Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang nằm trong Top nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn

Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc phát triển dự án với lợi thế tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang nằm trong Top nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.

Trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới lưu ý, Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 của Việt Nam tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với 1 năm trước. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, CPI nhiều khả năng sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu (cũng như lãi suất ngân hàng) dần tăng lên.

“Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi”, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Như Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) cũng có quỹ tiền mặt dồi dào với hơn 17.700 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 12.000 tỷ đồng.

Quỹ tiền mặt chủ động cùng cơ cấu tài chính ổn định nhờ dòng vốn vay giá rẻ huy động được trong các đợt phát hành trái phiếu quốc tế, Novaland đang đẩy mạnh chiến lược phát triển đa ngành và nâng tầm ở cả mảng dịch vụ, giải trí.

Hệ sinh thái của Novaland, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, đã được bổ sung dự án Novaworld Hồ Tràm và quỹ đất tiếp tục mở rộng. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này hồi giữa tháng 3/2022, quỹ đất hiện có của Novaland là 10.600 ha, gấp đôi so với đầu năm 2021 chỉ trong thời gian ngắn, trong đó doanh nghiệp thâu tóm “đất vàng” ở nhiều khu vực trọng điểm, có sự đầu tư vượt bậc về hạ tầng giao thông như các tuyến cao tốc và cảng hàng không.

Trong năm 2022, Novaland sẽ ra mắt đồng loạt 3 dự án lớn: Novaworld Lăng Cô, quy mô 280 ha; Novaworld Nha Trang, quy mô 600 ha; Novaworld Mũi Né, quy mô 700 ha.

Tại Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM), tính đến cuối quý I/2022, Công ty có hơn 5.600 tỷ đồng tiền mặt, gần 84.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đây được xem là lợi thế hàng đầu của doanh nghiệp trong việc chủ động thâu tóm quỹ đất hoặc chủ động triển khai các dự án theo “ý mình”, mà không phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính.

Cụ thể, ngay sau khi mua lại và được cấp phép triển khai dự án Khu đô thị Đại An tại Hưng Yên, với nguồn tiền có sẵn, dự án ngay lập tức được Vinhomes tăng tốc triển khai, nhanh chóng ra mắt thị trường, đồng thời trở thành điểm “nóng” thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong suốt 2 tháng vừa qua. Sức “nóng” không chỉ thể hiện ở số lượng sàn giao dịch tham gia phân phối, số lượng nhà đầu tư đến khảo sát, mà còn ở lượng giao dịch lớn được thiết lập (gần như chiếm toàn bộ lượng giao dịch toàn miền Bắc trong tháng 4 và 5/2022).

Trước đó, 3 đại đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội), Vinhomes Ocean Mart (Long Biên, Hà Nội) và Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM) xác lập vị thế các dự án bán chạy nhất trong gần 2 năm vừa qua. Tiến độ triển khai vượt trội so với mặt bằng chung cùng việc “thoải mái” cân đối trong phát triển hạ tầng tiện ích, sản phẩm của các dự án dễ dàng được người dân hoặc nhà đầu tư chấp nhận, dù mặt bằng giá chào bán lần đầu ra ngoài thị trường được đánh giá không hề thấp.

Tổng Hợp