Mức độ quan tâm đến giao dịch mua bán đất nền giảm rõ rệt

Mặc dù luôn có nhu cầu đầu tư cao, dẫn đầu trong các kênh đầu tư được ưa chuộng, tuy nhiên, phân khúc đất nền thời gian qua luôn gặp khó trong việc giao dịch do việc hạn chế đi lại giữa các địa phương.

Thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư có nhu cầu bán đất nền nhưng khó chốt được giao dịch ngay khi khách không thể đi xem đất trực tiếp cũng như khảo sát thị trường khu vực. Đây là nguyên nhân chính khiến cho đất nền khó bán và có giao dịch giảm mạnh nhất mấy tháng qua.

Tuy vậy, trước diễn biến dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhiều sàn môi giới, môi giới BĐS vẫn đang cố găng tìm cách bán hàng qua kênh online, duy trì liên hệ với khách hàng và chạy thông tin bán hàng online trên nhiều trang để tìm kiếm khách tiềm năng cho thời gian tới. Vì thế, gần đây bắt đầu xuất hiện nhu cầu "săn" đất nền cắt lỗ, hạ giá mạnh. Thị trường vẫn không thiếu các nhà đầu tư "cá mập", có tiền và tiềm lực tài chính khá giả muốn tìm mua đất nền. Theo một môi giới tên Nam, một ngày anh vẫn trao đổi và tư vấn cho rất nhiều khách hỏi thăm dự án đất tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Lâm Đồng...

Những đơn vị nghiên cứu thị trường như DKRA chỉ ra tính thanh khoản của phân khúc đất nền giảm rõ rệt trong quý 2 và 3 năm 2021. Cụ thể theo DKRA, trong tháng 8 vừa qua, thị trường đất nền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh chỉ có 1 dự án mở bán mới nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt được 6 nền đất. Thị trường gần như đóng băng, giao dịch thứ cấp kém sôi động. Điều này theo các công ty nghiên cứu thị trường là do giãn cách xã hội kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao dịch mua bán nhà đất, thậm chí nhiều nhà đầu tư gặp áp lực tài chính đã giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay.

Trong khi đó, phân khúc biệt thự tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng trầm lắng khi hàng loạt dự án phải dời thời gian mở bán do diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4. Tháng 8, toàn thị trường không có dự án mới mở bán, thanh khoản bằng không. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thị trường biệt thự tại TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận có nguồn cung và nguồn cầu chạm đáy. Mảng biệt thự vốn dĩ luôn được quan tâm nhất ở khu vực vùng ven Tp.HCM những năm gần đây, giờ cũng gặp tình trạng giảm giá bán, cắt lỗ của một bộ phận khách hàng giảm thu nhập và chịu áp lực từ lãi vay. Đợt dịch lần này đã thay đổi thị trường theo hướng hạ nhiệt nhu cầu đất nền và nhà phố khiến thanh khoản lao dốc liên tục nhiều tháng nay.

Báo cáo quý II của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định. Thị trường bất động sản, bao gồm cả lượng giao dịch và giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng "sốt nóng" hay “đóng băng”. Riêng với phân khúc đất nền, hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Lượng giao dịch có xu hướng giảm so với quý trước. Chi tiết giá giao dịch đất nền tại một số địa phương cũng được thống kê chi tiết.

Tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh. Trước tình hình này, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã buộc phải rao bán bất động sản của mình đang nắm giữ, vì nguồn thu nhập giảm mạnh, không vay được ngân hàng để duy trì hợp đồng mua bán bất động sản.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)