Trong chương trình Mãi mãi thanh xuân, chú Văn Thanh không chỉ gây ấn tượng bởi tài độc tấu nhiều loại nhạc cụ khác nhau như guitar, mandolin, piano, sáo... đặc biệt còn mang đến bộ đàn chén do mình sáng tạo
Chú Trương Văn Thanh cho biết đam mê nhạc cụ, một phần từ gen di truyền từ người cậu nhạc công Mandolin của mình. Khi còn đi học chú đã rất thích tiếng đàn, cũng thích hình ảnh những người nghệ sĩ đánh đàn, thế là chú tự mài mò học.
Chú Trương Văn Thanh, độc tấu được nhiều loại nhạc cụ và sáng tạo đàn chén. |
Sau này khi đoàn văn công tổ chức chiêu mộ nhạc công để thành lập đoàn văn công huyện Cầu Kè, chú đã trở thành một thành viên của đoàn nhưng không phải đảm nhận vai trò nhạc công mà thuộc top múa. Một thời gian sau khi đoàn văn công tan rã, chú Văn Thanh đã tìm đến đoàn cải lương và bắt đầu vai trò chính của mình.
Trong khoảng thời gian lúc bấy giờ, chú từng làm việc tại trung tâm văn hóa huyện Cầu Kè nhưng vì nhận thấy nơi đây không đủ không gian để mình thoải mái hoạt động. Từ đó, chú quyết định ôm đàn lên Sài Gòn vào năm 1993. Khi bước chân lên Sài Gòn, chú Văn Thanh vừa 33 tuổi, đến nay gần 30 năm chú sinh sống và làm việc ở mảnh đất này.
Trong quãng thời gian dài, chú làm nhạc công cũng thành lập riêng một ban nhạc chuyên hát aucoustic để biểu diễn ở các tụ điểm như nhà hàng, quán bar... Song song việc đi làm, chú còn nhận không ít học trò để truyền đạt lại kinh nghiệm và kiến thức của mình.
Chú Trương Văn Thanh chơi đàn chén. |
Giờ đây khi đã qua số tuổi 60, chú chọn quay trở về vùng đất mình sinh ra – Trà Vinh và tiếp tục niềm đam mê âm nhạc. Ít biểu diễn hơn, chú bắt đầu sưu tầm những vật liệu để tạo nên những bộ nhạc cụ có một không hai như đàn chén từng xuất hiện trên sân khấu Mãi Mãi Thanh Xuân.
Để hoàn thành bộ đàn chén này chú mất gần 1 năm tìm kiếm, trải qua hành trình vất vả mới có thể sưu tập các loại chén khác nhau để chọn ra những nốt nhạc chuẩn mực nhất. Ngoài đàn chén, hiện tại chú đang tiếp tục hoàn thành bộ đàn bằng lon sữa, một năm nay đã tìm được 7 nốt.
Đối với công việc này của chú, ba mẹ, bạn bè, cả gia đình ai ai cũng ủng hộ chú hết mình. Thậm chí khi mới bắt đầu đi vào nghề, chú còn được ba hộ tống biểu diễn, ông vô cùng tự hào vì tài năng của chú Văn Thanh.
Tuy nhiên, bây giờ điều chú trăn trở là tìm một người nối nghiệp vì chú luôn mong muốn có thể truyền lại hết nền âm nhạc của mình. Hiện tại, ngoài việc dạy nhạc cụ, đi biểu diễn, chú Văn Thanh còn nhận may đồ trang trí nội thất.
Thế nhưng, dù có bao nhiêu năm trôi qua, dù có làm bao nhiêu nghề đi nữa, đối với chú chiếc đàn vẫn luôn bên cạnh như hình với bóng, âm nhạc vẫn là quan trọng hơn cả.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa