Ngày thứ 3 xét xử vụ VN Pharma: VKS khẳng định H-Capital là thuốc chữa ung thư giả

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa phát biểu quan điểm về những cá nhân liên quan - cáo buộc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Hôm nay (26/9), ngày thứ 3 của phiên xét xử sơ thẩm vụ việc của Công ty VN Pharma . Cơ quan công tố xác định Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm làm giả hàng loạt tài liệu để nhập thuốc ung thư giả về bán kiếm lời.

Theo VKS,  kết quả thẩm vấn công khai tại tòa và hồ sơ vụ án trong những ngày qua đã làm rõ, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến ngày 19/9/2014, Hùng, Cường và đồng phạm đã làm giả hàng loạt tài liệu như: giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC); giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada; hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời.

Trị giá lô thuốc là 251.100 USD (khoảng 5,3 tỷ đồng) được nâng khống lên đến 571.950 USD (khoảng 12 tỷ đồng). Số tiền chênh lệch 6,8 tỷ được chuyển vào 2 tài khoản dịch vụ chuyển tiền ở nước ngoài rồi nhận lại bằng Việt Nam đồng tại Việt Nam.

Đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án chiều 26/9. Ảnh: VnExpress.
Đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án chiều 26/9. Ảnh: VnExpress.

Theo cáo trạng, năm 2013, Hùng đặt mua thuốc H- Capita của Công ty Helix Canada thông qua Cường. Do Cường không cung cấp được giấy kiểm nghiệm và thực hành thuốc của nhà sản xuất để xin cấp phép nhập khẩu nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thuê dược sĩ viết hồ sơ thuốc, làm con dấu, tài liệu giả nộp cho Cục quản lý dược.

Sau khi được Cục Quản lý dược cấp phép, VN Pharma đã nhập 9.300 hộp H-Capita. Khi phát hiện thuốc không rõ nguồn gốc, Cục quản lý dược thanh tra niêm phong toàn bộ lô hàng và cấm nhập khẩu.

Quá trình điều tra, Bộ công an còn xác định, Hùng và ban giám đốc VN Pharma chỉ đạo nâng khống giá thuốc từ 27 USD lên 75 USD một hộp. Số tiền nâng khống khoảng 6,8 tỷ đồng được các bị cáo để ngoài sổ sách, chi cho hoạt động đấu thầu, bán thuốc.

Trước đó, trong ngày đầu tiên của phiên xét xử (24/9), người được dư luận quan tâm là ông Trương Quốc Cường, thời điểm xảy ra vụ việc, ông là Cục trưởng Cục quản lý dược Bộ Y tế, hiện là Thứ trưởng Bộ Y Tế. Tuy nhiên tại phiên tòa 24/9, ông Cường không có mặt.

THUẬN TIỆN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương