Những ngày cuối năm này, chuyện lương thưởng của dân ngân hàng nhận được nhiều chú ý. Bởi lẽ, có quan điểm cho rằng dân ngân hàng “sống nhờ lương, giàu nhờ thưởng". Một nhân sự ngân hàng có thể nhận tiền thưởng Tết lên đến vài tháng lương, thậm chí đạt 10 tháng lương theo chi nhánh xuất sắc thuộc về nhóm ngân hàng quốc doanh, theo Vnexpress.
Nhưng chỉ có những người dấn thân vào ngành rồi mới hiểu, họ đã phải “đánh đổi" những gì để có mức thưởng lớn như vậy. Áp lực của dân ngân hàng sau mỗi đợt thưởng Tết, không phải ai cũng tường tận.
Ảnh minh hoạ |
“Ngồi trên đống vàng” không đem lại sự êm ái
T.T (26 tuổi, Hà Nội) đang làm nhân viên tín dụng tại một ngân hàng quốc nội. Cô nhận được khoản thưởng Tết là 3 tháng lương. Cô cho biết, mức thưởng này thấp hơn năm ngoái. Ở thời điểm năm ngoái, nhiều đồng nghiệp tại vị trí của cô có thể nhận tới 6 tháng lương.
T.T chia sẻ, nhiều người mới tìm hiểu về ngân hàng, hay lầm tưởng đây là công việc “nhẹ nhàng nhưng lương cao". Trong khi thực tế, khối lượng công việc tại các bộ phận đều rất lớn. Có những nhân sự thường xuyên phải tăng ca và làm việc liên tục 10 - 12 tiếng ngày.
“Có những đồng nghiệp của mình thì sau vài năm nhận ra họ không phù hợp với công việc này, thường xuyên phải đi tiếp khách, áp lực KPI nên quyết định đổi nghề. Hay có bạn làm trong Big4 thì đến tận ngày cưới vẫn phải mang máy tính làm việc.
Theo quan sát của mình, những nhân sự nhàn nhã thì có thể kiếm được 15 - 18 triệu đồng/tháng, tuy nhiên lương thưởng không cao. Còn nếu muốn nhận đến 40 triệu đồng/tháng thì đòi hỏi họ phải “cày” rất nhiều, làm tăng ca là chuyện bình thường”, T.T cho hay.
Ảnh minh hoạ |
Cũng vì tính chất công việc đặc biệt, do đó nhân sự ngành ngân hàng như T.T được thưởng trong nhiều dịp đặc biệt khác trong năm như 2/9, thưởng Tết dương lịch… tất nhiên còn phụ thuộc vào loại chi nhánh, quỹ lương của chi nhánh, vị trí làm việc, kinh nghiệm và số năm làm việc.
Người ngoài nhìn vào sẽ thấy lương thưởng của dân ngân hàng cao, tuy nhiên T.T nhận định chúng giống như một đãi ngộ của công việc. Nếu không có chúng thì nhiều nhân sự như T.T sẽ tìm kiếm cơ hội khác phù hợp hơn.
“Mình đồng ý ngành nghề nào cũng có áp lực riêng, ngành ngân hàng cũng thế. Tuy nhiên, chỉ những người làm nghề mới hiểu, người ngoài nhìn vào thấy thưởng Tết cao nhưng người trong cuộc lại hiểu phải làm việc trầy trật thế nào.
Dân ngân hàng được giao nhiều KPI. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu này, lương thưởng của bạn đều giảm. Thêm nữa, một nét đặc biệt của ngành này là bạn đứng giữa khách hàng và cấp trên, đồng thời phải đi ra ngoài nhiều. Nhiều người quen với việc này thì có thể trụ lại lâu. bBởi lẽ về sau cùng mình thấy lương thưởng và đãi ngộ của ngành này cũng cao hơn so với mặt bằng chung", T.T nhận định.
Trong khi đó, Ngọc Anh (23 tuổi) - một giao dịch viên tại ngân hàng quốc nội khác bày tỏ mức thưởng Tết năm nay của ngành ngân hàng “vừa đủ”. Đồng tình với T.T, Ngọc Anh cho hay những nhân sự ngân hàng được nhận thưởng Tết cao hơn so với các ngành khác, nhưng bù lại áp lực của họ chịu đựng cũng tỷ lệ thuận.
“Những ngày cuối năm này, mình làm việc cả ngày, có hôm 8h mới về đến nhà. Từ một tháng trước, mình đã phải lo chuyện chuẩn bị Tết như thế nào. Còn không, đợi đến mấy ngày cuối năm mới bắt đầu sắm sửa thì vừa không còn thời gian, mà cũng chẳng kịp mua món đồ nào", Ngọc Anh nhận định.
Ảnh minh hoạ |
Nguyễn Dung (24 tuổi) đang làm tại ngân hàng nước ngoài, cho hay cô không nhận được bất kỳ khoản thưởng Tết nào. Cô nhận định trong tình hình kinh tế làm ăn khó khăn như hiện nay, không có chuyện nhiều dân ngân hàng được thưởng đậm như mọi người đồn đoán.
Nguyễn Dung chia sẻ: “Không bàn đến ngân hàng tư vì thường không có thưởng Tết. Còn riêng chuyện lương thưởng của các ngân hàng trong nước thì mỗi đơn vị sẽ có chính sách khác. Các ngân hàng lại có từng chi nhánh riêng. Chi nhánh nào hoạt động tốt, lợi nhuận nhiều thì nhân sự được thưởng cao. Nếu bạn là cấp quản lý thì chuyện được thưởng nhiều là điều bình thường. Nhân viên thì ít thôi.
Nhưng mà thật ra, tiền thưởng Tết cũng trích ra từ tiền lương trong năm của nhân sự. Ví dụ các ngành khác, trong năm bạn đã nhận đủ lương rồi thì tiền thưởng giảm. Còn ngân hàng thì ngược lại, lương bình thường nhưng sẽ có thưởng nhiều.
Do đó, người ngoài nhìn vào có thể thấy trầm trồ song nhân sự trong ngành như mình lại bình thường. Thông thường, nhân sự được thưởng Tết vài tháng lương, con số khủng sẽ đến từ nhóm ngân hàng trong Big4. Bởi các ngân hàng này làm ăn lãi nhiều và không tốn kém chi phí hoạt động".
Về khối lượng công việc trong những ngày cuối năm này, Nguyễn Dung bày tỏ tùy thuộc vào vị trí sẽ có sự khác biệt. “Trong cuối năm, do khách hàng có nhiều nhu cầu thì quầy giao dịch bận rộn, còn làm ở mảng sale như mình thì không kịp làm gì nữa nên sẽ rảnh. Còn trong năm thì ngược lại, bộ phận mình mướt mải ‘chạy số' nhiều, còn bộ phận họ lại nhàn nhã hơn”, cô chia sẻ.
Ảnh minh hoạ |
Bận rộn không có thời gian tiêu thưởng Tết
Cả T.T và Ngọc Anh nhận định trong dịp Tết Nguyên đán, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì sẽ không còn thời gian để mua sắm.
Riêng T.T, từ cách đây một tháng cô đã bắt đầu mua sắm quần áo, chuẩn bị nail và mua đồ cho gia đình. Do còn độc thân nên T.T vẫn thấy thoải mái với mức chi tiêu hiện tại, tuy nhiên khi đã kết hôn, có lẽ cô sẽ phải nhờ chồng phụ vì cuối năm là thời điểm bận rộn của công việc. Thông thường với tiền thưởng Tết, T.T sẽ trích ra một khoản để mua sắm Tết, một khoản để đi đầu tư hoặc gửi tiết kiệm tuỳ tình hình.
Nói về lý do tại sao làm ngân hàng bận rộn đến tận những ngày Tết nhưng vẫn quyết định gắn bó lâu dài, T.T nói: “Nếu nói ngành ngân hàng bóc lột sức lao động là hơi quá. Bù lại công việc nặng là mức thu nhập ổn. Nhiều khi mình không có thời gian tiêu tiền, tuy nhiên cũng có lúc mình được nghỉ và đi du lịch.
Ngoài ra làm ngân hàng mình còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều mối quan hệ chất lượng, có địa vị và học hỏi từ họ. Tiền thưởng quanh năm và khoản thưởng Tết ổn cũng là điều mà mình thích”.
Tương tự T.T, Ngọc Anh chia sẻ vì biết trước bản thân sẽ “đầu tắt mặt tối" vào những ngày giáp Tết nên cô đã chuẩn bị sắm sửa cho bản thân và gia đình từ cách đây 1 tháng. Với tiền thưởng Tết hiện tại, Ngọc Anh sẽ trích 50% để trả nợ, 40% để mua đồ cho gia đình, còn lại là dành cho bản thân.
Đến thời điểm hiện tại, tiền thưởng Tết đã có và phân bổ xong xuôi, trong khi các công tác chuẩn bị cho Tết của Ngọc Anh cũng ổn. “Giờ mình cứ lo làm việc tiếp và tận hưởng Tết sau đó thôi", Ngọc Anh nói.
Nghịch cảnh thưởng Tết của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc: LG thưởng 665% lương, doanh nghiệp khủng nhất bất ngờ "thưởng 0 đồng"
Quyết định thưởng cuối năm của nhiều tập đoàn hàng đầu xứ kim chi khiến các nhân viên "vui buồn lẫn lộn".