Loạt ngân hàng gửi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Thời gian gần đây, những trường hợp mạo danh ngân hàng để lừa đảo có dấu hiệu gia tăng, khiến hàng loạt nhà băng gửi cảnh báo tới khách hàng về những thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu.

Gần đây, xuất hiện đối tượng mạo danh SCB gửi tin nhắn SMS lừa đảo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền,... và yêu cầu khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn để hủy/thanh toán dịch vụ.

Các nội dung này được gửi đến nhiều khách hàng, bất kể khách hàng có sử dụng hay không sử dụng dịch vụ của SCB.

Loạt ngân hàng gửi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đây là hình thức lừa đảo qua tin nhắn mạo danh Brandname đã được SCB và các cơ quan chức năng, nhà mạng cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua. Do đó, khách hàng cần chủ động bảo vệ thông tin tài khoản của mình.

Nhiều đường link lừa đảo được cung cấp trong tin nhắn giả mạo như: scb.vn-eg.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-zt.top, scb.vn-tr.top…

Các đường link lừa đảo chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đường link dẫn đến website mạo danh có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng theo brandname bị mạo danh. Khi khách hàng nhập username/password/OTP, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt tài khoản và đánh cắp tiền.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ, SCB khuyến cáo khách hàng: Tuyệt đối không bấm vào đường link được cung cấp trong tin nhắn/email; Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, số thẻ cho bất kỳ ai; Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn/email yêu cầu cung cấp thông tin; Nhanh chóng nhập sai mật khẩu đăng nhập SCB S-Connect 5 lần để khóa ứng dụng khi nghi ngờ bị kẻ gian lấy cắp thông tin; Khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng SCB S-Connect, khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ; Chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của SCB; Thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ SCB và phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, SCB khuyến nghị khách trình báo tới Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc theo hướng dẫn tại Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Loạt ngân hàng gửi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) cũng cảnh báo việc mạo danh ngân hàng này dưới tên LIENVIETCREDIT.

Theo đó, ngân hàng này đã ghi nhận một số trường hợp mạo danh dưới tên LIENVIETCREDIT gửi tin nhắn qua điện thoại, email, tờ rơi thông báo giải ngân khoản vay hoặc thông báo khách hàng có khoản vay quá hạn cần phải chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Nếu khách hàng không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng trên sẽ gặp một số rắc rối về pháp lý.

LienVietPostbank khẳng định không thực hiện gửi các thông tin trên tới khách hàng. Vì vậy, để phòng ngừa rủi ro, người dùng không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng trên.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đưa thông báo đến khách hàng hiện nay có tình trạng lừa đảo bằng cách sử dụng thiết bị phát sóng để chèn tin nhắn giả thương hiệu ACB. Từ đó yêu cầu nhập các thông tin vào một đường link giả mạo có giao diện giống với Ngân hàng ACB online để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngân hàng ACB khuyến cáo người dân không bấm vào các đường link trang web giả mạo, không nhập thông tin cá nhân vào các trang web, vì ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh tin nhắn, điện thoại, email, website.

Mới đây Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng gửi tới khách hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới nhất.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng SIM rác điện thoại, nhắn tin giới thiệu là nhân viên Sacombank để chào mời dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển đổi trả góp giao dịch với lãi suất thấp.

Khách hàng sẽ thực hiện giao dịch trực tuyến bằng thẻ với thông tin khách hàng vừa cung cấp, kẻ gian tiếp tục yêu cầu cung cấp thông tin thẻ như hình ảnh 2 mặt thẻ, số thẻ, mã CCV, mã OTP… Tiếp đến, kẻ gian sẽ chuyển tiền cho khách hàng với số tiền không đúng thỏa thuận hoặc không chuyển tiền lại để chiếm đoạt.

Vì vậy, Sacombank khuyến cáo khách hàng cần tuyệt đối cảnh giác trước những thông tin yêu cầu cung cấp mã xác thực OTP/số thẻ/số CVV… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và các thông tin cá nhân khác để tránh bị mất tiền oan.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, không mới nhưng được thay đổi theo hướng tinh vi hơn, với nội dung mạo danh đánh vào tâm lý sợ hãi, cả tin của khách hàng. Cụ thể, tin nhắn mạo danh thương hiệu Techcombank được gửi đến khách hàng là: "Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu phí dịch vụ hàng tháng là 2.000.000VND sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào https://techcombank.vn-rl.xyz".

Theo Techcombank, đây là tin nhắn giả mạo và kẻ gian sẽ chiếm dụng tài khoản, nếu khách hàng cả tin truy cập vào đường link lừa đảo và nhập mã OTP, mật khẩu. Ngân hàng đã lập tức phối hợp cùng đơn vị thẩm quyền để có phương án xử lý và hiện tại các đường link giả mạo trong tin nhắn có nội dung nêu trên đều đã không còn truy cập được.

Ngoài ra, tại Ngân hàng TMCP Việt Á, mới đây nhất, kẻ gian đã gửi email sao kê giả mạo với nội dung thông báo khách hàng đang có dư nợ thẻ tín dụng cần thanh toán. Sau đó kẻ gian sẽ gọi điện cho khách hàng và xưng là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn và thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ.

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Á cho hay, qua điều tra và phản ánh của khách hàng, cơ quan chức năng phát hiện có một nhóm đối tượng giả mạo email hiển thị "Dich vu Khach hang Ngan hang" sử dụng biểu mẫu và logo thương hiệu của ngân hàng gửi thông báo sao kê thẻ tín dụng - MC PLATINUM PRIORITY CREDIT với dư nợ của khách hàng là 15.xxx.xxx VNĐ (hoặc một số tiền bất kỳ). Khách hàng tuyệt đối không được thực hiện theo các hướng dẫn trong email như click vào đường link hoặc nhập mã OTP để tránh mất tiền.

Liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, vừa qua Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an đã phát hiện một số nhóm tội phạm người nước ngoài tấn công, xâm nhập vào hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam nhằm mục đích đánh cắp, chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang mở rộng điều tra các nhóm đối tượng liên quan.

Theo Bộ Công an, thủ đoạn của các nhóm tội phạm công nghệ cao này là rà quét lỗ hổng bảo mật, tấn công leo thang đặc quyền, truy cập trái phép vào hệ thống quản trị của máy chủ tại các ngân hàng để rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Bộ Công an yêu cầu các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc khắc phục các lỗ hổng bảo mật hệ thống quản trị tại các máy chủ ở ngân hàng, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc.

(Tổng hợp)

AN LY