Ngân hàng cũng 'đói' vốn?

Lãi suất tăng nhanh, tỷ giá biến động mạnh và thiếu vốn đang là vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt, thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp đói vốn, bản thân hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, đặc biệt sau các vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư, tác động tiêu cực lên các thị trường.

Giải thích về quyết định tăng lãi suất điều hành ngày 25/10, NHNN cho biết, việc điều chỉnh tăng lãi suất nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 10 tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021, việc điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND sẽ giúp lãi suất thực tiếp tục dương, người gửi tiền tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản góp phần nâng cao an toàn hệ thống, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Trong vài phiên giao dịch trở lại đây, (từ khoảng 3-7/11) NHNN đã liêm tục bơm ròng vào hệ thống. Trong tuần từ 31/10-4/11, NHNN đã bơm ròng hơn 74.000 tỷ đồng vào hệ thống, phần lớn đến từ tín phiếu đáo hạn. Lãi suất bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt vào cuối tuần, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 7%/năm kỳ hạn qua đêm. Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có thời điểm khá căng thẳng, đặc biệt sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB.

Về tổng thể, NHNN cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý. Trên thực tế, trong cuộc họp với các NHTM gần đây, NHNN ghi nhận về điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các NHTM nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng. NHNN khẳng định các NHTM trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua.

Từ góc nhìn độc lập, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực tế, các ngân hàng đang "mắc kẹt" trong nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy định của Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ, cho phép các tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước hạn khi có dấu hiệu vi phạm vi định khi phát hành trái phiếu. "Điều này có thể khiến các nhà phát hành sai quy định phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu không sẽ bị xử lý", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 giảm 50,5% so với quý trước, giảm 70,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 60.635 tỷ đồng. Trong đó, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỷ đồng (giảm 39,5% so với quý trước, giảm 37,9% so với cùng kỳ).

Đồng thời với phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm, số lượng trái phiếu được mua lại trước hạn tăng mạnh. Trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước; Luỹ kế 9 tháng năm 2022, tổng giá trị trái phiếu được doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2021. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến 2024 vượt quá 745 nghìn tỷ đồng.

Đáng ra phải là một kênh huy động vốn trung, dài hạn hữu hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, thay thế cho kênh huy động ngắn hạn của ngân hàng và kênh tín dụng ngân hàng thì nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gây áp lực lên hệ thống ngân hàng khi buộc phải tất toán trước hạn trái phiếu, không loại trừ nhiều khoản trái phiếu của các công ty bất động sản đến hạn nhưng chưa thể trả lại vốn cho ngân hàng. Ngân hàng gần như trong thế "trở đi mắc núi, trở về mắc sông", tức ra vừa không thể phát hành trái phiếu để tăng huy động, lại phải vừa bỏ tiền ra để mua lại trái phiếu trước hạn, trong khi tăng trưởng huy động hiện chưa bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021. Điều này mang lại lo ngại cho cơ quan quản lý về thanh khoản hệ thống. Theo số liệu các NHTM công bố, hiện nay tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của các ngân hàng dưới 80% (mức quy định theo Thông tư 22 là 85%). Tuy nhiên không loại trừ tỷ lệ này thời gian qua tăng cao, khi có hiện tượng người dân rút bớt tiền gửi tại một số ngân hàng.

Ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75%, đưa lãi suất cơ bản lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp của Fed và lần tăng thứ 4 liên tiếp mức 0,75%. Quyết định của Fed lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và sức mạnh của đồng USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực, giá USD tự do tiếp tục neo cao.

Đón trước việc Fed tăng lãi suất, trong nước, ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% lần thứ 2 liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD dưới 6 tháng lên 6%.

Động thái tăng lãi suất của nhà điều hành nhanh chóng được các ngân hàng thương mại (NHTM) hưởng ứng, đồng loạt đẩy lãi suất huy động dưới 6 tháng lên kịch trần và lãi suất 12 tháng trung bình từ 7,5-9%/năm - tương đương với mức lãi suất huy động trước đại dịch.

Lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng, thời kỳ lãi suất thấp đax kết thúc, các NHTM bị cuốn vào cuộc đua tăng lãi suất. Chia sẻ từ đại diện một ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay hiện ở mức 14-15%/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong 2-3 tháng gần đây, lãi suất cho vay của ngân hàng này đã được điều chỉnh lần thứ 5.

Tổng Hợp