Ngân hàng Thế giới chi 30 tỷ USD để ngăn chặn khủng hoảng an ninh lương thực

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Tư (18/5) cho biết sẽ cung cấp 30 tỷ USD để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do cuộc chiến của Nga ở Ukraina gây ra.

Trong đó sẽ bao gồm 12 tỷ USD cho các dự án mới và hơn 18 tỷ USD từ các dự án liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng đã được phê duyệt trước đó nhưng chưa được giải ngân, WB cho biết.

Ngân hàng Thế giới chi 30 tỷ USD để ngăn chặn khủng hoảng an ninh lương thực - Ảnh 1.

Ngân hàng Thế giới chi 30 tỷ USD để ngăn chặn khủng hoảng an ninh lương thực.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass trong một tuyên bố nói rằng, việc tăng giá lương thực đang có tác động mạnh đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

"Để ổn định thị trường, điều quan trọng là các nước phải tuyên bố rõ ràng ngay bây giờ về việc tăng sản lượng trong tương lai để đối phó với cuộc khủng hoảng do cuộc tấn công của Nga vào Ukraina gây ra", ông nói thêm.

WB cho biết các dự án mới dự kiến sẽ hỗ trợ nông nghiệp; bảo trợ xã hội để giảm bớt tác động của giá lương thực cao hơn đối với người nghèo; các dự án nước và thủy lợi. Phần lớn các nguồn tài trợ sẽ được chuyển đến châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung Á và Nam Á.

Đây là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc chiến ở Ukraina đối với nguồn cung cấp ngũ cốc. Các quốc gia như Ai Cập, phụ thuộc nhiều vào lúa mì của Ukraina và Nga đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu trong nước.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng có kế hoạch cung cấp 500 triệu euro (523,50 triệu USD) cho an ninh lương thực và tài trợ thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Đây là một phần trong gói 2 tỷ euro dành cho Ukraina và các nước láng giềng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ukraina sẽ nhận được 200 triệu euro và các nước láng giềng sẽ nhận được 300 triệu euro.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các kênh thông thường, vốn bị giới hạn bởi tỷ lệ sở hữu cổ phần của các quốc gia.

PV