Với những ai yêu sách thì những tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển giống như một người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời.
Sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, mang đến cho người đọc những bài học về cuộc sống, về giá trị của con người, giúp mỗi người sống tích cực hơn. Những ngày này, khi người dân cả nước đang hạn chế ra ngoài để tăng cường chống dịch bệnh Covid-19, thì ở nhà đọc một cuốn sách hay, mang nhiều giá trị nhân văn có lẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai yêu sách. Hãy cùng Phụ nữ Mới đến với một vài cuốn sách trong kho tàng văn học kinh điển của nhân loại.
1. Jane Eyre - Charlotte Bronte
Là cuốn sách kinh điển nổi tiếng của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte, xuất bản năm 1847, trải qua hơn 170 năm, tác phẩm này vẫn lay động hàng triệu trái tim bạn đọc.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời Jane Eyre - một cô gái có tuổi thơ nghoèo khó, bất hạnh. Cô sống cùng bà mợ cay nghiệt, rồi bị gửi vào trường Lowood với cuộc sống thiếu thốn và luôn bị ruồng rẫy. Sống trong xã hội ấy Jane Eyre luôn ý thức phải vươn lên để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô phản kháng lại những bất công, định kiến của xã hội, đấu tranh với những phũ phàng của số phận để bảo vệ phẩm giá của mình. Cô tìm được vị trí cho mình bằng sự lao động lương thiện.
Cuộc sống không dễ dàng nhưng Jane Eyre luôn kiên cường đấu tranh để khẳng định vản thân mình. Dù vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cô cũng luôn gìn giữ phẩm giá cao đẹp của mình. Dù khi làm gia sư ở dinh thự Thornfield hay khi bất ngờ được nhận khối tài sản thừa kế rất lớn Jane Eyre vẫn luôn là chính mình. Jane Eyre luôn độc lập, không chấp nhận thân phận tầm gửi mà xã hội thời đó định ra cho người phụ nữ. Dù yêu ông chủ Rochester nhưng cô lựa chọn sự ra đi khi cảm thấy thứ tình yêu đấy là không đúng. Nhưng cuối cùng, cô quay trở về với tình yêu đích thực của mình khi Rochester đã trở thành một kẻ tật nguyền. Đấy là một thứ tình yêu vị tha, không vụ lợi, một thứ tình yêu hoàn toàn tự nguyện và thuần khiết không vì nhan sắc, địa vị hay tiền bạc. Cái kết của mối tình ấy đẹp đẽ, nồng nhiệt biết bao, vượt qua mọi ranh giới và rào cản.
“Tôi không phải là chim, không có chiếc lồng nào có thể bẫy được tôi. Tôi là một người tự do, với một ý chí độc lập”. Jane Eyre luôn suy nghĩ và hành động như vậy nên cuối cùng đã tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.
2. Tội ác và trừng phạt - Fyodor Mikhailovich Dostoevsky
Là tác phẩm của của bậc thầy văn học Nga - Dostoevsky, “Tội ác và trừng phạt” là bức tranh thu nhỏ của xã hội Nga thế kỷ 19. Xoay quanh cuộc đời Raxcolnicov- một sinh viên trường luật thông minh sắc sảo tại Peterburg, Dostoevsky đã mang đến cho bạn đọc một tác phẩm thấm đẫm giá trị nhân văn cao đẹp.
Raxcolnicov - chàng sinh viên đầy hoài bão và lý tưởng, luôn khát khao cống hiến cho xã hội, chiến đấu vì công lý. Nhưng cuộc sống không tiền, không quyền trong một xã hội mà đồng tiền chi phối đã trói buộc những ước mơ cao đẹp ấy. Raxcolnicov phải bỏ học, đi làm thuê. Em gái Raxcolnicov – Dunia xinh đẹp và thông minh phải đi làm gia sư cho gia đình lão Xvidrigailov giàu có trong vùng. Lão Xvidrigailov nổi máu nhục dục trước vẻ đẹp thuần khiết của Dunia khiến cô phải bỏ việc gia sư và định chấp nhận mối lái làm vợ Pyotr Petrovich Luzhin (Luzhin), một viên quan cao cấp ngành Toà án ở Thủ đô. Cuộc sống bị đẩy đến túng quẫn đã ra tay giết hại hai chị em bà lão cầm đồ. Sau cái chết của họ, vì phải che giấu tội lỗi, Raxcolnicov phải sống trong bóng tối của u ám và bế tắc, tuyệt vọng, lương tâm anh bị dày vò lục vấn khiến anh héo mòn từng ngày.
Rồi Raxcolnicov gặp gỡ Sonya - một cô gái nghèo nhưng tốt bụng và có tấm lòng bao dung. Cô phải bán thân để cứu cả gia đình, để có tiền mua thức ăn cho các em. Sonya luôn ở bên cạnh Raxcolnicov và quyết một lòng chờ đợi, dù biết chàng là một kẻ đã giết người. Raxcolnicov còn có rất nhiều người khác luôn quan tâm, giúp đỡ. Nhờ sự ấm áp, cao quý của tình bạn, tình người, nhờ những tấm lòng bao dung, nhân hậu, Raxcolnicov dần nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời và quyết tâm ra đầu thú để thoát khỏi những dày vò trong tâm hồn.
“Tội ác và trừng phạt” là một bài ca tuyệt đẹp chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người. Dù suốt tác phẩm là những nỗi thống khổ của con người, nhưng vẫn thấy sáng lên những ước vọng, hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ. Con người, nếu biết nhìn vào những mặt tốt của nhau thì xã hội sẽ bớt đi rất nhiều điều xấu xa. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ cần có tình yêu thương con người sẽ vượt qua những tối tăm để sống đẹp đẽ hơn. Tình người là ánh sáng để kéo con người ra khỏi vũng bùn đen của tội ác.
Xuất bản lần đầu tiên năm 1866, cho đến nay “Tội ác và trừng phạt” vẫn luôn là kiệt tác khắc hoạ sâu sắc tính người, giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống xã hội. Cuốn tiểu thuyết này được Tạp chí Times bình chọn là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.
3. Không gia đình - Hector Malot
Với những người yêu sách, có lẽ không ai chưa từng nghe đến tác phẩm này. Remy - nhân vật chính trong “Không gia đình” bị bắt cóc và bỏ rơi bên đường từ khi còn nhỏ. Cậu bé được gia đình má Barberin nhận nuôi. Cuộc sống những ngày trong vòng tay chăm sóc của má Barberin là những ngày thực sự vui vẻ và hạnh phúc dù cuộc sống không lấy gì làm dư dả. Rồi tai họa ập xuống khi người chồng của má bị tai nạn trong lúc làm việc. Cậu bé bị bán đi nhưng may mắn được vào gánh xiếc rong của cụ Vatilis. Hai người rong ruổi khắp mọi miền của nước Anh và Pháp để kiếm sống.
Sống cùng cụ Vatilis, Remy được cụ dạy bảo phải luôn sống thiện lương, ngay thẳng, yêu lao động và sống bằng những gì do chính mình làm ra mà không cần dựa dẫm vào ai.Trong những tháng ngày cùng gánh xiếc rong cậu bé đã trải qua biết bao đau khổ và biến cố. Cuộc sống khổ cực và thiếu thốn, thậm chí có những lúc bị hàm oan phải vào tù nhưng Remy, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vẫn luôn giữ tâm hồn trong sáng, lương thiện, nhân hậu, ân nghĩa, thương những hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Cuối cùng, như một sự đền đáp cho những người có tâm hồn đẹp đẽ, cao thượng, Remy đã tìm thấy mẹ, được đoàn tụ với gia đình và sống hạnh phúc cùng Lise.
Xuất bản từ năm 1878, hơn 100 năm qua “Không gia đình” vẫn luôn có sức hút với bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Thông qua tác phẩm Hector Malot ca ngợi vẻ đẹp của con người trong lao động cũng những đời sống. Dù khó khăn, nhưng những người cùng hoàn cảnh luôn biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau để vượt qua hoạn nạn. Hạnh phúc là món quà vô giá dành cho những ai không ngừng phấn đấu và tìm kiếm. Hãy mở rộng tấm lòng và san sẻ yêu thương, lúc ấy những gì mà chúng ta nhận được sẽ là những gì tốt đẹp nhất.
4. Giết Con Chim Nhại - Harper Lee
Đây là tác phẩm nổi tiếng, cũng là tác phẩm duy nhất được xuất bản của nhà văn Harper Lee. Với đề tài về nạn phân biệt chủng tộc, trọng nam khinh nữ, những định kiến khắt khe của xã hội tại Mỹ được kể lại dưới góc nhìn của cô bé 9 tuổi Scout.
“Giết con chim nhại” lấy bối cảnh ở miền Nam nước Mỹ vào những năm 1930 với nạn phân biệt chủng tộc nặng nề. Câu chuyện được kể bởi cô bé Scout, 8 tuổi, xoay quanh cuộc sống của cô với người anh trai lớn hơn 4 tuổi tên Jem và người cha Atticus Finch - một luật sư. Ông là người đứng lên bảo vệ Tom Robinson - một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Chính điều này đã đem đến những rắc rối đến ba bố con họ. Cuối cùng, trải qua tất cả thì cha con, tình người vẫn luôn sáng lấp lánh.
Gần 60 năm từ ngày đầu ra mắt, cho đến nay “Giết con chim nhại” vẫn có một sức hút mãnh liệt với mọi độc giả và lứa tuổi. Những trò nghịch ngợm, khám phá thế giới xung quanh của anh em Scout và cậu bạn khiến bất kỳ ai cũng thấy tuổi thơ mình trong đó. Sự ấm áp của tình cha con nhà Atticus khiến bất kỳ độc giả nào cũng cảm thấy cần thương yêu và gần gũi với những người thân yêu của mình nhiều hơn nữa. Và đặc biệt, nhưng thông điệp yêu thương mà tác giả gửi gắm vào từng trang sách khiến bạn đọc luôn dành cho “Giết con chim nhại” một vị trí xứng đáng trong tim mình. Trên thế giới này, không có gì đẹp hơn tình người trong cuộc sống, như cô bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.
5. Carol - Patricia Highsmith
Cuốn tiểu thuyết về đề tài tình yêu này chạm đến nội dung khá nhạy cảm ở nước Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ 20 - tình yêu đồng tính. Carol - một phụ nữ giàu có chuẩn bị ly dị chồng vì cảm thấy không hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình tình cờ gặp cô nhân viên thu ngân Therese - người phụ nữ luôn mơ ước trở thành nhà thiết kế sân khấu. Dù lúc ấy Therese đang yêu Richard nhưng cô nhận ra rằng, sau chừng ấy thời gian bên anh “Cô vẫn không yêu anh, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ yêu được anh, dù sự thật là cô thích anh hơn bất kỳ người nào mà cô từng biết, chắc chắn là yêu hơn mọi người đàn ông mà cô từng quen”. Chỉ đến khi gặp Carol cô biết rằng đây mới chính là tình yêu mình chờ đợi bấy lâu nay. Đấy là một thứ tình yêu mà cả hai không thể cắt nghĩa nhưng thật ngọt ngào, lãng mạn.
Hai người phụ nữ với hoàn cảnh và tính cách đối lập nhau. Carol độc lập từng trải, giàu có và quyết đoán trong khi Therese ngây thơ, mộng mơ và sống khá khép kín và phải bươn chải lo cuộc sống từng ngày. Hai con người ấy, tưởng chừng chẳng có điểm chung nào, nhưng họ lại tìm được hạnh phúc nơi nhau bởi khi ở bên nhau mọi bế tắc trong tình cảm được giải tỏa.
Xuất bản năm 1952 - khi cả xã hội vẫn còn cái nhìn định kiến và cay nghiệt với người đồng tính, “Carol” là một bước đi táo bạo và đến nay vẫn được xem là tác phẩm kinh điển về đề tài này. Dù viết ra trong khi đề tài tình yêu đồng tính còn chưa được xã hội chấp nhận nhưng khác với nhiều tác phẩm khác có kết thúc buồn thảm, bi thương, Carol mở ra cho những cặp đồng tính nữ những hy vọng về tình yêu và cái nhìn cảm thông của xã hội.
Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu sắc, Carol mang đến cho bạn đọc cái nhìn đầy nhân văn với những mối tình đồng giới. Tình yêu là thứ diệu kỳ, đẹp đẽ nhất mà tạo hóa ban cho con người. Ai cũng có quyền yêu và được yêu “Dù bạn là người đồng giới hay dị giới, bạn vẫn xứng đáng được trân trọng và có được tình yêu. Khi tìm được tình yêu đích thực, mọi khó khăn đều trở nên vô nghĩa…”.
Dương Tường hoàn thành bản dịch truyện "Kiều" sang tiếng Anh: "Bây giờ tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”
Vì tình yêu với tiếng Việt và đặc biệt là truyện "Kiều" dù mắt đã lòa, dịch giả Dương Tường vẫn quyết tâm chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Anh.