Lộ lý do doanh nghiệp Việt chưa lên sàn ngoại

Trong thực tế, ý tưởng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế đã từng được một số doanh nghiệp lớn tuyên bố cách đây nhiều năm, trước cả thập kỷ với Vinfast hay bambo...

Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng có 3 lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế.

“Đầu tiên là vấn đề lợi ích niêm yết. Với những doanh nghiệp tốt như Vinamilk, Hòa Phát, việc niêm yết ở nước ngoài trong giai đoạn trước không đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ so với niêm yết trong nước nhưng lại làm chi phí và gánh nặng công bố thông tin, tuân thủ chuẩn mực nhiều hơn”, chuyên gia tài chính này nhận định. Tiến sĩ Tuấn đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ điều kiện để IPO ở nước ngoài. Đó là các yếu tố về yêu cầu lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền, chất lượng tài sản. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán quốc tế còn yêu cầu về số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng Việt Nam lại có nhiều công ty có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Theo ông Tuấn, không phải lúc nào việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán quốc tế cũng có thể giúp doanh nghiệp huy động được số vốn lớn hơn so với trong nước. Ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài cũng không dễ để lọt vào nhóm chính. Khi đó, dòng tiền thu hút được ở thị trường ngoại chỉ ở mức thấp. Cuối cùng là vấn đề thị trường. Theo ông Tuấn, giai đoạn trước đây, dòng tiền chảy vào những kênh huy động vốn trên sàn quốc tế như SPAC hay các phương án niêm yết dễ hơn không mạnh. Do đó, doanh nghiệp niêm yết không "được giá".

Sự bùng nổ của những kênh huy động vốn thông qua SPAC từ năm 2020 đến nay một phần do nhu cầu tìm kiếm cơ hội của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp. Do đó, thị trường chứng khoán đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp có thể niêm yết và huy động được nhiều vốn hơn trước đây.

Nhiều doanh nghiệp Việt gồm Hoàng Anh Gia Lai, Petrolimex, PVFC, Vietjet, SSI cũng từng đánh tiếng về việc muốn đưa cổ phiếu lên các sàn chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong, London nhưng đến nay chưa có cái tên nào chính thức triển khai kế hoạch.

Cavico thành lập năm 2000, ban đầu kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy điện, đầu tư xây dựng. Năm 2006, cổ phiếu Cavico bắt đầu giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) tại Mỹ. Đến tháng 9/2009, cổ phiếu Cavico chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ với mã CAVO. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, Cavico phải rời sàn Nasdaq vòa tháng 7/2011 do vi phạm những yêu cầu về công bố thông tin.

Vinamilk vào năm 2008 từng nhận được chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore về việc phát hành và niêm yết một phần vốn trên sàn này. Tuy nhiên, đến năm 2011, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore của Vinamilk chính thức bị hủy bỏ, thay bằng việc phát hành trong nước.

Sau khi Cavico rời sàn Nasdaq, chưa có thêm doanh nghiệp Việt Nam nào xuất hiện trên các thị trường chứng khoán quốc tế dù nhiều ông lớn đã công bố kế hoạch cho đến mới đây rầm rộ việc lên sàn của hãng xe và hàng không việt nam.

Kiên Cương