Mô hình 'take away' lên ngôi vì dịch COVID-19 lan rộng

Việc tạm dừng kinh doanh, giới hạn số lượng người tại quán ăn, nhà hàng… đã khiến nhiều nơi đóng cửa hoặc chuyển đổi sang hình thức bán cho khách mang đi.

Như quán phở Cường trên đường Nguyễn Hậu, quận Tân Phú, một quán phở nổi tiếng tại khu vực này, ngày thường luôn trong tình trạng kín người đến ăn, có những người phải đứng đợi để có chỗ ngồi.

Nhưng từ khi UBND TP.HCM ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống COVID-19, quán vẫn hạt động để phục vụ thức ăn sáng cho người dân nhưng chỉ phục vụ số ít và tuân thủ đúng khoảng cách quy định, còn lại chủ quán nhờ những vị khách của mình mua mang về nhà ăn.

Những vị khách đến ăn sáng đều được chủ quán tươi cười luôn miệng hỏi “Anh/chị có thể mua về nhà ăn được không ạ?”

Dịch vụ giao đồ ăn lên ngôi. 
Dịch vụ giao đồ ăn lên ngôi. 

Chị Quân (34 tuổi, quận Tân Phú) khách hàng thân thiết hơn chục năm của quán phở chia sẻ: “Đa phần khách ở đây đều là mối nên khi chủ quán đề nghị mua về nhà ăn, mọi người đều vui vẻ vì ai cũng biết và thông cảm cho tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc ăn uống tại nhà cũng đảm bảo sức khỏe cho mọi người”.

Với việc tình trạng khẩn cấp được ban bố, số lượng người được cho phép ở các địa điểm công cộng bị giới hạn, người dân được yêu cầu hạn chế tham gia các hoạt động… dẫn đến tình trạng các nhà hàng hiện tại đang phải vật lộn để đối phó với lượng khách hàng giảm đáng kể. Thay vì giữ chân các khách hàng đang ở tình trạng hoang mang, một số chủ nhà hàng và và công ty quản lý đã quyết định chuyển sang các mô hình mua đem đi và giao hàng tận nơi.

Như một hội quán tại quận 3, TP.HCM, nơi thường tập trung khá nhiều nhân viên văn phòng đến ăn trưa đã chuyển đổi sang hình thức bán cơm online. Mỗi ngày hội quán sẽ đăng thực đơn lên trang fanpage và sẽ chốt số lượng đặt cơm trước 1 ngày và chỉ nhận nấu số lượng trên 30 phần/ một đơn vị. Đây là hình thức hội quán có thể duy trì được hoạt động trong lúc này.

Tương tự, quán Q Studio và Café (quận 3, TP.HCM) cũng khuyến cáo khách hàng của mình mua về và tăng cường ship đồ ăn tận tay cho khách. Cửa hàng sẽ phục vụ 2 món chính là bò Mỹ và gà ủ muối nên khách hàng đặt trước 10 giờ. Còn những món ăn tự chọn khác thì phải đặt hàng trước 1 ngày.

Các quán ăn phải đảm bảo lượng người và khoảng cách cho khách - Ảnh: Cẩm Viên
Các quán ăn phải đảm bảo lượng người và khoảng cách cho khách - Ảnh: Cẩm Viên

Theo chị Thanh nữ, chủ quán bò beefsteak trên đường Độc Lập, quận Tân Phú, TP.HCM, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán khi lượng khách sụt giảm hơn 90%. Giờ ngoài việc phục vụ một lượng nhỏ khách thì quán chủ yếu bán hàng mang đi.

Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng lan rộng, thói quen ăn uống tiêu dùng của người dân đã thay đổi khá nhiều. Các đơn vi kinh doanh vì thế cũng phải thay đổi dịch vụ nhằm đáp úng nhu cầu của người tiêu dùng nhằm tồn tại qua mua đại dịch.

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà cả thế giới đang phải vật lộn với dịch COVID-19. Các chuỗi nhà hàng và các cửa hàng dịch vụ thực phẩm ở Mỹ đang vật lộn để điều chỉnh trước thói quen ăn uống thay đổi nhanh chóng của người Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo Datassential, sự cạnh tranh của các nhà cung cấp trong thời gian này không phải là nhà hàng mà là nhà riêng của người tiêu dùng.

Không chỉ là những nhà hàng bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch COVID-19. Người Mỹ cũng lo ngại về việc nhiễm virus từ nhiều cơ sở thực phẩm khác nhau. Một cuộc khảo sát cho thấy, những lo ngại lây nhiễm từ các địa điểm như tàu du lịch (71%), đấu trường/ sân vận động (59%), nhà hàng buffet (49%), quán bar/clubs/ phòng chờ (48%), quán ăn tự phục vụ (46%), khu ẩm thực/phòng ăn (45%), nhà hàng/khách sạn (39%), nhà hàng dịch vụ hạn chế (34%), cửa hàng tiện lợi (32%), cửa hàng tạp hóa (29%), cửa hàng ăn uống thuông thường (27%), và các cơ sở ăn uống cao cấp (21%).

Người Mỹ đã ở nhà nhiều hơn và ăn ở ngoài ít hơn. Một nghiên cứu được công bố trước đó trong tháng 3/2020 bởi Công ty nghiên cứu dịch vụ thực phẩm Technomic cho thấy, 52% người tiêu dùng cho biết họ tránh xa đám đông và 32% cho biết sẽ hạn chế đi ăn ở nhà hàng hơn.

Theo dự báo của Technomic, các nhà hàng phục vụ đầy đủ có khả năng mất doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, toàn bộ ngành dịch vụ thực phẩm Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương