Nợ nghi ngờ mất vốn tăng "sốc", ngân hàng lo sợ

Bức tranh nợ xấu của ngân hàng hé lộ rõ hơn trong báo cáo tài chính quý III. Nhưng điểm đáng chú ý về nợ xấu trong nhiều bản báo cáo kết quả kinh doanh kỳ này của các ngân hàng là nợ nghi ngờ mất vốn tại không ít nhà băng tăng cực mạnh.

 

Theo giới phân tích, áp lực đối với ngân hàng trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi. Một chuyên gia trong lĩnh vực bày tỏ, kết quả kinh doanh của ngân hàng 9 tháng đầu năm cơ bản vẫn tốt phần lớn do dư địa của 6 tháng đầu năm.

Nửa cuối năm, đặc biệt là 3 tháng cuối cùng, các vấn đề, trong đó có nợ xấu, có thể sẽ được phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh và điều đó chính là áp lực của các ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn.

Một chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán ở Hà Nội bình luận, câu chuyện quá hạn một ngày đã bị chuyển nhóm nợ không còn là chuyện mới. Các quy định cũ của cơ quan quản lý như Thông tư 01, 03 cũng đã nêu vấn đề này.

Theo vị này, việc nợ nghi ngờ tăng mạnh tại một số ngân hàng mà lại không phải những ngân hàng lớn có thể liên quan đến phần nợ đã bán chưa thu tiền. Thông thường, trước đây, một số ngân hàng quy mô vừa, nhỏ sẽ lách bằng cách bán nợ đi khi đến kỳ báo cáo để có phần số đẹp hơn trên báo cáo tài chính.

Nhưng bây giờ, theo quy định mới của Thông tư 11 là kể cả nợ bán chưa thu tiền vẫn phải được phân loại thì phương thức trên không còn hiệu quả nữa. Nợ xấu tại một số bên tăng "sốc" cũng có thể từ nguyên nhân đó.

Còn với nợ nghi ngờ mất vốn tăng mạnh, vị này nhận định nhiều khả năng do các khoản đã được tái cơ cấu theo Thông tư 01, 03 nhưng hết hạn và ngân hàng không tái cơ cấu nữa, khách không trả được thì nợ bị nhảy nhóm.

Tại LienVietPostBank (mã chứng khoán: LPB), tính đến 30/9, nợ nghi ngờ mất vốn đã tăng 2,7 lần so với đầu năm, từ hơn 356 tỷ đồng lên hơn 974 tỷ đồng. Hay tại một nhà băng khác là VietBank, nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng gần 2,6 lần, từ 91,3 tỷ đồng lên gần 236,6 tỷ đồng sau 9 tháng.

Trong nghiệp vụ ngân hàng, nợ được gọi là nợ xấu bao gồm các loại nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn, nợ có khả năng mất vốn. Xếp theo cấp độ nguy hiểm và tỷ lệ trích lập dự phòng cũng phải tương ứng thì nợ có khả năng mất vốn là nguy hiểm nhất, sau đó đến nợ nghi ngờ, rồi nợ dưới tiêu chuẩn.

Nợ nghi ngờ mất vốn là các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày tới 360 ngày. Nếu quá từ 91 ngày tới 180 ngày, nợ xấu lại thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn. Điều này đồng nghĩa với việc khoản nợ quá hạn một ngày đã bị chuyển nhóm. Ngoài ra, nợ nghi ngờ mất vốn còn là những khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2.

Theo quy tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/10, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu được áp dụng theo tỷ lệ 20-50-100. Tức là nợ dưới tiêu chuẩn phải trích lập 20%. Nợ nghi ngờ mất vốn được trích lập 50%. Nợ có khả năng mất vốn phải được trích lập 100%.

TĨNH KIÊN (Tổng Hợp)

Novavax vượt qua thử nghiệm tại Anh, đang xin cấp phép cho ứng viên vaccine Covid-19

Novavax vượt qua thử nghiệm tại Anh, đang xin cấp phép cho ứng viên vaccine Covid-19

Vaccine ngừa Covid-19 của Novavax đã được chứng minh có hiệu quả 96,4% chống lại chủng virus ban đầu.