Trung Quốc đã và đang là trụ cột cho sự thống trị của Apple trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh, trong suốt hai thập kỷ qua. Apple bắt đầu với iPod vào năm 2001, khi mà các nhà sản xuất theo hợp đồng của Trung Quốc sản xuất hơn 90% sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Ngoài ra, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc cũng thúc đẩy một thị trường trung lưu phát triển và nó đã trở thành thị trường tiêu thụ chính của iPhone và các thiết bị khác của Apple, hiện chiếm 1/5 doanh thu toàn cầu của gã khổng lồ này.
Nhưng căng thẳng thương mại và địa chính trị, cùng với chính sách "zero COVID" của Trung Quốc, đã tạo nên sự hợp tác mới giữa Apple và Ấn Độ, sự hợp tác mà tờ New York Times mô tả là "mô hình kinh doanh tốt nhất của cả hai ", nơi mà các sản phẩm được thiết kế ở Hoa Kỳ được sản xuất với chi phí thấp hơn ở Trung Quốc.
Các đối tác sản xuất chính của Apple gần đây đã thông báo rằng họ đang chuyển một số cơ sở sản xuất iPhone của mình sang Ấn Độ do các chương trình khuyến khích mà chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra. Động thái này sẽ nâng số điện thoại thông minh của iPhone được sản xuất tại quốc gia Nam Á này lên khoảng 5%, tăng so với mức 3% hiện tại.
Việc Pegatron Corp và Foxconn - đối tác sản xuất chính của Apple – chuyển một phần cơ sở sản xuất snag Ấn Độ - được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng đối với việc áp dụng chính sách "zero COVID-19", biểu tượng của Bắc Kinh, trong khi phần còn lại của thế giới đã mở cửa lại nền kinh tế.
Vụ phong tỏa Trịnh Châu đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất iPhone
Các đợt phong tỏa mới nhất đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nhà máy sản xuất iPhone chính ở Trịnh Châu của Foxconn. Nhà máy này sử dụng khoảng 200.000 người, đã áp dụng cái gọi là hoạt động khép kín, nơi nhân viên sống tại chỗ, biệt lập với cộng đồng trong suốt thời gian qua.
Foxconn, hãng sử dụng lao động tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã buộc phải đưa ra tiền thưởng để lôi kéo công nhân quay trở lại, những người đã trốn khỏi cơ sở để tránh bị đưa vào các khu cách ly nghiêm ngặt.
Apple cho biết nhà máy ở Trịnh Châu đang "hoạt động với công suất giảm đáng kể" và cảnh báo khách hàng về việc chờ đợi lâu hơn đối với mẫu điện thoại thông minh mới nhất của hãng là iPhone 14.
Quý cuối cùng của năm thường là một mùa bận rộn đối với các công ty như Foxconn khi họ tăng cường sản xuất trước đợt cao điểm nghỉ lễ cuối năm.
Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce tuần trước cho biết công suất của nhà máy ở Trịnh Châu hiện vào khoảng 70%, trong khi Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích tại TF International Securities, đã viết trên Twitter vào tuần trước rằn, hơn 10% công suất sản xuất iPhone toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt.
Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ chính sách của Trung Quốc?
Trong một bài đăng vào tuần này, ông Ming-Chi Kuo dự đoán mức tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm trước của iPhone do Foxconn sản xuất tại Ấn Độ vào năm tới, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu trung/dài hạn hiện là "xuất xưởng 40-45% iPhone từ Ấn Độ".
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết việc chuyển sản xuất của Apple sang Ấn Độ - và ở mức độ thấp hơn là Việt Nam – là khó thực hiện. Nguyên do, theo vị chuyên gia này là do Trung Quốc được hỗ trợ bởi cơ sở hậu cần mạnh hơn ở các nước này.
"Các chuỗi cung ứng này không chỉ được xây dựng dựa trên các nhà sản xuất mà còn cả các nhà cung cấp linh kiện. Thật không dễ dàng để xây dựng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ nếu bạn không có các nhà sản xuất linh kiện gần đó. Foxconn sẽ vẫn cần vận chuyển các linh kiện đến Ấn Độ, vì vậy nó có thể không có giá trị xét về quy mô", ông nói thêm.
Lam cho biết Ấn Độ cũng sẽ mất thời gian để xây dựng chuyên môn tương tự trong việc sản xuất các mẫu điện thoại tiên tiến như iPhone. Foxconn có một lực lượng lao động được đào tạo ở Trung Quốc với hàng triệu người thay vì hàng chục nghìn người ở Ấn Độ và công ty này đã đầu tư rất lớn vào việc nâng cấp các cơ sở ở Trung Quốc.
Chính trị là vấn đề chính ảnh hưởng đến Apple?
COVID-19 không phải là mối đe dọa duy nhất đối với sự hợp tác lâu năm giữa Apple với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang kéo dài cùng với lời đe dọa chiếm lại đảo Đài Loan của Bắc Kinh - mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình - đang buộc gã khổng lồ công nghệ phải suy nghĩ lại về các ưu tiên sản xuất của mình.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã chặn một cách hiệu quả thỏa thuận giữa Apple và Công ty YMTC của Trung Quốc trong việc để nhà sản xuất này để cung cấp chip nhớ cho iPhone 14.
Matthew Turpin, một chuyên gia về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nói với New York Times rằng: "Apple đang phát hiện ra rằng địa chính trị thúc đẩy các mô hình kinh doanh - chứ không phải ngược lại. Toàn bộ tập hợp rủi ro chuỗi cung ứng này đang tạo ra thách thức thực sự cho các công ty".
Tăng trưởng doanh số của Apple tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lớn của nền kinh tế thứ hai thế giới. Hãng tin Bloomberg đưa tin tuần trước, doanh số của 4 mẫu iPhone 14 mới đã giảm gần 1/3 trong 38 ngày đầu tiên có mặt trên thị trường, so sánh dữ liệu tương tự với iPhone 13.
Apple khó tách khỏi Trung Quốc trong ngắn hạn?
Giống như hầu hết các công ty đa quốc gia, Apple đang chờ đợi động thái tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Tập, người đã có nhiệm kỳ thứ ba, đã tìm cách kiềm chế sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua chính sách thịnh vượng chung, nhằm phân phối lại nhiều của cải hơn cho người nghèo.
Ông đã siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, một lĩnh vực đang bùng nổ của Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản, điều đã khiến giá căn hộ giảm mạnh 20-30%.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, nhà phân tích Wamsi Mohan của Bank of America cho rằng Apple không mong muốn một "sự tách rời nhanh chóng" khỏi Trung Quốc.
"Do Apple vẫn là một nhà tuyển dụng lớn ở Trung Quốc và có mối quan hệ chặt chẽ giữa các cấp thành phố, tỉnh và chính quyền trung ương, chúng tôi cho rằng Apple sẽ tiếp tục điều hướng dòng chảy Hoa Kỳ-Trung Quốc như họ đã làm rất tốt trong vài năm qua", ông nói với DW.
(Theo DW)