Tối ngày 24/10, sau khi giành thắng lợi tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội – 2019 với Huy chương Bạc, vở Ngàn năm mây trắng do Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, đã diễn ra trên sân khấu Nhà hát lớn.
Vở diễn Ngàn năm mây trắng |
Vở diễn này được dàn dựng nhằm hưởng ứng do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đồng thời là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Nó được viết ra trong năm nay, nhưng thực ra, đã được ấp ủ từ hơn 20 năm trước, khi PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản của vở diễn, thăm tượng đá nàng Tô Thị (lúc ấy chưa bị nung vôi) tại Lạng Sơn, và viết những câu thơ này:
“Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/Nẻo đường hun hút sơn khê/Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru/Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời/ Hay từ đất khách xa xôi/Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau/Hay nơi ngõ vắng sông sâu/ Thương trường lỡ bước vó câu bẽ bàng/
Mỏi mòn nửa kiếp hồng nhan/Sương khuya nhuốm tóc, mưa ngàn dội vai/ Tạc trong trời rộng đất dài/ Cho muôn sau bức tượng đài tình yêu/ Tôi đi trong ngẩn ngơ chiều/ Vọng từ hồn đá bao điều đơn sơ/ Hóa thành non nước đợi chờ/ Nàng Tô Thị chẳng chơ vơ giữa đời/ Tim hồng còn rỏ máu tươi/ Chảy trong huyết quản triệu người nhân gian/ Mắt còn vời vợi Nam Quan/ Tảo tần bóng núi non ngàn bãi dâu/ Ngàn năm mây trắng trên đầu”.
Ngàn năm mây trắng như vậy có cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích, như Trầu Cau, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị… Rất dễ gặp trên khắp đất nước , một đất nước chiến trận liên miên hàng ngàn năm như nước ta, hình ảnh những người phụ nữ ngóng chồng đi chiến trận. Ngóng mỏi mòn, ngóng đến mức hóa đá.
“Ngàn năm mây trắng” lấy cảm hứng từ câu chuyện Nàng Tô Thị |
Đề tài không có gì mới. Cái mới của vở diễn, mà chưa từng có tiền lệ, là lần đầu tiên trên sân khấu kịch Việt Nam có một vở diễn kết hợp đến mấy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống : chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế… .
Cuộc hành trình dằng dặc tìm chồng của nàng Tô Thị không chỉ đi qua núi thẳm rừng cao, qua những vùng đất xa lạ, mà còn qua cả những loại hình nghệ thuật tưởng như khó đứng cùng nhau (thì trước đây, đã ai nghĩ cho chúng đứng cùng). Chính vì có sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nên vở Ngàn năm mây trắng có 2 đạo diễn. Đó là NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương.
Nhân vật chính của vở, nàng Tô Thị, hát cải lương và phục trang như diễn viên cải lương. Ở từng trường đoạn, diễn viên chèo hát chèo, với những mảng miếng chèo truyền thống, hoặc hát xẩm, hát văn Huế, tùy theo ngữ cảnh, theo câu chuyện kể từng phần. Cũng khó nói là tất cả đều hòa hợp nhuần nhuyễn với nhau. Có những lúc chênh, có những lúc dài dòng vì loại hình sân khấu lúc đó làm ra thế. Nhưng cơ bản là khán giả ngạc nhiên và thú vị. Hơn nữa, đây là sân khấu thể nghiệm.
Từ nay có thể tin rằng, giống như mỗi người đều có giọng điệu riêng của mình trong cuộc đời, một vở ca kịch có quyền ai hát cải lương, ai hát chèo, hát tuồng…, tùy tâm trạng của mình, điều đó phá đi khá nhiều rào cản trong sân khấu truyền thống, và biết đâu lại là một hướng đi mới. Ghi nhận sự hòa trộn này trong Ngàn năm mây trắng cũng là ghi nhận một cố gắng của những nhà làm sân khấu trong việc cách tân nghệ thuật truyền thống. Hay hay dở chưa biết, chỉ cần biết đây là một sự mở đầu. nếu khó, không phải cho người nghe mà cho các diễn viên.
ngan-nam-may-trang-5-5-0022302 |
Rất may, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tập hợp nhiều nghệ sĩ thuộc các thể loại nghệ thuật dân gian khác nhau. Khi dàn dựng vở kịch Ngàn năm mây trắng, các tác giả dựa lực lượng chính là các diễn viên của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam. Hơn 60 nghệ sĩ nhìn chung vào vai rất ổn, toát lên hình tượng của nhân vật và tạo được dấu ấn riêng trong diễn xuất. .
Ngàn năm mây trắng kể về hành trình đi tìm chồng – Trần Khôi của nàng Tô Thị. Không tin chồng mình đã chết như lời Trương Lỗ, người bạn, người em kết nghĩa của chồng, thông báo khi trở về từ chiến trường. Nàng Tô Thị bế con thơ đi tìm chồng. Ở nơi này, nàng nghe nói một Trần Khôi giống như chồng mình không chết mà nhờ sức mạnh, tài năng, tuấn tú nên công chúa Phương bắc đem lòng yêu và xin vua cha cho gá nghĩa. Trần Khôi vì một lòng chung thủy với vợ con nơi quê nhà nên từ chối, đã bị kết tội khi quân, phải xử trảm. Nàng không tin người đã chết là chồng mình.
Ở một nơi khác, kiệt quệ vì ngóng đợi, nàng nghe kể một Trần Khôi khác ham tiền đi buôn, rồi sa vào vòng danh lợi quên vợ con. Nàng cũng không tin đó là chồng mình
Toàn bộ hành trình của Tô Thị luôn có sự hỗ trợ của Trương Lỗ (em kết nghĩa với Trần Khôi). Thế nhưng, bất ngờ với Tô Thị, cũng là bất ngờ với toàn bộ người xem, trong đoạn cuối hành trình, nhờ thần linh trong một ngôi miếu giữa rừng sâu, Tô Thị biết được sự thật kinh hoàng, chính Trương Lỗ là người giết chết chồng nàng. Hắn vì dã tâm muốn có được Tô Thị mà phản bội tình huynh đệ. Trương Lỗ đi theo Tô Thị chỉ vì muốn chiếm đoạt nàng.
Không còn là câu chuyện về những người lính bỏ mạng nơi miền biên viễn để vợ con ngày tháng ngóng đợi nơi quê nhà. Một cái kết rất đau khi nghĩ, kẻ ác lại là anh em bạn bè. Nhát kiếm đâm Trần Khôi của Trương Lỗ được thuật lại phần cuối vở diễn khiến người xem bàng hoàng.
Chỉ có dù là giặc nơi xa hay giặc ở gần, người phụ nữ Việt Nam cuối cùng vẫn là người chịu cái kết đau đớn nhất. Tô Thị vẫn hóa đá ngay cả khi đã biết không còn có thể ngóng chồng./..
Thu Quỳnh giành Huy chương vàng trong vở 'Cậu Vanya' tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm
Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 4 vừa khép lại, 4 tác phẩm đạt HCV là Thân phận nàng Kiều, Sự sống, Cậu Vanya và Bpolar..