Nhìn lại kinh tế Nga: Những thách thức thực sự (bài cuối)

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, việc thay thế vũ khí hư hỏng và đạn dược đã qua sử dụng không chỉ đơn giản là vấn đề tiền.

Nga đã tung ra các thiết bị quân sự trên quy mô lớn. Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), số lượng xe bọc thép bị phá hủy trong cuộc xung đột này vào khoảng 8.000-16.000 chiếc. Nga cũng mất rất nhiều máy bay, máy bay không người lái và hệ thống pháo binh.

Nguồn cung vũ khí bị đe dọa

Nga đang cố gắng chế tạo nhiều vũ khí hơn. Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, Dmitri Medvedev, mới đây cho biết nước này sẽ sản xuất 1.500 xe tăng hiện đại trong năm 2023. 

Các quan chức cũng cho biết họ muốn máy bay không người lái được sản xuất hàng loạt ở Nga. Một số nhà máy đang làm việc suốt ngày đêm. Theo số liệu thống kê chính thức, trong tháng 1 và tháng 2/2023, sản lượng "hàng kim loại thành phẩm" cao hơn 20% so với năm trước.

Vấn đề ở chỗ, để sản xuất vũ khí tiên tiến, nước này cần tiếp cận với các linh kiện "lưỡng dụng" cao cấp do phương Tây sản xuất, từ động cơ đến vi mạch, mà Nga khó có được do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các bộ phận cực kỳ cần thiết luôn có thể được chuyển sang mục đích sử dụng khẩn cấp nhất. 

Do đó, vào tháng 2 năm nay, Chính phủ Nga đã tạm thời ngừng nhận đơn xin hộ chiếu sinh trắc học để tiết kiệm vi mạch. Máy giặt cao cấp cũng đang được nhập khẩu với số lượng lớn để lấy chip, có lẽ là để sử dụng cho tên lửa dẫn đường và các thiết bị quân sự khác.

Nhìn lại kinh tế Nga: Những thách thức thực sự (bài cuối) - Ảnh 1.

Số lượng xe bọc thép của Nga bị phá hủy trong cuộc xung đột với Ukraina vào khoảng 8.000-16.000 chiếc.

Một giải pháp là dựa vào các kho dự trữ hiện có, mặc dù nhiều trong số này đã cũ và bảo trì kém. Một cách khác là đưa ra tiền tuyến vũ khí dành cho xuất khẩu. 

Chuyên gia Siemon Wezeman tại Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế SIPRI (Thụy Điển), cho rằng xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm mạnh từ 50 tỷ USD năm 2021 xuống còn 11 tỷ USD hoặc thấp hơn vào năm ngoái. Ông chỉ ra rằng những chiếc xe tăng T-90 khác thường - có lẽ là mẫu trình diễn, hoặc ban đầu là để xuất khẩu sang Algeria - đã xuất hiện tại Ukraina.

Tuy nhiên, lượng vũ khí tiên tiến được sản xuất còn xa mới đáp ứng đủ nhu cầu của Nga để thay thế kho dự trữ đang cạn kiệt. Các quan chức quân sự Ukraina và phương Tây tin rằng Nga đã sử dụng phần lớn lượng tên lửa dẫn đường chính xác nhất. Việc thiếu phần mềm và thiết bị kỹ thuật dường như cũng đang ngăn cản việc sản xuất máy bay không người lái của Nga.

Những gì Nga thiếu về chất lượng có thể bù đắp một phần bằng số lượng với việc tái tạo và nâng cấp vũ khí thời Liên Xô cũ. Nga đang hiện đại hóa khoảng 90 xe tăng cũ mỗi tháng bằng cách trang bị các hệ thống liên lạc và điện tử mới.

Thách thức về nhân lực

Một thách thức khác là tìm đủ nhân lực để duy trì cuộc xung đột. Theo công ty kiểm toán FinExpertiza, tính đến tháng 12/2022, số lượng người Nga dưới 35 tuổi đang làm việc đã giảm 1,3 triệu người. Tình trạng thiếu công nhân diễn ra phổ biến. 

Vào tháng 12/2022, Ngân hàng trung ương cho biết một nửa số công ty được khảo sát đang gặp khó khăn trong việc tìm đủ nhân viên. Cứ mỗi người thất nghiệp thì có 2,5 vị trí cần tuyển dụng, tỷ lệ này cao gấp đôi Mỹ. Tiền lương đang tăng nhanh. Các chuyên gia, chẳng hạn như kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) và luật sư, đặc biệt khan hiếm. Tình trạng thiếu lao động là chủ đề chính tại một cuộc họp gần đây của Hiệp hội doanh nhân Nga.

Tình trạng thiếu lao động cũng gây khó cho việc tuyển quân nhân. Quân đội hiện đang gửi thông báo nhập ngũ và động viên qua email, ngoài bản giấy, để mọi người khó giả vờ rằng họ không biết về những thông tin này. Lính quân dịch không được phép rời khỏi đất nước. 

Tuy nhiên, với các biện pháp mạnh tay, Nga sẽ không gặp khó khăn trong việc có đủ số quân. Đất nước không phải đã sắp hết thanh niên: trước xung đột, có khoảng 17 triệu thanh niên. Tuy nhiên, nhiều người ở tiền tuyến hơn có nghĩa là ít người hơn trong các văn phòng và nhà máy.

Nhìn lại kinh tế Nga: Những thách thức thực sự (bài cuối) - Ảnh 2.

Binh lính Nga.

Nỗ lực duy trì ổn định xã hội

Thành tựu kinh tế thứ ba của Chính phủ Nga là duy trì mức sống của người dân. Năm ngoái, Nga đã chi thêm 3% GDP để kích thích nền kinh tế. Ngoài chi tiêu cao hơn cho quân đội, Chính phủ còn hỗ trợ dưới hình thức viện trợ kinh tế cho các công ty dân sự: tài trợ trực tiếp cho các công ty, các khoản vay được trợ cấp, đầu tư chung... 

Chi tiêu ngân sách bao gồm nhiều hạng mục trong số này tăng 20% vào năm 2022, lên 4.300 tỷ ruble, và từ tháng Một đến giữa tháng Ba năm nay tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng đang được yêu cầu giãn nợ cho các công ty vay nợ. Năm 2022, tỷ lệ thất bại trong kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm.

Năm ngoái, chi tiêu cho an sinh xã hội của Nga cũng tăng từ 6.000 tỷ ruble lên 7.000 tỷ ruble, chiếm 4,5% GDP của nước này. Tuy nhiên, theo cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Vladimir Milov, Chính phủ liên bang chỉ chiếm một phần trong tổng chi tiêu xã hội. 

Quỹ hưu trí - một cơ quan độc lập trên danh nghĩa- mới đây đã đổi tên thành Quỹ xã hội - cũng đang phát tiền mặt cho những người về hưu, các bà mẹ, người khuyết tật, .., và các chính quyền khu vực cũng đang làm như vậy.

Bà Maria Snegovaya tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSI)S lưu ý rằng các khoản trợ cấp dành cho các khu vực bầu cử quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin, chẳng hạn như các gia đình có nhiều con, người nghèo và người già, đang tăng.

Tất cả điều này có thể giải thích tại sao xung đột không ảnh hưởng nhiều đến mức sống của người Nga. Giá tiêu dùng tăng 12% trong năm ngoái, phần lớn do đồng ruble mất giá vào mùa Xuân. Lương trung bình tại các công ty vừa và lớn, bao gồm nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước, tăng nhẹ vào năm ngoái sau khi đã tính tới lạm phát. Giá trị tiền tiết kiệm của người dân chỉ giảm nhẹ, theo thống kê của Ngân hàng trung ương. Lạm phát giảm trở lại mức 3,5% trong tháng 3.

Nhìn chung, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt. GDP thực tế chỉ giảm 2-3% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức giảm 10-15% mà nhiều nhà kinh tế đã dự đoán. Chỉ số hoạt động hiện tại của ngân hàng Goldman Sachs tương quan chặt chẽ với số liệu GDP chính thức trước xung đột, cho thấy Nga đã thoát khỏi suy thoái khoảng một năm trước. Hầu hết các nhà dự báo tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong năm nay.

Tất cả điều này cho thấy cuộc xung đột có thể diễn ra trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, mở rộng xung đột lại là vấn đề khác. Một số người cánh hữu đang kêu gọi Nga chi hơn một vài phần trăm GDP cho cuộc xung đột. Xét cho cùng, Nga đã chấp nhận xung đột tổng lực trước đây, kể cả vào năm 1942 và 1943, khi nước này chi 60% GDP cho quân đội, một con số đáng kinh ngạc.

Nhưng thật khó để thấy làm thế nào Nga có thể làm được điều này trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế và duy trì mức sống. Vấn đề đầu tiên sẽ là huy động tiền nhanh chóng. Không phải tất cả tài sản của Quỹ đầu tư quốc gia đều có tính thanh khoản. 

In tiền sẽ làm tăng lạm phát, khiến đồng ruble mất giá và làm xói mòn mức sống mà chính phủ đã rất nỗ lực để duy trì. Chất đống nợ công khổng lồ lên các ngân hàng chỉ sau một đêm có thể gây tác động tương tự, làm dấy lên nghi ngờ về việc nền kinh tế đang được quản lý tốt như thế nào. Tăng thuế hoặc thay đổi lớn trong chi tiêu công cho quốc phòng cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân. 

Và bất kỳ biện pháp nào trong số này sẽ làm suy yếu trạng thái bình tĩnh, kiểm soát và ổn định mà Tổng thống Putin đang nỗ lực duy trì. Tổng thống Putin mới đây cho biết: "Tất nhiên, quốc phòng là ưu tiên hàng đầu, nhưng khi giải quyết các nhiệm vụ chiến lược trong lĩnh vực này, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ và không nên phá hủy nền kinh tế của chính mình".

Không rõ liệu việc chi nhiều tiền hơn có đạt được kết quả mong muốn hay không. Nền kinh tế Nga đã trở nên tập trung hơn, nhưng không phải là bộ máy chỉ huy và kiểm soát có kế hoạch như thời Xô viết. Nỗ lực này sẽ làm trầm trọng thêm các "nút thắt cổ chai" vốn đã hạn chế lĩnh vực quân sự của Nga, như việc máy móc, thiết bị chịu lệnh trừng phạt và việc thiếu công nhân lành nghề.

Do đó, việc cố gắng giải quyết mọi việc ở Ukraina có vẻ không khả thi. Báo cáo của CSIS khẳng định: "Xét đến các khả năng và hạn chế hiện nay của Nga, nước này có thể sẽ lựa chọn một chiến dịch tiêu hao tài sản với nhịp độ chậm hơn ở Ukraina". Tổng thống Putin đã thành công trong việc bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi những tác động tồi tệ nhất của xung đột và lệnh trừng phạt, nhưng theo cách khó có thể giành chiến thắng.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG