Xu hướng này còn tiếp tục đến những ngày đầu tháng 12. Nhiều ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất huy động, đề phòng trước rủi ro thanh khoản trước dịp cao điểm cuối năm.
Như Eximbank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn vào đầu tháng 12. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong 2 tháng trở lại đây. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm.
Hay như OCB tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,2%/năm. Đối với tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,55%/năm, 3 tháng lên 3,7%/năm, 6 tháng lên 5,2%/năm, 12 tháng lên 5,9%/năm.
Tương tự, ở GPBank, kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 36 tháng, lãi suất tăng 0,5 điểm phần trăm lên 6,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 6,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 5,75%/năm lên 6,3%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn tung chương trình ưu đãi và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.
Lãi suất cho vay được VNDirect nhận định sẽ giảm trong thời gian tới. Mức giảm được đơn vị này kỳ vọng vào khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị áp dụng “gói cấp bù lãi suất” 3.000 tỷ đồng, tức các ngân hàng sẽ cho vay khoảng 100.000 tỷ với lãi suất 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Các ngân hàng có thể cải thiện NIM trong năm sau khi sở hữu những lợi thế cạnh tranh. Đơn cử, hệ số CASA cao hoặc tỷ lệ LDR thấp giúp giảm được chi phí vốn trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm. Ngân hàng có khả năng vay vốn nước ngoài cũng sẽ giúp các ngân hàng vay được vốn với lãi suất thấp trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, các đơn vị có khả năng mở rộng cho vay cá nhân sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, lãi suất huy động trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng cùng tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,71%/năm và 5,51%/năm vào cuối tháng 11/2021. Sự chuyển biến này chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) với việc tăng lần lượt 0,03 và 0,02 điểm phần trăm, lên mức 5,42%/năm và 6,02%/năm, tương ứng kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do 3 yếu tố.
Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng. Thứ hai là áp lực lạm phát trong năm 2022. Thứ ba là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3-0,5 điểm phần trăm trong năm 2022.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)