“Nếu tôi có một tình yêu”: Đêm tưởng nhớ nghệ sỹ indie Tuấn gà tại nhà hát Tuổi Trẻ

Đêm nhạc là sự hiện diện của nhiều tài năng âm nhạc Việt như nhạc sỹ Huyền Trung, Vũ Đinh Trọng Thắng (Ngọt), Đinh Mạnh Ninh, Tuấn Dũng, Nhật Huyền…

Liveshow “Nếu tôi có một tình yêu” của nhạc sỹ Nguyễn Tuấn (Tuấn Gà) sẽ diễn ra vào 20h ngày 24/2/2023 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đêm nhạc là sự chung tay giúp đỡ của rất nhiều anh em bạn bè văn nghệ sỹ, bằng hữu yêu mến Nguyễn Tuấn từ khắp cả nước. Đặc biệt là sự hiện diện của nhiều tài năng âm nhạc Việt như nhạc sỹ Huyền Trung, Vũ Đinh Trọng Thắng (Ngọt), Đinh Mạnh Ninh, Tuấn Dũng, và nữ ca sỹ thính phòng Nhật Huyền…

“Nếu tôi có một tình yêu”: Đêm tưởng nhớ nghệ sỹ indie Tuấn gà tại nhà hát Tuổi Trẻ

Tuấn Gà: Câu chuyện truyền cảm hứng của một nghệ sỹ indie

Nếu như trước 1975, một thế hệ các nghệ sỹ du ca như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến… với cây guitar trên vai đã thổi một làn gió đầy phóng khoáng và ngẫu hứng vào dòng chảy âm nhạc Việt. Thì bước sang thập niên 80, 90, khi trào lưu của băng đĩa hải ngoại ồ ạt du nhập vào Việt Nam khiến nhu cầu thưởng thức âm nhạc dần đóng khung hơn trong những thiết bị như radio hay truyền hình. Các nghệ sỹ du ca dần bị chùn chân mỏi gối.

Bước sang những năm 90, đầu 2000, khi âm nhạc Việt Nam chưa biết đến khái niệm “Nghệ sỹ indie” (Đầy đủ là “Independent Music” - “Âm nhạc độc lập”. Nghệ sỹ Indie được hiểu là những nghệ sỹ tự làm từ A đến Z trong quy trình sáng tác và sản xuất một sản phẩm âm nhạc – PV), thì những giai điệu đậm chất “inide” đầu tiên của miền Bắc sau 1975 của Nguyễn Tuấn (Tuấn Gà) được ra đời và phát triển mạnh mẽ trong một bối cảnh như thế.

Những năm tháng thành phố Cảng mới mở cửa, cơn lốc của Pop và nhạc Âu Mỹ, nhạc Hoa dễ nghe, dễ thuộc thống trị cả xu hướng nghe nhạc miền Bắc. Tuấn tiếp thu nhanh những thể loại âm nhạc trẻ trung sôi động, và cả những bản bolero trữ tình mùi mẫn của Vũ Thành An, Anh Bằng hay Ngô Thụy Miên...

 Nhạc sỹ Huyền Trung đảm nhận vai trò Chỉ đạo âm nhạc cho đêm diễn tưởng nhớ nhạc sỹ Nguyễn Tuấn
 Nhạc sỹ Huyền Trung đảm nhận vai trò Chỉ đạo âm nhạc cho đêm diễn tưởng nhớ nhạc sỹ Nguyễn Tuấn

Nhưng như một mối duyên nợ, Tuấn không hài lòng với những giai điệu quen thuộc hàng ngày vẫn văng vẳng bên tai. Các ca khúc Tuấn viết ra không chỉ có tình yêu đôi lứa não tình hay những giai điệu và hợp âm thường thấy phù hợp với tai nghe số đông. Mà trong âm nhạc của Nguyễn Tuấn còn là rất nhiều những màu sắc của con người, xã hội, của những thân phận mà Tuấn quan sát được qua đôi mắt của chàng trai trẻ nhạy cảm và tinh tế, giàu năng lượng. Những giai điệu của Tuấn cũng trúc trắc, gai góc như sóng gió cát bụi của thành phố biển nhiều ồn ã.

Sinh năm 1977 tại Hải Phòng, Nguyễn Tuấn bắt đầu viết nhạc từ cuối những năm 90, không gượng ép. Khi những giai điệu đầu tiên vang lên một cách tự nhiên trong tiềm thức, khi đó còn chưa biết nốt nhạc, anh dùng cây guitar và chính trí nhớ của mình để ghi âm các ca khúc mình sáng tác lại trong đầu. Trong những năm tháng bôn ba từ Bắc vào Nam, cũng chỉ với những ngón đàn guitar "học mót" được từ người bạn mù trong trại tị nạn, Tuấn viết nhạc liên tục. Hàng chục, hàng trăm tác phẩm đã ra đời như vậy.

Đến những năm 2000, gia tài của Tuấn đã gom góp được đâu như gần cả... trăm bài. Với những mảng màu đa dạng và đối lập ở đủ mọi sắc thái và cung bậc. Tuấn tự sáng tác, hòa âm bằng cây đàn guitar. Anh cũng đi khắp nơi trình diễn những tác phẩm của mình bằng tiếng huýt sáo “độc nhất vô nhị” cùng tiếng hát mạnh mẽ nội lực, ai nghe Tuấn hát “live” cũng bị say, thậm chí “nghiện”.

Dù không học qua trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng khả năng tự học cùng tai nghe “thiên bẩm”, cộng thêm khả năng quan sát và cảm nhận độc đáo, Tuấn tạo ra những tác phẩm của riêng mình mà ai nghe cũng ngạc nhiên với độ hấp dẫn về cả thẩm mỹ và học thuật.

Ở mảng trữ tình, Tuấn có “Em là ai”, “Bồ Câu hạt thóc”... với niềm tin yêu cuộc đời trong sáng và lãng mạn, đầy ấm áp. Hay những ca khúc mang đậm màu tự sự như “Dạ khúc quỳnh hoa”, “Khẽ hát đôi lời”, “Phượng Mơ”... đều là những ca khúc không hề lẫn vào bất cứ khúc tình ca nào của âm nhạc Việt.

“Nếu tôi có một tình yêu”: Đêm tưởng nhớ nghệ sỹ indie Tuấn gà tại nhà hát Tuổi Trẻ

Ở mảng dân gian trào phúng mang màu sắc hiện thực xã hội, là mảng nhạc được coi như điểm mạnh nhất "định vị" cho thương hiệu của Nguyễn Tuấn, anh viết ra hàng chục tác phẩm với các nội dung đa dạng và nhiều tầng nghĩa. Như “Chổi xuân”, “Nếu tôi có một tình yêu”, “Ông già mù”, “Mỗi nhà mỗi cảnh”, “Chiếc xe đòn”, hay “Áo cũ dây phơi”... Nổi bật và nhiều người biết đến hơn cả là "Tiếng gáy thời gian" và cái tên Tuấn "gà" cũng ra đời từ đó.

Ngoài ra, Tuấn còn nhiều tác phẩm độc đáo riêng biệt như “Về miền Cổ Am”, “HUESA”, “Rượu Tiết Dê”, “Eva”, “Hà Nội cúc vàng”… đều là những tác phẩm có giá trị lớn về mặt âm nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao.

Ở Tuấn có một sự kỳ lạ như một thứ bản năng dị biệt, như cái “nghiệp”, để không tạo ra những tác phẩm thông thường. Âm nhạc của Nguyễn Tuấn là sự kết hợp giữa những tự sự cá nhân đa cảm, với một bản năng mạnh mẽ và ngông cuồng. Tuy nhiên, những chênh vênh giữa bối cảnh thị trường nghệ thuật và một cá tính âm nhạc quá khác biệt số đông khiến Tuấn loay hoay để định vị chính mình. Nhiều người sau này gọi anh là “kẻ lạc thời” trong âm nhạc.

Cuộc đời Nguyễn Tuấn không bằng phẳng, phần nhiều cũng do nội tại nhiều cảm xúc và cá tính ngang tàng. Tuấn nhiều phen lao đao trong hôn nhân, sự nghiệp, kinh tế, sức khỏe. Nhưng trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, vẫn có âm nhạc là cứu cánh cho tất cả.

Với Tuấn, tiếng đàn, tiếng sáo, những hợp âm như những người bạn để anh sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn, đôi khi là cả những bất lực tuyệt vọng. Trên con đường âm nhạc của mình, Tuấn may mắn có những tri kỉ hiểu và yêu mến âm nhạc của mình, nhưng không nhiều. Nhưng những người đã yêu mến, thì vẫn ở lại. Nhưng để tìm đến một tệp khán giả đông hơn, là điều khó cho những nghệ sỹ như Tuấn, những nghệ sỹ “độc đường độc đạo” còn chưa thể tìm thấy lối đi cho riêng mình trong bức tranh lớn của âm nhạc đương đại. Đây có lẽ cũng là những niềm trăn trở cho nhiều nghệ sỹ indie trẻ sau này trong con đường âm nhạc.

Tuy nhiên, sau tất cả, Tuấn vẫn để lại cho cuộc đời những tác phẩm âm nhạc có giá trị lớn, là những di sản đẹp đẽ mà anh chắt chiu từ tất cả những biến cố cuộc đời. Với Tuấn, âm nhạc gần như một phương thuốc chữa lành, để anh tìm lại chính mình, đón nhận lại được tình yêu và những điều đẹp đẽ của cuộc đời.

"Nếu tôi có một tình yêu": Đêm nhạc của những tài năng và những ân tình

2/2022, Nguyễn Tuấn đột ngột qua đời vì bạo bệnh trong sự bàng hoàng tiếc thương của nhiều anh em bạn bè văn nghệ sỹ. Đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu" được tổ chức vào dịp giỗ đầu, 1 năm ngày mất của Nguyễn Tuấn. Tuấn mất trong khi nhiều tác phẩm có giá trị của anh còn đang dang dở hoặc mới chỉ kịp biên soạn lại ở dạng bản thảo, demo, hoặc các trang chép tay. Bạn bè yêu thương và tiếc cho những tác phẩm độc đáo khác biệt của Tuấn còn nhiều sự chưa trọn vẹn, nên "hè nhau" làm một đêm tưởng nhớ Tuấn, để âm nhạc của Tuấn được thực sự vang lên một cách kiêu hãnh và đĩnh đạc.

Ngày Tuấn mất, nhạc sỹ Huyền Trung về mộ Tuấn ngồi khóc. Anh kể: "Trước khi mất “Thánh Chân đất Việt” do Nguyễn Tuấn đồng sáng tác được Huy chương bạc Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021. Nhưng anh chưa kịp báo tin và mang giải thưởng về cho Tuấn thì Tuấn đi mất rồi". Trên con đường âm nhạc của Nguyễn Tuấn, nhạc sỹ Huyền Trung đã chắp cánh cho nhiều tác phẩm của anh như Bồ Câu Hạt Thóc, Về miền Cổ Am... một trong những người hiểu âm nhạc và tinh thần của Tuấn nhất. “Cuộc đời và âm nhạc của Tuấn truyền cảm hứng và tác động mạnh mẽ tới mọi người, trong đó có anh” – nhạc sỹ Huyền Trung xúc động nói.

Đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu" là những ân tình nhạc sỹ Huyền Trung muốn dành cho Tuấn, dù bận trăm công nghìn việc, không có cả thời gian ngủ. Nhưng khi nói đến chuyện làm đêm nhạc Tuấn gà, anh Trung quyết đoán nhận lời: "Được rồi, anh sẽ làm, và sẽ không lấy tiền!".

Hay như Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt - nghệ sỹ indie thế hệ 9x), một người yêu quý và ngưỡng mộ âm nhạc của Nguyễn Tuấn từ nhiều năm. Thắng vẫn âm thầm hát và hỗ trợ sản xuất nhiều tác phẩm của Nguyễn Tuấn. Hai nghệ sỹ thuộc hai thế hệ nhưng tìm thấy sự đồng điệu và giao cảm.

Ngày Tuấn mất, Thắng lặng lẽ về đưa tiễn linh cữu, hát những bài của Nguyễn Tuấn mà Thắng đã từng hát giữa anh em bạn bè bên tro cốt nhạc sỹ đàn anh. Và đêm nhạc “Nếu tôi có một tình yêu” này, Thắng cũng tham gia 3 bài là Áo cũ dây phơi, Phố xanh, Hà Nội cúc vàng... như một lời từ biệt dành cho người anh lớn của mình.

Các “tri kỷ âm nhạc” nhiều năm với Nguyễn Tuấn như Tuấn Dũng, Đinh Mạnh Ninh, Nhật Huyền, Minh Châu, Thái Phong hay Kính Cận band, những người bạn nghệ sỹ dù đang ở đâu, bận bịu như thế nào, vẫn cố thu xếp đến góp mặt bằng được, như một lời đưa tiễn cuối cùng để Tuấn được mỉm cười, được an nghỉ trong tình yêu với âm nhạc và vòng tay bè bạn.

Nhạc sỹ Nguyễn Tuấn
Nhạc sỹ Nguyễn Tuấn

Những người bạn như Lê Giang, Trần Thái Hà, mỗi người sắn một tay giúp đỡ khâu tổ chức, kết nối, tận tụy từ những việc lớn việc nhỏ, tất cả chỉ vì muốn đưa những tác phẩm của Nguyễn Tuấn đến được với nhiều người nghe hơn. Hay những người bạn nhiều năm luôn sát cánh bên Tuấn như nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhóm M6... những người luôn sẵn sàng đến bên Tuấn không nề hà trong bất kì hoàn cảnh nào. Tất cả chỉ vì câu chuyện của âm nhạc và tình bằng hữu.

Đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu" lần này, nhạc sỹ Huyền Trung cùng anh em bạn bè thống nhất đưa 15 ca khúc nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác "không giống ai" của Nguyễn Tuấn, như một lời tạm biệt bằng âm nhạc, để tạm khép lại 1 chương trong hành trình âm nhạc nhiều màu sắc và biến động của Nguyễn Tuấn - Người được coi như một trong những nghệ sỹ indie thế hệ đầu của âm nhạc Việt Nam sau 1975.

Và đồng thời cũng mở ra một chương mới, cho những di sản âm nhạc mà Nguyễn Tuấn để lại cho cuộc đời.

Cùng với đó là lời cảm tạ cho những tình cảm, sự yêu mến và trân trọng của rất nhiều anh em nghệ sỹ, bằng hữu, tri kỷ đã và đang yêu mến, cũng như chung tay lan tỏa cho những tác phẩm của Nguyễn Tuấn - một cá tính âm nhạc độc đáo và kiêu bạc trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

Đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu" cũng là sự kiện mở đầu cho các hoạt động cộng đồng, mà cốt lõi là “Quỹ phát triển âm nhạc Nguyễn Tuấn”, với toàn bộ kinh phí được dùng vào việc sản xuất và lan tỏa các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, đồng thời đóng góp một phần để hỗ trợ một số nghệ sỹ indie trẻ đang trên con đường phát triển âm nhạc.

Nguyễn Tuấn sinh năm 1977 tại Hải Phòng, mất ngày 24.2.2022. Anh được coi như một trong những nghệ sỹ indie thế hệ đầu với tài năng đặc biệt của âm nhạc Việt Nam sau 1975.

Tuấn biết chơi đàn guitar năm 13 tuổi do “học mót” từ người bạn mù trong trại tị nạn bên Hồng Kông. Năm 17 tuổiTuấn viết ca khúc đầu tay “Xúc cảm phút giao mùa”. Hơn 40 năm hiện hữu giữa nhân gian, hơn 30 năm sáng tác, gia tài của Tuấn có hơn trăm bài, với đa dạng các thể loại màu sắc khác nhau: Trào phúng, trữ tình, hiện thực xã hội. 

Năm 2006, Tuấn tham gia chương trình Bài Hát Việt với tác phẩm “Em Là Ai”, ca sĩ Khắc Hiếu thể hiện. Cũng chính ca khúc này, năm 2007, được thí sinh Nguyễn Phước Vũ Bảo hát trong đêm chung kết cuộc thi “Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh” và được nhận giải cao nhất cuộc thi. 

7/2007, “Tiếng Gáy Thời Gian” của Nguyễn Tuấn tham dự Bài Hát Việt và nhận được “Giải phối khí hiệu quả” với sự hợp tác cùng nhạc sỹ phối khí Trần Đức Minh. 

Năm 2008, Tuấn gia nhập nhóm M6 (gồm Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Trần Đức Minh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến , Giáng Sol…), Tuấn có nhiều sản phẩm cùng M6 như album “Hà Nội M6 phố” (2010) , album “|Những đường bay” và vol 3 “Đêm nhiệt đới”.

Năm 2011, Tuấn tự tách mình khỏi M6, vào Sài Gòn chơi nhạc tự do. Thời gian này Tuấn viết nhạc phim cho bộ phim “Lục Lạc Huyền Bí” của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh. Trong thời gian chỉ khoảng 20 ngày, Tuấn đã viết và thu âm xong 8 ca khúc cho bộ phim. Sau nhiều năm, kể cả khi tách khỏi bộ phim, các ca khúc vẫn trở thành những tác phẩm độc lập và có chỗ đứng trong lòng khán giả. Tiêu biểu như: Rời tổ, Phượng mơ, Hướng dương cổ tích, Giảng đường như mơ…

2012, Tuấn trở ra miền Bắc, chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và hoạt động nghệ thuật cho đến khi qua đời. 

Tuấn có nhiều đêm nhạc độc đáo và khác biệt, để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả thủ đô và khán giả cả nước như “Vào ngay rạp xiếc thú” cùng Nguyễn Thắng tại American Club(2012), “Tiếng gáy thời gian” tại Sumvilla (2013), “Hà Nội cúc vàng” tại Jam bar Café (2013), “Đêm ngoại ô” tại Hanoi rock city (2014), “Rời Tổ” tại L’espace Hà Nội (2015)… 

Tháng 11/2021, tiết mục “Thánh Chân đất Việt” do Nguyễn Tuấn đồng sáng tác được Huy chương bạc Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021. Tháng 10/2022. ca khúc “Bồ Câu hạt Thóc” của Nguyễn Tuấn được chọn làm ca khúc dự thi tại Vòng Chung kết toàn quốc Giải Sao Mai 2022 dòng nhạc Thính phòng.

PV

Những trận động đất kinh hoàng nhất thế giới

Những trận động đất kinh hoàng nhất thế giới

Các trận động đất mạnh và dư chấn của nó đã cướp đi nhiều sinh mạng, tàn phá nặng nề và gây ra những hệ quả nghiêm trọng.