Lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Chính phủ sẽ lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng với tinh thần công minh và ủng hộ tự chủ.

Về vấn đề của Trường đại học Tôn Đức Thắng, phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV hôm nay (9/11), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định.  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Trường đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển.

Trước đó, theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, câu chuyện trường ĐH Tôn Đức Thắng , cần phải rất bình tĩnh để nhìn nhận. Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT lập một đoàn công tác do một Thứ trưởng trực tiếp vào làm việc để làm rõ sự tình. Nhưng xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, theo luật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ngay sau đó, ngày 2/11, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đến làm việc với trường ĐH Tôn Đức Thắng về kiện toàn nhân sự lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của trường này. Chuyến công tác nhằm rà soát, xem xét, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục ĐH về thành lập hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của trường. Trên cơ sở đó sẽ có kết luận và hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Liên quan đến việc ông Lê Vinh Danh bị cách chức Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, đầu tháng 8/2020, ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức Bí thư Đảng ủy trường. Đến ngày 18/9, ông bị Ban Thường vụ Đảng ủy khối ĐH, CĐ TP.HCM cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Đến ngày 23/10, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác cán bộ tại trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo đó, ông Lê Vinh Danh bị cách chức Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng do nhiều vi phạm như bổ nhiệm cán bộ sai quy định; mua sắm thiết bị không đúng quy định; thiếu gương mẫu về kê khai tài sản, thu nhập…

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiền và Dương Minh Ánh về tự chủ đại học, theo nguồn tin trên báo Chính Phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng chỉ được một số bước, vừa rồi có kết quả tốt. 

Phó Thủ tướng cho biết, đối với tự chủ đại học có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành. 

Một là, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức, mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của tri thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mặt bằng chung nên đại học cần xây dựng mô hình tiên tiến để lan tỏa tính sáng tạo, khoa học ra toàn xã hội.

Hai là, đã tự chủ phải luôn gắn với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.

Ba là, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở các quốc gia, Nhà nước vẫn phải đầu tư để đặt hàng và xây dựng cơ sở vật chất.

Bốn là, tự chủ đại học không có nghĩa là không quản lý.

Năm là, tất cả quốc gia, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo cơ chế cho một số đối tượng như con người nghèo không bị giới hạn cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

Sáu là, khái niệm chủ sở hữu của đại học có thay đổi. Vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, máy móc mà còn là trí tuệ. Đóng góp này là của toàn xã hội.

Về câu hỏi có nên bỏ chủ quản không, Phó thủ tướng cho biết thực ra luật pháp nước ta giờ không còn chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu.

Theo Phó thủ tướng, có hai việc quan trọng là tất cả trường đại học phải thành lập hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền. Cùng với đó, các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, quản lý nội bộ và công khai cho toàn dân biết để giám sát.

“Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó Thủ tướng nói

(Tổng hợp)

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương