Kinh tế Nga đang suy yếu do các lệnh trừng phạt của phương Tây?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale cho biết, nền kinh tế Nga đang chịu thiệt hại lớn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, bất chấp Moscow đang cố gắng hạ thấp tác động của các lệnh cấm vận này.

Theo một nghiên cứu mới từ Đại học Yale, các biện pháp trừng phạt đối Nga đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, bất chấp việc Moscow khẳng định rằng nước này không cảm thấy bị ảnh hưởng.

Công bố của Đại học Yale làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố của Moscow rằng nền kinh tế của nước này vẫn còn vững mạnh và phương Tây đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn do "một cuộc chiến tranh tiêu hao kinh tế".

Nghiên cứu của Đại học Yale nói gì?

Nhóm chuyên gia của Yale đã sử dụng dữ liệu người tiêu dùng và số liệu từ các đối tác thương mại và vận chuyển quốc tế của Nga để đo lường hoạt động kinh tế trong 5 tháng sau khi Moscow tiến hành tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraina.

Họ nhận thấy rằng vị thế của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu hàng hóa đã bị xói mòn không thể phục hồi và buộc nước này phải chuyển xuất khẩu từ các thị trường chính ở châu Âu sang châu Á.

Kinh tế Nga đang suy yếu do các lệnh trừng phạt của phương Tây? - Ảnh 1.

Nền kinh tế Nga suy yếu do các lệnh trừng phạt của phương Tây?

Nghiên cứu cho biết hàng nhập khẩu của Nga phần lớn đã sụp đổ kể từ khi chiến tranh bắt đầu và nước này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đảm bảo các nguyên liệu đầu và các thiết bị công nghệ quan trọng.

Nhóm nghiên cứu nhận định: "Sản xuất nội địa của Nga đã đi vào bế tắc hoàn toàn do họ không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân sự có chuyên môn cao đã mất".

"Việc làm rỗng nền tảng sản xuất và thay đổi trong nước của Nga đã dẫn đến giá cả tăng vọt và làm giảm sức mua của người tiêu dùng", báo cáo cho biết thêm.

Theo nghiên cứu của Yale, với sự ra đi của khoảng 1.000 công ty toàn cầu, Nga đã mất đi khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội.

Báo cáo cho biết ông Putin đang sử dụng biện pháp can thiệp tài khóa và tiền tệ không bền vững để khắc phục những điểm yếu về cơ cấu kinh tế.

Ngân sách chính phủ Nga đã bị thâm hụt lần đầu tiên và tài chính của Điện Kremlin "đang ở trong tình trạng eo hẹp hơn nhiều so với cách hiểu thông thường", các chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, thị trường tài chính Nga - với triển vọng tương lai - hoạt động kém nhất trên thế giới, hạn chế khả năng khai thác đầu tư mới để phục hồi nền kinh tế.

Kinh tế Nga đang suy yếu do các lệnh trừng phạt của phương Tây? - Ảnh 2.

Người dân Nga ngày càng gặp khó khăn hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kể từ khi cuộc tấn công xảy ra, các công bố kinh tế của Điện Kremlin ngày càng được chọn lọc, loại bỏ các chỉ số bất lợi trong khi chỉ công bố những chỉ số thuận lợi hơn, nghiên cứu cho thấy.

"Các số liệu thống kê do TT Putin lựa chọn này sau đó được thổi phồng trên các phương tiện truyền thông và được sử dụng bởi hàng loạt các chuyên gia có thiện chí nhưng thiếu cẩn trọng trong việc xây dựng các dự báo có lợi quá mức, phi thực tế đối với Điện Kremlin", báo cáocủa Đại học Yale nói.

Các số liệu mới về sản xuất công nghiệp của Nga trong tháng 6 cho thấy đã có sụt giảm đáng kể trên một loạt các lĩnh vực so với năm ngoái.

Đối với ô tô, sản lượng giảm 89%, trong khi đối với cáp quang giảm gần 80%.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho nền kinh tế Nga?

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, Nga không có con đường thoát khỏi "sự lãng quên kinh tế", với điều kiện các đồng minh phương Tây phải thống nhất về các biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức được công bố vào tháng 6 cũng cho thấy nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng, mặc dù ban đầu đã ổn định khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

"Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt chỉ mới bắt đầu bộc lộ, đó là những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng", báo cáo của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức cho thấy.

"Về lâu dài, nền kinh tế Nga sẽ trở nên yếu hơn khi nó tách rời một phần khỏi thương mại quốc tế", báo cáo nói.

"Để tránh căng thẳng xã hội, chính phủ sẽ can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp Nga, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn và dấu chân của nhà nước sẽ lớn hơn trong nền kinh tế".

N.MINH