Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải nhận định, kết nối số đã thay đổi cuộc sống một cách sâu sắc, có những tác động phần nào giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh. Thực tiễn từ công tác phòng, chống dịch của thế giới cho thấy, những nước có kết nối số tốt, việc đối phó và vượt qua đại dịch để phát triển kinh tế có vẻ như tốt hơn bởi sự trao đổi của con người không bị gián đoạn, chỉ là chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến.
Những nước có hạ tầng luật pháp và thể chế tốt, độ tin cậy giữa người với người cao thì việc chuyển sang làm việc trực tuyến nhanh hơn, sự sáng tạo không hề bị đứt gãy.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cần một quá trình, từ khi lên kế hoạch đến khi thực thi có thể kéo dài nhiều thập kỷ. Những nước đi sau như Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm và công nghệ sẵn có để tiến hành nhanh hơn. Đây là điều thôi thúc Đại sứ Hải Tâm và cộng sự nỗ lực hết mình để học hỏi và đưa những kinh nghiệm chuyển đổi số tốt nhất.
|
Đại sứ Hải Tâm cho rằng, chuyển đổi số thực sự là lĩnh vực mới đối với một cán bộ ngoại giao và là một vấn đề rất kỹ thuật, không nằm trong thế mạnh của nữ giới.
Bà chia sẻ: “Có những lúc các công nghệ ‘lộn tùng phèo’ trong đầu tôi, cái gì là nền tảng, cái gì là ứng dụng trên nền tảng, công nghệ nào quyết định cái gì… Học chưa xong đã phải nghĩ liệu cái này có cần cho Việt Nam không, đã có bao nhiêu nước chào mời công nghệ này tới Việt Nam, chúng hơn kém nhau thế nào? Nếu cần thì đưa về Việt Nam thế nào? Cái gì sẽ là động lực để các bên hợp tác và tạo ra kết quả ở Việt Nam?”.
Bà cũng thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với các cơ quan quản lý mạng thông tin viễn thông của Estonia với lời mời tham gia các dự án về an ninh mạng với EU được chuyển về trong nước.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cũng cho rằng kỷ nguyên số vừa là cơ hội lẫn thách thức. Hoạt động ngoại giao có nhiều công cụ, phương thức bổ sung để triển khai chính sách, đạt các mục tiêu với đối tượng tương tác.
Theo Đại sứ Bích Huệ, hiệu quả của ngoại giao số sẽ rất lớn nếu được đầu tư, chuẩn bị và triển khai công phu, nhưng mặt trái là một sai sót nhỏ cũng có hậu quả lớn hơn.
Đại sứ Bích Huệ cho biết, trong sự chuyển đổi rất nhanh, toàn diện của Bộ Ngoại giao để thích ứng và hoàn thành được nhiệm vụ đối ngoại trong bối cảnh mới, được sự chỉ đạo sát sao và đồng hành của Bộ, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã nỗ lực thích ứng, góp phần và hòa mình vào tiến trình “đổi mới” này.
Facebook của Đại sứ quán được lập trên cơ sở yêu cầu bức bách của công tác bảo hộ công dân để chuyển thông tin một cách rộng rãi nhất, kết nối được các nhóm công dân.
Nữ Đại sứ cho rằng, ngoại giao số đang trở thành một phương thức mới để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quảng bá quốc gia (ngoại giao kinh tế và văn hóa), chuyển tải kịp thời các chính sách, chủ trương, các cuộc vận động quan trọng, chia sẻ ý nghĩa các sự kiện và cũng để lắng nghe, “nhìn” các thông tin đa chiều đa dạng hơn, từ đó điều chỉnh và có phản ứng, đấu tranh kịp thời.
Đại sứ Bích Huệ cho rằng, hoạt động đối ngoại cần tiếp tục thay đổi.
Thứ nhất, tiếp tục có nhận thức sâu hơn về những cơ hội và thách thức, rủi ro của kỷ nguyên số để dẫn tới thay đổi tư duy và hành động trong triển khai cụ thể ngoại giao số; có thể hiện và cư xử chuẩn mực trên không gian ảo (như quy tắc ứng xử cần được quán triệt tới tất cả thành viên cơ quan đại diện).
Thứ hai, một cách căn cơ hơn, có đầu tư cho đào tạo con người và hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở đề án, kế hoạch triển khai cụ thể, liên tục được cập nhật và thích ứng. Thứ ba, cần chủ động và sáng tạo, tỉ mỉ và thận trọng song song với việc cập nhật, học hỏi liên tục.
Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết công nghệ số làm thay đổi căn bản phương thức phát triển, kết nối, tương tác và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh những chuyển dịch đó. Ngoại giao đang chuyển đổi rất sâu sắc, đặt ra những đòi hỏi mới về tư duy, cách tiếp cận, phương thức triển khai…
Theo Đại sứ Hồng Vân, nhu cầu hợp tác quốc tế trong thời đại công nghệ số rất khác trước, nên nội hàm hợp tác gắn với phát triển bền vững - bao trùm, đổi mới sáng tạo, kinh tế số.
Theo Đại sứ Hồng Vân, việc Bộ Ngoại giao đẩy mạnh triển khai chiến lược Quản lý tri thức, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là chủ trương đúng đắn đáp ứng những đòi hỏi của ngoại giao kỷ nguyên số.
Nghị định 117 sắp tới có gì để ổn định bất động sản?