Nửa đầu tháng 4, Việt Nam xuất khẩu hơn 15.000 tấn tiêu

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và Đông nam bộ dao động trong khoảng 65.500 - 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, nửa đầu tháng 4/2021, Việt Nam xuất khẩu hôn 15.000 tấn tiêu các loại.

Cụ thể, tại Gia Lai là 65.500 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 69.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông là 67.000 đồng/kg; tại Đồng Nai là 66.000 đồng/kg; tại Bình Phước là 68.000 đồng/kg.

Như vậy giá tiêu trong nước hôm nay tiếp tục đi ngang.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 125 rupee/tạ, ở mức 39.075 rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 29/4/2021 đến ngày 5/5/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,08 VND/INR.

Giá tiêu Ấn Độ tiếp đà giảm nhẹ trong bối cảnh dịch COVID-19 tại quốc gia này đang ngày càng nghiêm trọng. Vừa qua tiêu đen Malabar của Ấn Độ giá giảm 2% so với tuần trước, trung bình ở mức 5.031 USD/tấn.

11-loai-gia-vi-khong-the-thieu-trong-am-thuc-an-do-phan-2-1.jpg
Giá tiêu trong nước đi ngang.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 4/2021, xuất khẩu hồ tiêu đạt 15.304 tấn, kim ngạch 47,90 triệu USD, đưa tổng số hạt tiêu xuất khẩu trong 3,5 tháng đầu năm 2021 lên 76.296 tấn, kim ngạch đạt 227,94 triệu USD, giảm 21,98% về lượng nhưng tăng 7,32% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.130 USD/tấn, tăng 6,07% so với giá xuất khẩu bình quân tháng 3/2021.Tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu tháng 4 của Việt Nam tối thiểu đạt 34.000 tấn và 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu khoảng 95.000 tấn, (4 tháng đầu năm 2020 là 116,764 tấn).

Vụ thu hoạch tiêu năm nay đang vào giai đoạn kết thúc. Nhiều địa phương đã thu hái xong, bà con đang lo rửa cây, hãm nước… chuẩn bị vụ tiêu sắp tới, cũng như lo cho cây khi mùa mưa cận kề.

Hiện giá tiêu trong nước vẫn đang đi ngang và có xu hướng giảm từ khi lập đỉnh 80.000 đồng/kg. Về thị trường thời gian tới, có 2 luồng phán đoán trái ngược.

Theo đó, dù sản lượng năm nay của Việt Nam sụt giảm, nhưng nhu cầu sử dụng hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng bình quân 2 – 3%/năm. Còn sản lượng hồ tiêu toàn cầu hàng năm tăng từ 8 – 10%. Điều này cũng đồng nghĩa, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới vẫn lớn hơn cầu rất nhiều. Những người ủng hộ nhận định này dự báo nếu lượng hồ tiêu từ nước ngoài tràn vào, giá tiêu sẽ tiếp tục giảm. Việc đầu cơ, “găm” hàng hiện nay đang ở mức cao và mức giá bán ra có thể giảm mạnh trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia khuyên bà con tiếp tục thận trọng, tránh bán ra ồ ạt vào cuối vụ. Bởi dòng tiền đang bị kẹt trong xuất khẩu tháng 3/2021 sẽ quay trở lại trong vài tuần tới. Thị trường trong nước sẽ được “bơm” lượng tiền lớn. Các đơn vị xuất khẩu lúc này sẽ tăng cường mua nhân lúc giá thấp, điều này sẽ đẩy giá tiêu tăng trở lại. Dự kiến thời điểm này sẽ rơi vào giữa tháng 5/2021.

HẢI MY