽ có thể kiểm soát được. Nhưng tôi tin rằng chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng thị trường sẽ trở nên nguy hiểm hơn", Jurrien Timmer, Giám đốc vĩ mô toàn cầu của Fidelity Management and Research, cho biết.
Phố Wall sẽ tập trung vào thời điểm Fed có kế hoạch ngừng tăng lãi suất và liệu nền kinh tế có đủ suy yếu để buộc họ phải cắt giảm chiến lược tăng lãi suất của mình hay không. Các cuộc đấu tranh về tài trợ của chính phủ và trần nợ cũng sẽ làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt nếu Mỹ tiến gần đến khả năng vỡ nợ quốc gia.
(The Hill)