Một em bé ở Trung Quốc bị xét nghiệm tới 70 lần vì chiến lược 'zero COVID-19'

Gần hai năm bùng phát đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi "zero COVID-19", biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.

Một trong những biện pháp khắc nghiệt nhất của Trung Quốc với chính sách "nhổ tận gốc COVID-19" bao gồm đóng cửa biên giới, xét nghiệm hàng loạt để truy vết ca nhiễm và phong tỏa ngay khi chỉ phát hiện một ca dương tính với COVID-19, theo Straitstimes.

Cái giá và nỗi đau của chiến lược này đã được đặc biệt cảm nhận bởi 210.000 cư dân thành phố Thuỵ Lệ, tỉnh Vân Nam, nằm gần biên giới với Myanmar, đã phải chịu 3 đợt phong toả diện rộng và thường xuyên xét nghiệm hàng loạt, khiến nhiều doanh nghiệp trên bờ vực sụp đổ.

Một thương gia họ Lin nói rằng việc kinh doanh đồ trang sức của ông đang rất khó khăn vì các biện pháp phòng chống COVID-19.

md_cnvirus_171121.jpg
Các ca nhiễm COVID-19 đã được phát hiện ở hơn 40 thành phố trong những tuần gần đây. Ảnh: AFP

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình được chia sẻ rộng rãi vào tháng này, giáo sư Guan Yi của Đại học Hồng Kông đã đặt câu hỏi về chiến lược của Trung Quốc, cho rằng không nên tiến hành thử nghiệm hàng loạt "mọi lúc mọi nơi" hoặc đưa ra các liều vaccine tăng cường mà không có đủ dữ liệu về hiệu quả của chúng.

Trong năm đầu tiên của đại dịch, Trung Quốc dường như đã rất thành công trong việc dập tắt các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng việc kiểm soát biến thể Delta khó khăn hơn.

Các ca mắc đã được ghi nhận ở hơn 40 thành phố trong những tuần gần đây đã khiến hàng triệu người bị cô lập và cuộc sống của nhiều người dân đã bị gián đoạn. Song con số này vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Đám cưới đã bị hủy bỏ và những người đưa tang được yêu cầu tổ chức lễ tang ngắn gọn, vì các trường học bị đóng cửa và các chuyến bay ngừng hoạt động, đôi khi khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt.

Áp lực trong nước ngày càng tăng

Các quan chức được cho là đã thất bại trong việc kiểm soát COVID-19 thường bị sa thải, khiến các quan chức địa phương phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngày càng quyết liệt.

Huang Yanzhong thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói với AFP rằng "Bắc Kinh đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng trong nước để xoay trục sang một cách tiếp cận linh hoạt hơn".

Câu chuyện tuyệt vọng của một người đàn ông đã làm nổi bật những rắc rối mà một số người phải đối mặt vì trục trặc công nghệ hoặc sự chậm trễ quan liêu.

Sau một chuyến đi làm việc qua đêm, người đàn ông không thể nhận được "mã xanh" trên một ứng dụng sức khỏe mà mọi người yêu cầu để đi du lịch và đã bị mắc kẹt.

Câu chuyện này đã gây ra một sự phản đối kịch liệt. Đồng nghiệp của người đàn ông viết trên mạng xã hội rằng anh ta đã được tiêm phòng, chưa đi đến các khu vực có nguy cơ cao hoặc thậm chí trung bình và có kết quả xét nghiệm âm tính.

Sau khi vụ việc gây chú ý trên mạng, nhà chức trách thừa nhận có thể có sai sót trong một số trường hợp cá biệt.

1811-trung-quoc1.jpg
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân địa phương ở Thuỵ Lệ, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh khó có thể nới lỏng cách tiếp cận của mình cho đến ít nhất là sau đại hội Đảng  vào cuối năm 2022, và nếu có sẵn các loại vaccine hiệu quả hơn vào thời điểm đó.

Trung Quốc đã chấp thuận có điều kiện cho năm loại vaccine nội địa, nhưng tỷ lệ hiệu quả được công bố của chúng thấp hơn so với các loại vaccine được phát triển ở những nơi khác.

Một số nhân vật chính phủ đã âm thầm bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của chúng đối với biến thể Delta.

"Khốn khổ"

Trong khi đó ở thành phố Thụy Lệ, sự thất vọng của người dân được thể hiện rõ ràng trong một bài đăng trên WeChat của cựu phó thị trưởng Dai Rongli cho rằng các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt đang “bóp nghẹt những dấu hiệu cuối cùng của sự sống” ở thành phố. Ông đã kêu gọi cứu lấy thành phố này: “Mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Mỗi lần chiến đấu với COVID-19 là một lần tích tụ những bất bình”. 

Những dòng chia sẻ này của cựu quan chức đã nhận được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng lớn của người dùng WeChat, mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc.

Một người dân địa phương bình luận: “Chỉ những người trong cuộc mới biết mọi người khốn khổ như thế nào”.

Truyền thông địa phương cho biết một em bé đang ở tuổi tập đi ở Thụy Lệ đã phải xét nghiệm hơn 70 lần để kiểm tra COVID-19. Trong khi đó, một xe ôm công nghệ cho biết anh đã phải xét nghiệm 90 lần trong 7 tháng qua.

Không có thu nhập, Anh Lu, một người làm video, cho biết mình đang không có thu nhập và đang dùng tiền tiết kiệm để trả tiền thuê văn phòng. “Tôi không thể cầm cự lâu hơn nữa”, Lu chia sẻ.

Để làm dịu phản ứng ngày càng dữ dội của người dân, chính quyền Thụy Lệ cho biết họ sẽ hỗ trợ những người bị thất nghiệp, không có khả năng trả tiền xét nghiệm, rời Thụy Lệ đi kiếm việc làm.

Tuy nhiên, biện pháp này không đủ để xoa dịu những khốn khổ bị dồn nén. Những thông điệp tuyệt vọng vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng. Nhiều cư dân ở Thụy Lệ đã phải rời bỏ thành phố.

Làn sóng COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã quét qua 21 tỉnh và khu vực, đây là đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán. Dữ liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố cho biết Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận 8 ca lây nhiễm mới trong nước hôm 16/11, lần đầu tiên số ca mắc mới giảm xuống mức một con số trong 1 tháng qua. Thành phố Thuỵ Lệ cũng đã dỡ bỏ một phần biện pháp chống dịch vào hôm 16/11.

Các nhà phân tích cho rằng phương pháp tiếp cận zero COVID-19 của Trung Quốc một lần nữa đã chứng minh hiệu quả trong việc đưa đất nước thoát khỏi đại dịch, tạo sự tương phản rõ rệt với phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh khó có thể nới lỏng cách tiếp cận của mình cho đến ít nhất là năm 2022, đặc biệt khi Thế vận hội Mùa đông đang đến gần.

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương