Người dân sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng từ 8/7

Ông Dung nhấn mạnh từ 8/7, người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 từ gói 26.000 tỷ đồng

Chiều 7/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thủ tướng đã ký Quyết định số 23 việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết 68.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chậm nhất 10 ngày, người dân sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.

Người dân sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng từ 8/7

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điểm nhấn mạnh nhất của gói này là đơn giản hóa tối đa cả thủ tục hành chính. 

"Chúng tôi đã rút ngắn toàn bộ quy trình chỉ còn 4 ngày cấp hồ sơ, 3 ngày cấp vốn. Chỉ có một hồ sơ duy nhất. Đến ngày hôm nay, các địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp bắt đầu triển khai. Ngay ngày mai, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bảo hiểm xã hội sẽ triển khai toàn tuyến. Ngày mai hoặc đến ngày kia, các đối tượng của chúng ta đã được thụ hưởng", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

"Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ căn cứ vào bố trí vốn của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức thực hiện. Chúng tôi có mạng lưới rộng khắp, sẵn sàng phục vụ cho khách hàng đủ điều kiện theo quyết định của Chính phủ", Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho hay.

Điểm mới tiếp theo là hàng loạt các tiêu chí để thụ hưởng gói hỗ trợ này đều đã được giảm bớt như: sẽ giảm điều kiện thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn chỉ còn 15% lao động.

Ông Dung cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, nội dung gì theo luật thì phải chấp hành, còn tất cả những quy phạm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể cho phép vận dụng thì vận dụng tối đa. 

Về việc triển khai Nghị quyết 68, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời điểm hiện tại thì người dân đang mong chờ ngóng từng ngày để làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt là những người lao động tự do.

“Sau Quyết định 23 không cần một hướng dẫn nào để triển khai, có chăng nếu cần thiết thì giải đáp chứ không ra văn bản nữa”, ông Dung nhấn mạnh.

Phân tích những điểm mới của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Gói 26.000 tỷ đồng cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh".

Ông Thanh cho biết, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng lao động tự do, mức tiền hỗ trợ.

Thanh Mai

Người mua tăng đột biến, siêu thị tăng hàng hóa lên 600%

Người mua tăng đột biến, siêu thị tăng hàng hóa lên 600%

Sau khi hiện tượng người dân đổ xô đi mua sắm gây ùn ứ, tắc nghẽn và cháy hàng cục bộ, các hệ thống siêu thị và một số kênh mua sắm đã tăng mức hàng hóa gấp 3-7 lần lần so với ngày thường.