Nikkei Asia: Sự tự mãn đang nhấn chìm 'hàng phòng thủ' COVID-19 của châu Á

Theo Nikkei Asia, quá trình đột biến sinh học của virus kết hợp với sự tự mãn và chủ quan trong công tác phòng dịch là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát COVID-19 mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khi đại dịch bùng phát lần đầu vào năm 2020, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành "tấm gương" sáng với ý chí và kỷ luật phòng dịch, mặc dù có ít nguồn lực hơn nhiều so với các quốc gia giàu có phương Tây. Tuy nhiên, một năm sau, ý chí đó dường như không còn nữa.

Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, một bộ ba quốc gia Đông Nam Á đã kiểm soát dịch khá tốt vào năm ngoái, đang đối mặt với làn sóng ca bệnh rất đột ngột. Đài Loan, vốn đã sớm đóng cửa biên giới, cũng đang hứng chịu một làn sóng lây nhiễm. Nhật Bản, quốc gia có cách tiếp cận tự do hơn để kiểm soát virus, cũng phải chịu hai tình trạng khẩn cấp vào năm nay.

Ấn Độ: Các chính trị gia phải trả giá cho sự lạc quan sai lầm của mình

Rajinder K. Dhamija, trưởng khoa thần kinh tại Đại học Y Lady Hardinge ở New Delhi, cho biết có 3 điều đã gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ. 

Ông nói: “Đầu tiên, virus đã thay đổi hành vi của nó, khiến một biến thể mới Delta được hình thành. Tiếp theo, mọi người cũng thay đổi hành vi của mình, bắt đầu đến những nơi đông người, ít chú ý đến việc giãn cách và đeo khẩu trang. Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách cũng thay đổi hành vi của họ, tin rằng đại dịch đã kết thúc và cho phép các cuộc biểu tình cũng như tụ tập tôn giáo".

an-do.jpg
Ấn Độ đã tổ chức một loạt các cuộc tụ tập đông người vào tháng 3 và tháng 4, bao gồm các cuộc mít tinh chính trị và lễ hội Kumbh Mela, trong đó hàng triệu người theo đạo Hindu hội tụ bên bờ sông Hằng. Ảnh: Reuters

Ông kết luận rằng, nguyên nhân đại dịch hoặc bệnh do virus bùng phát không chỉ do chính virus đó.

Đất nước này đã chứng kiến ​​một loạt các cuộc tụ tập đông người vào tháng 3 và tháng 4, bao gồm các cuộc biểu tình chính trị với hàng nghìn người tham dự và lễ hội tôn giáo Kumbh Mela, trong đó hàng triệu người theo đạo Hindu đổ về bờ sông Hằng để ngâm mình trong dòng sông. 

Ngay sau đó, vào tháng 4 và tháng 5, Ấn Độ phải "trầm mình" trong làn sóng COVID-19 thứ hai với biến thể Delta dễ lây lan. Hỗn loạn nổ ra khắp nơi khi mọi người giành nhau bình oxy, giường bệnh và thuốc men cho người thân của mình. Các lò hỏa táng và nghĩa trang cũng vậy, phải vật lộn để có thể chứa hàng trăm ngàn thi thể mỗi ngày.

an-do2.jpg
Sự hỗn loạn ngự trị vào tháng 4 và tháng 5 khi người dân nhốn nháo tìm nguồn cung cấp oxy, giường bệnh và thuốc men cho người thân của mình. Ảnh: Reuters

Neha Bhatnagar, một cư dân New Delhi, đã ghé thăm một số bệnh viện ở thủ đô với hy vọng tìm được giường cho người dì bị nhiễm COVID-19 của mình. Cô nói: “Không dễ để mua thuốc vì hầu hết các hiệu thuốc đã hết nguồn cung cấp và sự hỗn loạn có ở khắp mọi nơi".

Abhishek Kumar Sinha, bác sĩ tại trung tâm chăm sóc COVID-19 ở phía đông Bang Bihar, cho biết anh bắt đầu làm việc từ sáng sớm và thường ở lại cơ sở này đến nửa đêm. “Tôi đã tự mình quản lý 50 đến 60 bệnh nhân hàng ngày”, anh nói.

Các chính trị gia đã phải trả giá cho sự lạc quan sai lầm của họ. Trong khi số ca nhiễm virus không ngừng tăng cao, Thủ tướng Narendra Modi vẫn bận rộn vận động cho Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của mình trước các cuộc thăm dò trong khu vực.

thu-tuong-an-do.jpg
Trong khi các ca nhiễm không ngừng tăng cao, Thủ tướng Narendra Modi đã vận động cho Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của mình trước các cuộc thăm dò trong khu vực. Ảnh: AP

Sanjay Kumar, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu các xã hội đang phát triển, cho biết: "Nhiều người cảm thấy ông ấy quan tâm đến việc chiến thắng bầu cử hơn là cứu mạng sống của người dân".

Thủ tướng Modi có một "thời gian hoàn toàn im lặng" khoảng một tháng trong đợt bùng phát thứ hai, mặc dù tình trạng thiếu thuốc men, oxy, giường bệnh ngày càng trầm trọng, Kumar nói.

Ông nói thêm, một điều khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Modi là các nhà lãnh đạo BJP liên tục tuyên bố mọi thứ đều ổn trong khi mọi thứ trên mặt đất là "một mớ hỗn độn".

Thái Lan: Chiến dịch tiêm vaccine không công bằng làm gia tăng khoảng cách xã hội

Thái Lan là một "câu chuyện" thành công về COVID-19 vào năm ngoái, với quân đội đi đầu trong việc đảm bảo biên giới và kiểm soát các địa điểm cách ly. Nhưng các biện pháp này đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế Thái Lan, khiến GDP của nước này giảm 6,1% vào năm 2020, theo Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia.

thai-lan2.jpg
Vào năm ngoái, Thái Lan nổi lên như một câu chuyện thành công về COVID-19 nhưng nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: AP

Bất chấp tỷ lệ tử vong chưa từng có trong tháng qua, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn không nản lòng trước tuyên bố lạc quan rằng, Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng 10. Ông nói, sự lạc quan của ông đến từ các đơn đặt hàng đã được xác nhận đối với vaccine và tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất một liều cho đến tháng 10.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3 nhưng tiến độ diễn ra khá chậm chạp. Đến ngày 7/7, có khoảng 10,7 triệu liều vaccine đã được tiêm cho dân số gần 70 triệu người.

Một nhà quan sát nói với Nikkei Asia: "Chính phủ gặp rất nhiều vấn đề về vaccine. Các quan chức muốn 'nhanh', còn các bác sĩ muốn 'an toàn'".

Thành công của đất nước này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Vua Maha Vajiralongkorn, có đáp ứng mục tiêu sản xuất 10 triệu liều AstraZeneca mỗi tháng cho Thái Lan hay không. Công ty cũng có nghĩa vụ xuất khẩu. Chỉ có 5,37 triệu liều được giao trong nước trong tháng 6 và con số này dự kiến ​​sẽ không vượt quá 6 triệu vào tháng 7, theo một trong các bộ liên quan.

thai-lan3.jpg
Tỷ lệ tử vong ở Thái Lan đã tăng vọt, nhưng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn lạc quan rằng đất nước phụ thuộc vào du lịch sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn cho du khách quốc tế vào tháng 10. Ảnh: AP

Trong khi đó, những người "nhảy" vào hàng đợi tiêm vaccine đang làm gia tăng khoảng cách xã hội ở một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới.

Một công chức đã nghỉ hưu nói với Nikkei Asia: "Có những sự cố thực sự về việc người có 'mối quan hệ' có thể tiêm vaccine cho bản thân và gia đình của họ. Đây không phải là chuyện phiếm. Mọi người thậm chí còn khoe khoang nó một cách công khai trên Facebook".

Việt Nam: Thời gian vàng son đã mất

Mọi thứ đã thay đổi ở nơi mà nhiều người coi là một đất nước quyến rũ. Trong một vài tháng của năm 2020, Việt Nam không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm COVID-19 trong nước nào. Nhưng giờ đây, các nhà chức trách đang thực hiện một đường lối nghiêm ngặt hơn bao giờ hết khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ tư và nguy hiểm nhất. 

Lần đầu tiên hàng nghìn trường hợp xuất hiện tại các khu công nghiệp, bao gồm cả những khu nhà ở của các nhà cung cấp Samsung Electronics và Apple, khiến công nhân phải ngủ tại các nhà máy để hạn chế sự lây lan.

viet-nam.jpg
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát làn sóng COVID-19 thứ tư. Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asia, nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát là sự tự mãn, chậm trễ vaccine, tỷ lệ xét nghiệm thấp và không rõ nguồn lây nhiễm ở những khu vực đông đúc. Các biến thể dễ lây lan hơn cũng đóng một vai trò nhất định.

Theo một nghiên cứu vào tháng 4 được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, phản ứng nhanh của Việt Nam vẫn được coi là hình mẫu trong phòng chống COVID-19, dựa trên việc phong tỏa và nhắn tin cảnh báo cộng đồng.

Nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Khắc Giang của Đại học Victoria Wellington cho biết, số ca nhiễm vẫn sẽ giữ nguyên cho đến khi có vaccine. Ông cho biết, các nhà chức trách chậm tiêm chủng một phần vì họ nghĩ rằng chiến lược loại bỏ "không COVID" sẽ khả quan cho đến khi họ phát triển một loại vaccine trong nước. 

Ông Giang cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cũng đã dành nhiều tháng nỗ lực để chọn ra các lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới, kết quả được xác nhận vào tháng 4.

"Đó là thời gian đã mất, thời gian vàng mà Việt Nam đã mất", ông nói.

Đài Loan: Mức độ hợp tác không cao

Đến giữa tháng 5, Đài Loan đã có tổng cộng khoảng 1.000 trường hợp dương tính, chủ yếu là các ca nhập cảnh. Nhưng khoảng một tháng sau, các ca bệnh đã tăng lên hơn 14.000 ca sau sự cố lây nhiễm giữa các phi công dẫn đến lây lan trong cộng đồng.

Các phi công được cách ly trong một khách sạn sân bay không đủ tiêu chuẩn. Nhân viên khách sạn và các thành viên gia đình của họ đã nhiễm virus. Các nhà chức trách đã phạt hãng hàng không, China Airlines của Đài Loan, và khách sạn Novotel tại Sân bay Quốc tế Đào Viên vì không tuân theo các quy tắc phòng chống dịch bệnh.

taiwan.jpg
Hoạt động của các quán bar "không sạch sẽ" đã cản trở nỗ lực truy vết dịch tễ từng được đánh giá cao của Đài Loan. Ảnh: AFP

Một số chính trị gia đối lập và các chuyên gia y tế cộng đồng đã đổ lỗi cho các nhà chức trách vì đã hạ số ngày cách ly của các phi công chưa được tiêm chủng, từ năm ngày xuống còn ba ngày, vào giữa tháng 4.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CDC) cho biết kể từ ngày 12/6, họ đã áp dụng trở lại chế độ cách ly 5 ngày đối với các thành viên tổ bay chưa được tiêm phòng. Vào ngày 1/7, khoảng thời gian này đã tăng lên 7 ngày.

CDC nói rằng Đài Loan đã kiểm soát hiệu quả các biên giới của mình nhưng chưa cải thiện hiệu quả khả năng phòng thủ trong nước.

"Do trước đây tình hình dịch bệnh được kiểm soát phù hợp, không cần sàng lọc virus với số lượng lớn nên hệ thống giám sát không phát hiện được các ca nhiễm không triệu chứng. Hơn nữa, mức độ sẵn sàng tiêm vaccine của người dân còn thấp", đại diện của CDC trả lời Nikkei.

taiwan2.jpg
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan cho biết hòn đảo này có hiệu quả trong việc kiểm soát biên giới của mình nhưng chưa cải thiện hiệu quả khả năng phòng thủ trong nước. Ảnh: Reuters

Vào tháng 5, các trường hợp dương tính đã xuất hiện liên quan đến các quán bar nhỏ, được cho là "không sạch sẽ", ở quận Wanhua của Đài Bắc. Những quán bar này nổi tiếng với việc có các nữ tiếp viên phục vụ khách hàng lớn tuổi. Do đó, công tác dò tìm người tiếp xúc gặp trở ngại lớn.

CDC cho biết: “Trong vụ việc này, hầu hết mọi người không muốn tiết lộ mối quan hệ của mình ở quán bar và mức độ hợp tác của họ với việc điều tra dịch tễ không cao. Điều này khiến việc truy tìm các nguồn lây nhiễm trở nên khó khăn hơn”.

Campuchia: Hệ thống y tế bị đẩy đến mức giới hạn

Giống như Đài Loan, sự bùng phát ở Campuchia được cho là một phần do ngành công nghiệp tình dục, khiến việc điều tra dịch tễ gặp khó khăn. 

Theo truyền thông địa phương, vào ngày 20/2, hai phụ nữ nhiễm virus đã đi cùng khách quen đến N8, một hộp đêm ở Phnom Penh. Sau đó, nơi này trở thành địa điểm siêu lây nhiễm.

campuchia.jpg
Khi các trường hợp nhiễm bệnh tăng cao, Campuchia đã chuyển đổi một trung tâm tiệc cưới lớn thành một bệnh viện COVID-19 với 1.800 giường. Ảnh: AFP

Hai người phụ nữ này nằm trong số 4 nữ công dân Trung Quốc đến Campuchia từ Dubai, được cho là để hành nghề mại dâm cao cấp. Nhóm này bị cáo buộc đã hối lộ các nhân viên an ninh tại khách sạn Sokha ở Phnom Penh để cho phép họ rời đi vào ngày 8/2 trước khi hoàn thành đợt kiểm dịch bắt buộc kéo dài hai tuần.

Bốn tháng sau khi bùng phát tại N8, câu chuyện thành công của Campuchia đã bị trật đường ray. Trước "sự cố ngày 20/2", Campuchia ghi nhận không đến 500 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong nào. Nhưng sau đó, quốc gia này ghi nhận gần 750 trường hợp tử vong có liên quan đến sự kiện ngày 20/2 và hơn 55.000 trường hợp đã lây lan qua các khu chợ, nhà máy và nhà tù. 

Một quan chức y tế gần đây đã cảnh báo Campuchia sắp vượt qua "lằn ranh đỏ" khi tình trạng nhiễm trùng gia tăng và công nhân nhập cư trở về từ Thái Lan có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Delta.

Khi số ca nhiễm gia tăng, hệ thống y tế thiếu thốn của Campuchia bị đẩy đến mức giới hạn. Chính phủ đã chuyển đổi một trung tâm tiệc cưới lớn thành một bệnh viện COVID-19 với 1.800 giường. Các cơ sở khác cũng đã được yêu cầu tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm virus.

Michael Thigpen, một nhà dịch tễ học ở Phnom Penh, cho biết yếu tố chính khiến các nhà chức trách không thể nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát là biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn 75%.

campuchia2.jpg
Chương trình tiêm chủng của Campuchia đã cung cấp ít nhất một mũi cho hơn 3 triệu người, sử dụng chủ yếu là vaccine Sinovac và Sinopharm. Ảnh: AFP

Tuần trước, Campuchia đã ghi nhận 1.130 trường hợp trong một ngày, con số cao nhất trong 24 giờ của nước này, theo sau đó là ngày có số ca nhiễm cao thứ hai. Thigpen cho biết các biện pháp mà chính phủ thực hiện như kiểm tra tích cực và truy vết đã giúp tránh bùng phát dịch bệnh, nhưng tình hình vẫn "rất hỗn loạn".

"Đáng lo ngại là tình trạng nhiễm trùng ngày càng xuất hiện nhiều bên ngoài các thành phố, nơi có ít nguồn lực và tầm nhìn hơn", ông nói thêm.

Campuchia đã tiêm phòng ít nhất một mũi cho hơn 3 triệu người, chủ yếu là mũi Sinovac và Sinopharm, cùng với một số vaccine AstraZeneca do một chương trình của Liên hợp quốc hỗ trợ.

Ông Thigpen nói: “Điều thực sự tích cực về phản ứng của Campuchia là quốc gia đang hoạt động tốt với việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng".

Nhật Bản: Thành công vì không có chiến lược

Kentaro Iwata, một giáo sư tại Đại học Kobe, cho biết Nhật Bản ban đầu đã thành công trong việc quản lý nhiễm trùng thông qua truy tìm tiếp xúc, nhưng phản ứng của nước này trở nên lung lay trong nửa cuối năm 2020. Chính phủ đã phát động các chiến dịch thúc đẩy du lịch trong nước và ăn uống. Những chiến dịch này sau đó bị chỉ trích vì làm lây lan dịch bệnh.

Tokyo đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 8/1 đến ngày 21/3 và một lần nữa trong khoảng thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 20/6.

japan.jpg
Chính phủ Nhật Bản đã bị chỉ trích vì trợ cấp cho việc đi lại và ăn uống trong nhà hàng trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: Koji Uema

"Tình trạng khẩn cấp tuyên bố vào tháng 1 được cho là đến quá muộn đối với các khu vực như Tokyo", Koji Wada, giáo sư tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, nói. Iwata cũng nói thêm rằng chính phủ đã nới lỏng các hạn chế quá sớm vào tháng 3, khi tỷ lệ nhiễm trùng vẫn còn khá cao.

Iwata nói, “không có chiến lược nào ở Nhật Bản” vì nước này chỉ đơn thuần phản ứng với các sự kiện.

Sự kiện mà mọi người quan tâm sắp tới là Thế vận hội, được khai mạc tại Tokyo vào ngày 23/7. Việc tiến hành cuộc thi thể thao không được công chúng Nhật Bản hoan nghênh vì lo ngại rằng đây có thể là một sự kiện siêu lây nhiễm.

Châu Á - Thái Bình Dương đang trông chờ vào vaccine

Nhìn chung trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hành động nhanh chóng, dứt khoát với COVID-19 đã giúp các quốc gia kiểm soát sớm virus. Tuy nhiên, đa phần các chính phủ đều thất bại trong việc nhanh chóng tiếp cận với vaccine.

Thành công ban đầu của Nhật Bản trong việc kiểm soát virus cũng có thể khiến nước này tự mãn về vaccine. Không giống như một số quốc gia sử dụng ủy quyền khẩn cấp để xúc tiến việc cung cấp vaccine, hệ thống pháp luật của Nhật Bản không cho phép như vậy.

Các thử nghiệm phải được tiến hành ở Nhật Bản, ngay cả đối với các vaccine do Pfizer hoặc Moderna phát triển đã được thử nghiệm rộng rãi ở các nước khác.

nhat-ban.jpg
Thành công ban đầu của Nhật Bản trong việc kiểm soát virus có thể khiến nước này tự mãn khi xúc tiến việc triển khai vaccine. Ảnh: Rie Ishii

Ken Ishii, giáo sư khoa học vaccine tại Đại học Tokyo, cho biết: “Những người gặp vấn đề sau khi tiêm chủng có thể kiện chính phủ hoặc thậm chí các cá nhân, chẳng hạn như các quan chức có trách nhiệm trong bộ Y tế. Do đó, việc phê duyệt và triển khai vaccine tiềm ẩn nhiều rủi ro và không ai muốn bị đổ lỗi cả".

Ở những nơi khác, các chính phủ đưa ra sáng kiến nhưng công chúng không mấy quan tâm. Tại Hồng Kông, có lẽ là nơi dễ dàng tiêm vaccine nhất ở châu Á, nhiều người dân không muốn tiêm vaccine do họ không tin tưởng vào chính phủ và lo lắng về tác dụng phụ. Mặt khác, thành phố 7,5 triệu dân này chỉ ghi nhận 4 trường hợp lây nhiễm tại địa phương trong khoảng thời gian hơn hai tháng.

Hiện tại, những quốc gia thành công nhất được cho là những quốc gia tiến xa nhất về tiêm chủng. Nhưng như chúng ta đã thấy, thành công có thể tạo ra sự tự tin thái quá. 

Cụ thể, Anh đang trải qua một làn sóng ca bệnh hàng loạt, mặc dù chiến dịch tiêm chủng rất thành công. Tin tức tích cực là tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 thấp và chính phủ đang có kế hoạch chấm dứt hầu hết các hạn chế vào ngày 19/7. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể dẫn đến một bước nhảy vọt về số ca nhiễm.

Cuối cùng, đại dịch đã dạy cho chúng ta một bài học rất khắc nghiệt: Sự tự mãn thường dẫn đến thất bại.

NHẬT SANG