Nhà thầu xây dựng lo phá sản vì giá thép tăng phi mã, yêu cầu kiểm tra nguyên nhân

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do giá thép tăng đột biến đến 40% so với cuối năm 2020.

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo khẩn các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.

gia-thep-tang-dot-bien-2021-950x640.png
Giá thép hiện tăng đến 40% so với cuối năm 2020 khiến nhiều nhà thầu lo vỡ trận. Ảnh: VACC

VACC đồng thời yêu cầu với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường, để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.

Theo VACC, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt trong tháng 4.

Cụ thể, hiện tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với cuối năm 2020.

Điển hình như giá thép phi 6 Việt Mỹ ở Đà Nẵng đang được bán 18.370 đồng/kg, tức 18,37 triệu đồng/tấn, tăng đến 40% so với giá bán trong quý IV/2020, chỉ là 13,14 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13,805 triệu đồng/tấn.

Hiện mỗi tấn thép Hoà Phát được báo giá 16,5-16,7 triệu đồng một tấn, tuỳ loại. Thép miền Nam cũng 16,6-16,7 triệu đồng/tấn, tăng 600.000 đồng một tấn từ ngày 22/4. Thép Pomina cũng có giá 16,9-17,2 triệu đồng/tấn, tăng thêm 300.000 đồng/tấn từ 22/4.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ, do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này.

Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng, mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

thep.png
Nguồn: VSA

Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm 10-30% tổng giá trị dự án. Mức tăng giá quá mạnh này đang tác động rất mạnh tới các nhà thầu; ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án, khả năng nhận thầu.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới. Giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay, trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Trước đó, ngành thép dự báo giá thép chỉ tăng đến hết quý II/2021.

Cũng theo VSA, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép quý I/2021 khá cao. Riêng tháng 3, sản xuất thép tăng đến gần 44% so với tháng 2, đạt 2.960.213 tấn, và tăng 39,8% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép trong tháng này tăng gần 60% so với tháng trước và tăng gần 40% so với cùng kỳ tháng 3/2020. 

Tính chung quý I, ngành thép sản xuất 7.664.258 tấn, tăng 33,8% so với  quý cùng kỳ 2020. Tiêu thu cũng tăng 34,7%, đạt 6.780.361 tấn các loại.  Đặc biệt,  xuất khẩu thép tăng đến gần 60% so với quý I/2020, đạt 1.634.540 tấn các loại.

Cũng trong tháng 4/2021, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán xi măng thêm 30.000-40.000 đồng/tấn. Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng việc tăng giá xi măng là hợp lý, và đã được các doanh nghiệp cân nhắc từ cuối năm 2020.

Nguyên nhân là chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng thời gian qua.

Q.HUY