Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã trình bày kết quả đánh giá an toàn sau 2 năm của cơ quan này cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản.
"Dựa trên đánh giá toàn diện của mình, IAEA đã kết luận rằng cách tiếp cận và các hoạt động xả nước đã qua xử lý với hệ thống ALPS của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế có liên quan. Cơ quan chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp sự minh bạch cho cộng đồng quốc tế, giúp tất cả các bên liên quan có thể dựa vào thực tế và khoa học đã được xác minh để cung cấp hiểu biết của họ về vấn đề này trong suốt quá trình", Grossi cho biết.
Grossi cho biết tại cuộc họp báo rằng sau khi được thải ra, nước thải sẽ có "tác động không đáng kể" đối với môi trường.
IAEA sẽ mở một văn phòng tại Fukushima vào thứ tư để giám sát và đánh giá thường xuyên quá trình này trong nhiều thập kỷ tới, cơ quan này sẽ đến thăm khu vực xung quanh nhà máy để nói chuyện với các nhà lãnh đạo và ngư dân địa phương.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã hoàn tất thi công và vận hành thử nghiệm thiết bị xả nước thải phóng xạ ra biển. Ngoài ra, Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản (NRA) cũng đã kiểm tra và sẽ sớm cấp giấy phép chứng nhận cho thiết bị nói trên.
Nước thải sẽ phải trải qua một hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, giúp loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ. Ngoài ra, nước sẽ được pha loãng với nước biển với tỷ lệ 1/40, theo nồng độ cho phép trong tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải qua một đường hầm dưới nước.
Tuy nhiên, các nước láng giềng đã bày tỏ lo ngại trước kế hoạch xả nước của Nhật Bản. Các ngư dân địa phương cũng không kém phần lo lắng về thiệt hại tiềm ẩn đối với các sản phẩm đánh bắt của họ.
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản yêu cầu Tokyo ngừng kế hoạch nói trên và rằng đánh giá từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA không thể được sử dụng như một loại "giấy phép". Đại sứ Trung Quốc cho rằng IAEA phải trung thực, công bằng và chuyên nghiệp, tôn trọng ý kiến của các chuyên gia từ tất cả các bên.
Tại Hàn Quốc, việc xả nước đã trở thành vấn đề ngày càng được công chúng quan tâm và là vấn đề gây chia rẽ giữa Đảng của Tổng thống Yoon Suk Yeol và phe đối lập. Các đảng đối lập đang kêu gọi chính phủ Nhật Bản ngừng xả thải và tìm kiếm các giải pháp thay thế, chẳng hạn như xây dựng các cơ sở mới để lưu trữ nước thải.
Các cuộc biểu tình phản đối việc xả nước thải đã diễn ra trong những tuần gần đây bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Phe đối lập cũng kêu gọi Yoon thúc giục Tokyo cung cấp dữ liệu chi tiết hơn về bất kỳ yếu tố nguy hiểm tiềm tàng nào mà nước có thể chứa.
Cũng trong ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc Chung Hwang-keun tuyên bố, nước này chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản từ khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho đến khi mối lo ngại về ô nhiễm được giảm bớt.
Kim Ji-moon, một quan chức của Đảng Công lý cánh tả cho biết: "Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng về việc nước thải có thể ảnh hưởng đến sinh vật biển như thế nào, đặc biệt là lượng nguyên tố phóng xạ có thể hoàn toàn nằm lại trong thực phẩm của chúng ta. Đất nước chúng tôi là một trong những nước tiêu thụ hải sản bình quân đầu người cao nhất thế giới, vì vậy đây là vấn đề về sức khỏe và an toàn", Kim nói với Nikkei Asia.
Các ngư dân quanh khu vực lo ngại việc xả nước sẽ gây ra thiệt hại về uy tín và làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của họ. Hàn Quốc vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ khu vực xung quanh nhà máy Fukushima với lý do lo ngại về an toàn, trong khi Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Macau hạn chế nhập khẩu.
(Nguồn: Nikkei)