Những lưu ý đặc biệt về bão số 9 đang tiến nhanh vào miền Trung

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho thấy, bão số 9 di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ đêm ngày 27/10.

Chiều 26/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thuỷ văn) thông tin về diễn biến và nhận định, dự báo về cơn bão có tên quốc tế là Molave đi vào Biển Đông (cơn bão số 9 ). Đây có thể là cơn bão mạnh nhất trong mùa mưa bão năm 2020.

Ba điểm đáng chú ý của bão số 9

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ban hành bản tin khẩn cấp về bão số 9. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong 24-48 giờ thì phải phát tin bão khẩn cấp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn dự báo cấp độ rủi ro thiên tai với bão số 9 là cấp 4 trong 5 cấp phòng chống thiên tai. Đây là cấp Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, và sáng 26/10 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp, trực tiếp chỉ đạo.

Theo ông Lâm, dự báo ngày 28/10, bão số 9 mới vào sát bờ, nhưng từ đêm 27/10 đã có mưa to, gió giật. Vì vậy, rất lưu ý về công tác phòng chống, chằng chống nhà cửa, lồng bè và di dân cần thực hiện sớm trong ngày 27/10.

Đường đi và vị trí cơn bão
Đường đi và vị trí cơn bão

Về diễn biến của bão số 9, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, đây có thể cơn bão mạnh nhất, lớn nhất kể từ đầu mùa mưa bão năm nay. Đến chiều 26/10, Trung tâm xác định bão số 9 có cường độ cấp 12, giật cấp 15.

Ông Năng nêu 3 đặc điểm từ cơn bão số 9 và nhấn mạnh cần phải đặc biệt lưu ý: Thứ nhất, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh. Thứ hai, cơn bão này có cường độ rất mạnh. Thứ ba, phạm vi ảnh hưởng diện rộng trên Biển Đông, hầu khắp Biển Đông sẽ chịu tác động vừa trực tiếp từ cơn bão, vừa kết hợp với không khí lạnh, gây gió mạnh. 

Theo ông Năng, cơn bão số 9 di chuyển nhanh, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi, vùng biển ven bờ từ rất sớm.

“Từ chiều 27/10 cảnh báo gió mạnh ở vùng biển ngoài khơi. Bắt đầu từ đêm mai bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ", ông Năng thông tin.

Bão số 9 gây tổ hợp liên hoàn các tác động

Đáng lưu ý, theo ông Trần Quang Năng, hệ quả từ cơn bão số 9 sẽ là tổ hợp liên hoàn các hệ quả, đó là gió mạnh, sóng lớn trên biển. Sau khi đổ bộ sẽ đến nước biển dâng, mưa lớn trong đất liền, gió mạnh trong đất liền, mưa lũ trên các sông, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

"Nguy cơ về gió mạnh trên biển, chúng tôi nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, trên Biển Đông có thể tới cấp 13, giật trên cấp 15, toàn bộ vùng giữa Biển Đông, bao gồm từ phía Bắc quần đảo Trường Sa đến phía Nam quần đảo Hoàng Sa là khu vực trọng tâm có gió mạnh từ cấp 11-13, giật cấp 15", ông Năng cho hay.

Những lưu ý đặc biệt về bão số 9 đang tiến nhanh vào miền Trung

Cũng theo ông Năng, khi vào gần bờ, cường độ bão số 9 tiếp tục duy trì cấp 11, 12, giật cấp 14. Vùng trọng tâm có gió mạnh cấp 11, 12 là vùng biển từ Đà Nẵng - Phú Yên. Cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, kết hợp với gió đông bắc, khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, cảnh báo gió đông bắc cấp 8, 9, giật cấp 11.

Về nguy cơ sóng lớn, không chỉ Việt Nam mà cả những cơ quan dự báo trên thế giới đều cho kết quả dự báo sóng cao.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá cơn bão số 9 với cường độ cấp 12, 13 trên Biển Đông sẽ gây ra những đợt sóng cao, cao nhất có thể tới 10 m ở Biển Đông. Khi đi sâu vào vùng biển Trung bộ, độ cao sóng cũng ít suy giảm, vì đây là khu vực biển thông thoáng, không có nhiều "điểm" che chắn, độ sâu biển lớn, rộng nên mức độ giảm sóng không lớn.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Bình - Phú Yên sóng cao 4-7 m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8 m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.

Về nguy cơ nước dâng, mặc dù nhiều khu vực không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước dâng do bão từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho hay trong vòng nửa đầu tháng 11/2020 có thể xuất hiện 1-2 cơn bão nữa trên biển Đông. Và ngay sau bão số 9 có khả năng lại có ngay cơn bão số 10.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão. Chủ động bố trí lực lượng phương tiện tại những nơi sung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu.

 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển tránh trú, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Hướng dẫn xắp xếp neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; sơ tán người ở vùng ven biển, trên các lồng bè nuôi thủy sản...

Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; duy trì lực lượng, phương tiện, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn. Phòng không - Không quân sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5 chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật với diễn biến bão, mưa lũ, phối hợp triển khai công tác ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”; giúp chính quyền các địa phương chằng chống nhà cửa, kịp thời sơ tán nhân dân ở khu vực nguy cơ đến nơi an toàn.

Tiếp tục bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ - cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

(Nguồn: Chính Phủ)

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương