Món ngon mỗi ngày: Cách nấu bún măng vịt ngon như ngoài tiệm

Bún măng vịt là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Với hương vị ngọt mềm béo ngậy từ thịt vịt, sợi bún mềm dai, nước dùng ngọt lịm kết hợp với miếng măng giòn sần sật chắc chắn bạn ăn hoài không chán.

Bún măng vịt là món ăn độc đáo, quen thuộc của ẩm thực Việt Nam. Với hương vị giòn ngọt, thanh mát của măng tươi hòa quyệt cùng thịt vịt dai mềm, khi chấm kèm nước mắm gừng đậm đà, bún măng vịt dễ dàng làm xiêu lòng bất kỳ thực khách nào.

Cách nấu bún măng vịt khá đơn giản, hãy cùng Disney Cooking vào bếp với bài viết hướng dẫn dưới đây nhé!

bun-mang-vit.jpg
Món bún vịt nấu măng tươi thơm ngon, hấp dẫn.

Bún măng vịt ăn với rau gì ngon?

  • Món bún măng vịt sẽ thơm ngon và hấp dẫn hơn khi ăn kèm với rau sống gồm: xà lách, rau thơm, rau quế, giá đỗ, rau muống bào và bắp chuối. Rau sống khi mua về cần bỏ lá già úa, ngâm nước muối và rửa thật kỹ để loại bỏ hóa chất, thuốc trừ sâu.
  • Hành lá và ngò rí là những loại rau gia vị quen thuộc của người Việt. Khi ăn kèm với bún măng vịt sẽ giúp giảm bớt mùi tanh, tăng hương vị, đồng thời giúp tô bún trông “ngon mắt” hơn. Ngò rí chứa nhiều canxi, sắt, các vitamin B1, B2, B6, B12, C, E và các chất khoáng như kiềm, selen, magie, đồng… kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt và chữa nôn.
  • Hành lá rất giàu chất xơ, vitamin A, vitamin B2, đồng, kali và flavonoid… Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh, thường xuyên dùng hành lá sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như: tăng cường hệ miễn dịch, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa cảm lạnh, ung thư…
bun-mang-vit-ngon-o-sai-gon.jpg
Ăn kèm rau xanh giúp món bún măng vịt thêm ngon miệng.

Bà bầu ăn bún măng vịt được không?

  • Măng tươi có chứa nhiều độc tố, đặc biệt là Glucozit sinh Acid Xyanhydric. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng acid xyanhydric (HCN). Chính acid này gây ngộ độc, nôn mửa, giống như khi bị ngộ độc sắn. Vì vậy, nhiều người khuyên bà bầu không nên ăn măng.
  • Tuy nhiên, vấn đề trên chỉ xảy ra nếu bạn ăn với mức độ quá nhiều và thường xuyên. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn măng, hoặc chỉ nên ăn ở mức độ ít, khoảng 200 – 300g/tháng. Vì vậy, bà bầu vẫn có thể ăn bun mang vit, nhưng hạn chế đừng ăn quá nhiều nhé!
  • Chị em nên tự mua măng tươi về chế biến, để đảm bảo an toàn vệ sinh. Cách chế biến măng tươi giảm độc tố là cho măng vào nồi luộc sôi kỹ 2 – 3 lần. Trong khi sôi, bạn nhớ mở vung nắp để độc tố bay ra. Sau đó mới chế biến món ăn. Cách làm này sẽ giúp bà bầu ăn an toàn hơn.

1. Cách nấu bún măng vịt ngon khó cưỡng

Nguyên liệu

  • 1 con vịt khoảng 1 – 1,2kg
  • 500g măng tươi
  • 500g tiết vịt
  • 1 trái chanh tươi
  • Ớt sừng
  • 1kg bún tươi
  • Hành lá, rau mùi
  • Hành tím, tỏi tím, gừng
  • Rượu trắng
  • Rau sống ăn kèm bún: rau muống bào, bắp chuối cắt lát, rau thơm, giá đỗ, rau quế
  • Gia vị: bột ngọt, muối, hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn, bột ớt

Sơ chế nguyên liệu

  • Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, 1/2 đập dập, 1/2 cắt sợi.
  • Chanh tươi cắt đôi, vắt lấy nước cốt.
  • Nấu một nồi nước sôi nhỏ, cho tiết vịt vào luộc chín rồi vớt ra để nguội, cắt miếng vuông vừa ăn.
  • Măng tươi rửa sạch, cắt thành những sợi dài khoảng 5 – 7cm. Bắc một nồi nước có ít muối lên bếp và nấu sôi. Cho măng vào luộc khoảng 30 phút để măng ngon hơn và không bị đắng. Sau đó vớt ra, xả lại với nước lạnh nhiều lần và để ráo.
cach-nau-bun-mang-vit.jpg
Măng tươi ngon và thanh mát.
  • Tỏi, hành tím lột vỏ, 1 phần băm nhỏ, 1 phần để nguyên.
  • Các loại rau sống ăn kèm nhặt gốc, rửa sạch với nước muối loãng, để ráo.
  • Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, phần đầu trắng cắt khúc dài 5cm, phần lá cắt nhỏ.
  • Rau mùi rửa sạch và cắt nhỏ.

Sơ chế vịt

Thịt vịt sau khi mua về rửa sạch với hỗn hợp rượu + muối + nước cốt 1 trái chanh. Sau đó lấy 1 ít gừng tươi đập dập chà xát lên toàn bộ thân vịt khoảng vài phút cho bớt mùi tanh, rửa sạch lại và để ráo.

Luộc vịt

Luộc ngập vịt trong nước với 1 muỗng muối, gừng cắt sợi, hành tím nguyên củ và ½ phần đầu hành trắng. Luộc với lửa nhỏ để vịt chín từ từ, đồng thời mở vung nồi và vớt bọt thường xuyên.

cach-nau-bun-mang-vit-tuoi.jpg
Luộc vịt thật kỹ cho chín đều.

Luộc khoảng 20 – 30 phút, dùng đầu đũa xiên vào đùi vịt, nếu nước chảy ra không có màu đỏ là vịt đã chín. Vớt vịt ra ngâm vào âu nước đá lạnh khoảng 5 phút. Làm như vậy vịt sẽ không bị khô và thâm đen, da vịt có màu sáng và ngon ngọt hơn rất nhiều.

Nếu thấy vịt ra nước màu đỏ là còn sống, bạn luộc thêm chút nữa cho chín rồi làm như hướng dẫn trên.

Chặt vịt thành những miếng nhỏ, dài vừa ăn, xếp ra đĩa.

nau-bun-mang-vit.jpg
Vịt chặt thành từng miếng vừa ăn.

Lưu ý, sau khi vớt vịt ra vẫn giữ lửa liu riu để giữ nóng nồi nước dùng.

Xào măng

Bắc một cái chảo lớn lên bếp với 3 muỗng dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho hành tím, tỏi băm vào phi thơm, thêm một muỗng ớt bột rồi cho măng vào xào. Nêm thêm hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, đường cho vừa với khẩu vị. Măng đã luộc chín nên bạn chỉ cần xào sơ khoảng vài phút cho măng thấm dầu và gia vị là được.

cach-nau-bun-mang-vit-kho.jpg
Măng xào cho thấm đều gia vị.

Nấu nước dùng

Trút hết phần măng vừa xào vào nồi nước dùng (nước dùng luộc vịt ở bước 3), đảo nhẹ, cho thêm tiết vịt đã cắt miếng và ½ phần đầu hành còn lại vào. Nấu sôi hỗn hợp nước dùng, nêm nếm lại một lần nữa là xong.

cach-nau-bun-mang-vit-mien-trung.jpg
Nước dùng đậm đà hấp dẫn.

Cách làm nước mắm gừng

Phần gừng đập dập còn lại đem vắt bỏ nước. Cho xác gừng, ớt, tỏi bóc sạch vỏ và 1 muỗng đường vào cối giã thật nhuyễn, sau đó đổ ra chén. Thêm 4 muỗng nước mắm ngon cùng 1 muỗng nước cốt chanh vào, khuấy đều là đã có ngay chén mắm gừng đậm đà để chấm thịt vịt.

Lưu ý, lượng gia vị pha nước mắm bạn có thể thay đổi cho phù hợp với khẩu vị.

cach-lma-nuoc-mam-gung-an-bun-mang-vit.jpg
Nước mắm gừng đậm đà cho món ăn thêm tròn vị.

Hoàn thành và thưởng thức

Xếp các loại rau sống ra đĩa, đặt cạnh chén nước mắm gừng.

Cho bún ra tô, xếp thịt vịt lên trên và chan nước dùng, rắc thêm chút hành lá, rau mùi cắt nhỏ và hạt tiêu là có thể thưởng thức.

Mẹo và lưu ý

  • Để món bún vịt nấu măng thêm hấp dẫn và hoàn hảo, bạn cần biết lựa chọn nguyên liệu tươi ngon.
  • Vịt: Chọn vịt có phần thịt săn chắc, tránh những con có phần đùi và lườn căng bóng, thớ thịt dày vì thịt sẽ nhạt, không ngon.
  • Măng: Chọn măng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, có vỏ mỏng, nhiều nước, có mùi thơm đặc trưng, không nên chọn những loại măng quá trắng, màu măng vàng nâu, có mùi bất thường.
  • Không nên đậy nắp khi luộc măng để độc tố theo hơi nước bay ra ngoài.
  • Lưu ý vớt hết bọt, váng mỡ vịt trong quá trình luộc để nước dùng được trong và thanh vị.

Mẹo khử mùi vịt

  • Dùng muối, rượu trắng và gừng đập dập chà xát thật đều lên mình vịt trong vài phút, sau đó rửa sạch.
  • Dùng muối chà xát đều lên mình vịt, sau đó dùng một quả chanh bổ đôi xát đều lên vịt lần nữa và rửa sạch.

Tô bún măng vịt đạt chuẩn phải được trình bày đẹp mắt. Nước dùng trong, có vị thanh hấp dẫn, thơm mùi gừng và măng tươi giòn tự nhiên, thịt vịt dai ngọt, màu sắc bắt mắt, rau sống giòn tươi.

Bạn có thể thay thế măng tươi thành măng khô, cách nấu bún măng khô vịt cũng rất đơn giản và dễ làm.

Bún Măng Vịt ở đâu ngon tại TPHCM

Bún măng vịt Đào Duy Từ

  • Địa chỉ: 9/2 Đào Duy Từ, quận Phú Nhuận
  • Giá trung bình: 30.000 đồng – 50.000 đồng

Cháo Vịt Thanh Đa (Gốc Nhà Lá)

  • Địa chỉ: 118 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh
  • Giá trung bình: 25.000 đồng – 55.000 đồng

Cháo vịt Liên Nguyễn Thiện Thuật

  • Địa chỉ: 21/8A Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3
  • Giá trung bình: 30.000 đồng – 90.000 đồng

Cháo vịt Bé Ba

  • Địa chỉ: 175/4 Võ Văn Tần, quận 3
  • Giá trung bình: 70.000 đồng – 110.000 đồng

MAI UYÊN