Ngoài nhà đầu tư, ai là người hưởng lợi nhiều nhất khi vàng tăng giá?

Vàng lập đỉnh không chỉ làm đầy túi các nhà đầu tư mà còn mang tiền về cho các quỹ ETF và các ngân hàng chuyên cất giữ vàng hộ.

Theo Blommberg, trong cơn sốt vàng năm 2020, người kiếm lợi nhiều nhất là các ETF (ETF là quỹ giao dịch trao đổi, một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể).

Các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bởi vàng và bạc đã tích lũy được hơn 50 tỷ USD từ vàng thỏi trong năm nay. Các ETF hiện nắm giữ nhiều vàng hơn mọi ngân hàng trung ương, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Giá vàng chạm đỉnh không chỉ tạo ra các khoản lời cho tất cả nhà đầu tư mà còn góp thêm tiền cho các ETF. Các ETF thường tính phí theo phần trăm giá trị vàng, bạc mà họ nắm giữ. Việc các nhà đầu tư tăng thêm lượng vàng nắm giữ, khi giá vàng giao ngay tăng lên mức kỷ lục trên 2.075 USD/ounce trong tháng này, khiến thu nhập của các quỹ này tăng gấp đôi.

Lượng vàng và bạc của các quỹ ETF tăng lên nhanh chóng trong năm nay. Đồ hoạ: Bloomberg
Lượng vàng và bạc của các quỹ ETF tăng lên nhanh chóng trong năm nay. Đồ hoạ: Bloomberg

Theo tính toán của Bloomberg, tổng phí cho 10 quỹ ETF vàng hàng đầu thế giới là khoảng 610 triệu USD một năm. Với năm ETF bạc hàng đầu thế giới, con số này là khoảng 110 triệu USD. Các nhà đầu tư đã mua nhiều bạc hơn thông qua ETF trong 8 tháng đầu năm so với số bạc được sản xuất bởi 10 công ty khai thác lớn nhất thế giới vào năm ngoái.

George Milling-Stanley, Trưởng chiến lược gia về vàng tại State Street Global Advisors, cho biết: “Vào thời điểm này, đây là một cách kinh doanh rất tốt. Không có hoài nghi nào trong đầu tôi rằng nhu cầu đầu tư qua ETF sẽ giảm khi giá vàng tăng cao”.

SPDR Gold Shares, ETF vàng lớn nhất thế giới, đang thu được khoảng 300 triệu USD phí một năm theo mức giá và lượng vàng đang có.

Việc các ETF kiếm lợi cũng là tin tốt cho JPMorgan và HSBC. Đây là hai ngân hàng chuyên giữ vàng và bạc cho các ETF trong các hầm ngầm. Trước đây, đối với hai ngân hàng này, đây đơn giản chỉ là một công việc kinh doanh giúp họ tận dụng được các kho chứa tiền. Nhưng khi vàng ùn ùn tăng giá, công việc này đã trở thành một nguồn thu nhập vững chắc.

Vàng của SPDR Gold Shares được giữ trong kho tiền của HSBC ở London. Năm 2015, có tài liệu tiết lộ rằng, phí giữ vàng của HSBC là khoảng 0,1% cho mỗi 4,5 triệu ounce vàng đầu tiên và 0,06% cho lượng vàng vượt mức.

Theo Amrit Shahani, giám đốc nghiên cứu tại Coalition Development, khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD mỗi năm là số tiền mà các ngân hàng kiếm được từ việc cất giữ kim loại quý . Ông cho rằng, con số đó sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Kho tiền được dùng để giữ vàng cho các ETF tại Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: BOE
Kho tiền được dùng để giữ vàng cho các ETF tại Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: BOE

Tuy nhiên, trong khi lượng đầu tư vào vàng đang tăng lên ồ ạt, các ngân hàng lại khó lòng kiếm thêm thu nhập từ việc giữ vàng thay các quỹ ETF. Các báo cáo hàng quý của SPDR Gold Shares tiết lộ rằng, bắt đầu từ tháng 4/2020, họ không còn gửi vàng tại kho tiền của HSBC mà thay vào đó là tại Ngân hàng Trung ương Anh.

Đây là ngân hàng đang giữ lượng vàng lớn chỉ sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nguyên nhân là do quá trình vận chuyển vàng bị gián đoạn vì phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch gắt gao để ngừa COVID-19.

Tốc độ mua bạc kỷ lục của các quỹ ETF đang khiến những ngân hàng chuyên giữ hộ phải đau đầu. Kích cỡ lớn hơn và ít giá trị hơn vàng, bạc chiếm một lượng lớn không gian trong kho tiền của họ.

Người giám sát cho ETF bạc lớn nhất, iShares Silver Trust là JPMorgan. Trong một thời gian dài, quỹ này cảnh báo nếu lượng nắm giữ của họ tăng lên trên 500 triệu ounce bạc, họ sẽ phải tìm kiếm thêm một ngân hàng lưu trữ bổ sung.

JPMorgan đã bắt tay với một số kho tiền khác ở London. Ngân hàng này đang hợp tác với Malca-Amit để lưu trữ bạc thay mặt cho ETF tại một kho tiền gần Sân bay Heathrow. JPMorgan cũng hợp tác với hai kho tiền thuộc sở hữu của Công ty Brink để lưu trữ bạc.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương