"Nền kinh tế dựa vào phụ nữ" thời cựu Thủ tướng Abe

Tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động của Nhật Bản đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nhiệm kỳ của ông Shinzo Abe.

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng hứa đưa ra những chính sách nâng cao vị thế của phụ nữ. Ông cho rằng việc tăng cường sự tham gia của họ vào lực lượng lao động sẽ giúp hạn chế tác động của dân số giảm và già hóa. Mục tiêu của ông là có 30% phụ nữ ở các vị trí cấp cao trong các khu vực công và tư nhân vào năm 2020. 

Tuy nhiên, một số lời hứa ban đầu trong chương trình nghị sự “Womenomics” (tạm dịch: Nền kinh tế dựa vào phụ nữ) của ông không bao giờ trở thành hiện thực, theo The New York Times.

Nhiều phụ nữ Nhật Bản không thể nhận công việc toàn thời gian, ngay cả sau khi ông Abe thông qua đạo luật nhằm xoa dịu văn hóa làm việc tàn bạo của Nhật Bản.  

Khi ông Abe kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền, một trong những mục tiêu chưa đạt được của ông là thúc đẩy phụ nữ trong lực lượng lao động. Mới chỉ có 12% vị trí quản lý doanh nghiệp do phụ nữ đảm nhiệm, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu ông Abe đề ra. 

Trong khi tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động tăng trong thời kỳ ông làm thủ tướng lên mức cao nhất mọi thời đại là 52,2%, hơn một nửa trong số đó làm công việc bán thời gian hoặc theo hợp đồng ngắn hạn, mang lại ít lợi ích và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. 

Kế hoạch “Womenomics" của ông đi đúng hướng. Nhưng hơn 2 năm Covid-19 hoành hành đe dọa xóa bỏ tất cả, khi số phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động Nhật Bản cao gần gấp đôi so với nam giới. 

Theo Nippon, cuộc khảo sát với 1.065 phụ nữ ở các vị trí quản lý của công ty tuyển dụng Adecco Group Nhật Bản vào tháng 3, chỉ ra sự thiếu quan tâm đến thăng tiến nghề nghiệp. Chỉ có 11,9% thực sự yêu cầu được thăng chức, trong khi 48,6% quan tâm đến việc nắm giữ vị trí cao hơn.

Trong đó, lý do thêm căng thẳng (56,5%), hài lòng với vị trí hiện tại (41,5%), cảm thấy không thích hợp (40%). Có 47,9% người có tham vọng làm sếp muốn kiếm được nhiều tiền hơn, 36,5% hy vọng giúp phụ nữ nhận ra tiềm năng tại nơi làm việc, 31,9% muốn trở nên quyền lực hơn.

Nhóm khảo sát kết luận ở Nhật Bản, vai trò giới trong việc làm đã ăn sâu vào tư tưởng. Kết hôn và sinh con vẫn ảnh hưởng đáng kể.  

Kathy Matsui, nhà tiên phong về “Womenomics” của Nhật Bản, cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cần nỗ lực hơn nữa, để khai thác tiềm năng của phụ nữ, theo AFP.

Hậu dịch bệnh, tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ vừa trông trẻ hoặc người thân già cả, vừa làm việc bán thời gian, thường là trong các ngành dịch vụ.

“Các nhà quản lý nên trải qua đào tạo để dẹp bỏ định kiến giới. Sự đánh giá của họ cũng nên tập trung nhiều hơn vào đầu ra và hiệu suất, thay vì yếu tố thời gian. Thực tế, rất nhiều lần tôi bắt gặp phụ nữ không được thăng chức chỉ vì mới kết hôn và sếp không muốn 'mạo hiểm' cho họ nghỉ sinh”, Kathy Matsuinói.

Theo Matsui, điều cấp bách, khi dân số già nhanh chóng của Nhật Bản khiến lực lượng lao động thu hẹp lại, là cố gắng khai thác những tài năng sẵn có nhưng còn bị ngó lơ là phụ nữ.

Thanh Mai

'TP.HCM có thể trở thành một đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam'

"TP.HCM có thể trở thành một đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam"

Bộ trưởng GTVT đề nghị TPHCM phối hợp với Bộ Quốc phòng nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải.