Nghĩ chuyện bạn đời

Ngày qua, thấy người ta bàn nhiều, thậm chí hơi quá nhiều về luật, đòi hỏi những can thiệp cụ thể, sâu sắc tới đời sống gia đình.

Sau hai năm giãn cách vì dịch bệnh covid19, cùng với sự hồi sinh trở lại của nền kinh tế và những hoạt động xã hội, du lịch là những đám cưới của các cặp uyên ương. Nhiều thông tin cho biết, sau hai năm chờ đợi, nhiều người yêu nhau phải tiếp tục “chờ” để có thể tìm được một nơi tử tế xứng đáng tổ chức đám cưới cho mình. Các thành phố lớn và các trung tâm tổ chức có tiếng cho tới thời điểm này đều kín khách. Muốn đăng ký tổ chức lễ thành hôn, phải chờ ít nhất cho tới tháng…mười.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người ta có thể chờ đợi và tiếp tục chờ đợi để tiến hành một cái lễ trang trọng nhằm công bố chính thức tới bàn dân thiên hạ là cặp đôi yêu thương nhau ấy đã chính thức trở thành người của nhau (dù rằng việc này lẽ ra chỉ cần cấp phường công nhận). Cái lễ cưới rõ ràng là điều kiện quyết định cho sự ràng buộc về mặt tinh thần của cả hai bên nhà trai – nhà gái.

Rồi thời gian cứ trôi đi, những đám cưới bạc, vàng và kim cương là minh chứng thực tế rõ ràng nhất cho hạnh phúc của mỗi một gia đình. Dù rằng trong mỗi ngôi nhà, tổ ấm của những người tổ chức đám cưới ấy không phải lúc nào, luôn luôn đầy ắp tiếng cười. Nó ắt phải có những bầm dập, va vấp, thậm chí là nhiều nước mắt…và nếu khéo léo, những va chạm nội tại ấy sẽ trở thành những kỷ niệm, những gia vị đậm đà thêm cái ngọt ngào tình cảm gia đình.

Ngày qua, thấy người ta bàn nhiều, thậm chí hơi quá nhiều về luật, đòi hỏi những can thiệp cụ thể, sâu sắc tới đời sống gia đình. Mới thấy những bức xúc trong mỗi nhà có lẽ đã tới lúc cần xã hội nhúng tay can thiệp. Và nếu luật cho phép, những người đại diện cho pháp luật sẽ có thể, có quyền đụng tới những việc diễn ra phía sau cánh cửa từng nhà. Vốn từng là thế giới bất khả xâm phạm.

Và khi ấy, những người phụ nữ sẽ không còn phải áp dụng những lời răn dạy giáo điều. “Lạt mềm” sẽ không cần nữa mà thay vào đó là công cụ mang tính trấn áp rõ ràng của pháp luật. Sự bình đẳng sẽ tới tận phòng ngủ của mỗi gia đình. Như thế, sẽ chẳng còn người yếm thế. Và như vậy, rồi sẽ có lúc chẳng còn phái mạnh hay phái yếu. Và sự “tấn công” vào trái tim người khác sẽ không chỉ từ phía những kẻ luôn được mệnh danh là…người chinh phục.  

Nhưng cái câu chuyện về người bạn đời để người già kể lại cho con cháu, có lẽ chỉ có thể tồn tại nếu như hai người gắn kết, bảo vệ, yêu thương gắn bó với nhau. Điều ấy, chẳng pháp luật nào có thể can thiệp được.

Mai Tâm Hiếu