Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị phạt vì găm hàng

Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa bị xử phạt, nhắc nhở do giảm thời gian bán hàng, ngừng bán khi chưa được cho phép...

Ngày 31/1, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết các Cục QLTT trên cả nước đã tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng trên địa bàn có biểu hiện găm hàng, nghỉ bán sai quy định... trong bối cảnh tình hình xăng dầu trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Kết quả, trong thời gian từ ngày 25/1 đến 30/1, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền 45 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị phạt vì găm hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Riêng trong ngày 30/1, các đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã tiến hành xử phạt tổng số tiền 30 triệu đồng đối với 2 cơ sở vi phạm.

Cụ thể, cơ quan quản lý xác định cửa hàng xăng dầu Tân Thịnh 1 thuộc Công ty CP đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh ngừng bán hàng trong khoảng thời gian 12-13 giờ; cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Phúc Lâm Châu giới hạn số lượng xăng, dầu bán cho khách hàng 30.000 đồng/lượt xe máy và 300.000 đồng/lượt ô tô trong khi tại bể chứa xăng RON 95 còn tồn 10.782 lít, dầu diesel tồn 7.823 lít.

Tại Ninh Bình, lực lượng QLTT cũng đã tiến hành xử phạt 15 triệu đồng đối với 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gồm cửa hàng xăng dầu Gia Lập thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Long (huyện Gia Viễn) và cửa hàng xăng dầu số 2 Bảo Sơn thuộc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kim Thành do ngừng bán mà không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo Zing.

Tại Vĩnh Phúc, ngày 30/1, đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu 1-5 Vĩnh Phúc thuộc Công ty CP vật tư thương mại Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên). Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng ngừng bán khi không có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương.

Tại Hải Phòng, đội QLTT số 8 - Cục QLTT TP Hải Phòng - cũng đã kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH Phú Khánh 15 triệu đồng về hành vi ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngày 30/1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cũng đã lập 3 tổ công tác tăng cường chỉ đạo các đội QLTT kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cơ quan chức năng phát hiện một số cửa hàng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về.

Thời gian gần đây, tình hình thị trường xăng dầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, các cây xăng ở một số tỉnh thành xuất hiện tình trạng hết xăng dầu cục bộ.

Trước đó, ngày 20/1 (tức 29 Tết), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Tổng cục QLTT, Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện trực 100% quân số, tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình.

Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở một tỉnh phía Bắc cho biết, thị trường xăng dầu đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo vị này, các quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện nay đang không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp do thiếu những điều khoản quy định chặt chẽ và có những lỗ hổng về kiểm soát thị trường, thị phần của các tầng lớp trung gian phân phối trong thị trường xăng dầu, theo TPO.

"Các quy định hiện nay trong nghị định nếu không được sửa, cơ quan quản lý sẽ không kiểm soát được thị trường. Việc không kiểm soát được chiết khấu của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ kéo dài sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm các nguồn xăng dầu giá rẻ khác để bù đắp lại khoản lỗ cũng như có nguồn tiền để duy trì hoạt động. Đây là thực tế của thị trường đang diễn ra nhiều năm qua", vị giám đốc này nói.

Cũng theo vị này, lỗ hổng hiện nay của thị trường chính là các đầu mối được hưởng lợi nhuận định mức, tính đủ các chi phí. Tuy nhiên, từ các đầu mối xuống các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ thì quy định chiết khấu lại rất khó kiểm soát. Đầu mối có thể đơn phương cắt chiết khấu, với lý do bị lỗ hoặc ít lợi nhuận, lúc này, các đại lý bán lẻ sẽ gánh, san đủ các khoản lỗ cho các tầng lớp phía trên.

"Để đảm bảo tiệm cận thị trường, cơ quan quản lý phải sửa quy định về chiết khấu để doanh nghiệp bán lẻ đủ sống. Không thể để mãi cảnh doanh nghiệp bán lẻ lấy tiền nhà ra bù lỗ để bán xăng dầu phục vụ thị trường. Chưa kể, những lúc thị trường gặp khó, chúng tôi còn phải trả thêm tiền cho các đầu mối để được lấy hàng. Đây là những luật ngầm xuất hiện từ khi thị trường xăng dầu có biến động và kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay", đại diện một doanh nghiệp bán lẻ đề nghị không nêu tên nói.

Một trong những bất cập trong thị trường xăng dầu, theo đánh giá của các doanh nghiệp chính là các quy định trong Nghị định 83 và cả 95 đều cho phép tầng lớp trung gian rất quan trọng là các thương nhân phân phối được phép 'đá' cả hai sân: vừa được bán buôn, lại vừa trực tiếp tham gia bán lẻ. Khi thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp này ăn lợi nhuận được cả hai đầu. Còn doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ 1 nguồn nên thương nhân phân phối cho bao nhiêu tiền thì bán lẻ biết bấy nhiêu.

"Các thương nhân phân phối hiện quyền lực rất lớn nhưng cũng rất khó kiểm soát khi họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung. Không mấy người biết luồng xăng dầu của họ đang diễn ra thế nào. Để lấy được hàng của các thương nhân phân phối, chúng tôi phải chịu cảnh họ cho uống nước đục cũng phải uống. Không có lựa chọn khi luật chơi đang nằm trong tay họ", Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ ở Hà Giang nói.

Thậm chí theo vị này, các thương nhân phân phối, với quyền của mình, hiện có thể ép doanh nghiệp bán lẻ "chết' nếu muốn. Với việc liên tục cắt chiết khấu, không có lãi, nhiều doanh nghiệp vốn ít sẽ buộc phải buông, rời thị trường và đây cũng là cách thâu tóm thị trường rất tinh vi. "Tôi từng nhận được đề nghị của đối tác muốn mua lại cây xăng khi chúng tôi gặp nhiều khó khăn chưa từng có trong năm qua", vị này nói.

(Tổng hợp)

AN LY