Nhà nước đã chi gần 17.500 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19

Ngân sách đã chi khoảng 17.490 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tính đến 24/9/2020.

Theo báo cáo tình hình thực hiện công tác tháng 9 và 9 tháng năm 2019, Bộ Tài chính cho biết đến 24/9/2020, Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17.490 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Gồm chi 4.920 tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 437 của Thủ tướng. Trong đó ngân sách trung ương trích 3.920 tỷ đồng bổ sung cho các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và hỗ trợ cho 27 địa phương. 1.000 tỷ đồng do các địa phương chi.

Về hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị  quyết  42 của  Chính  phủ  và  Quyết  định  số 15 của  Thủ  tướng, đến 24/9, Ngân sách đã chi khoảng 12.570 tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng ảnh hưởng.

Ngân sách đã chi khoảng 12.570 tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, bao gồm cả doanh nghiệp, người lao động khó khăn. Ảnh: VCCI
Ngân sách đã chi khoảng 12.570 tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, bao gồm cả doanh nghiệp, người lao động khó khăn. Ảnh: VCCI

Bên cạnh  đó, Nhà nước cũng xuất cấp khoảng 16.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Tổng chi ngân sách đến hết tháng 9 là trên 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó gồm 80.700 tỷ đồng trả nợ lãi; chi  thường xuyên là 756.900 tỷ đồng…

 9 tháng qua, Chính phủ đã ký kết 9 Hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá khoảng 957 triệu USD. Số tiền chi trả nợ đến hết tháng 9 khoảng 241.375 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước khoảng 180.950 tỷ đồng (chiếm khoảng 75%), nợ nước ngoài khoảng 60.425 tỷ đồng (25%).

Tính đến ngày 25/9/2020, Bộ Tài chính đã phát hành 223.340 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020, để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng). Kỳ hạn trái phiếu trung bình 13,21 năm với lãi suất bình quân 2,94%/năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách 9 tháng đạt 975.300 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán. Nguồn thu lớn nhất là thu nội địa, ước đạt 812.400 tỷ đồng. Con số này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Nguồn thu từ dầu thô giảm mạnh đến gần 37% so với cùng kỳ, đến hết tháng 9 đạt khoảng 27.500 tỷ đồng. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm khoảng 20%, ước đạt 134.550 tỷ đồng.

Diễn biến tích cực trong thu chi ngân sách 3 quý đầu năm, theo Bộ Tài chính là tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển. Số vốn giải ngân 9 tháng đạt gần 269.200 tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán. Dù vậy, con số này vẫn được đánh giá còn thấp so với yêu cầu. Một  số  bộ, ngành và  địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương