Ông Đinh La Thăng hầu tòa tại TP.HCM

Ông Đinh La Thăng được di lý từ Hà Nội vào TP.HCM, để xét xử về sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, trong phiên toà ngày 14/12.

TAND TP.HCM dự kiến xét xử đến ngày 25/12. Ông Đinh La Thăng (60 tuổi, đang thụ án 30 năm tù); cựu thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường; Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và 4 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, mức án 10-20 năm tù, theo VnExpress.

Liên quan vụ án, Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Chủ tọa phiên tòa là Phó tòa Hình sự Huỳnh Văn Trực. Ngoài HĐXX 5 người còn có thẩm phán dự khuyết Nguyễn Văn Hậu. Giữ vai trò công tố là kiểm sát viên Nguyễn Mạnh Thường, Lê Hữu Ngọc, Tô Hữu Thông, Ngô Phạm Việt và Trần Thị Liên. Trong đó có 2 công tố viên dự khuyết.

Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập 24 công ty, cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bộ GTVT được xác định là bị hại trong vụ án.

Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan. Riêng ông Thăng có 6 luật sư.

Ông Đinh La Thăng trong lần ra tòa tại Hà Nội năm 2018. Ảnh: TTXVN
Ông Đinh La Thăng trong lần ra tòa tại Hà Nội năm 2018. Ảnh: TTXVN

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Dự án đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, bị cáo Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và có những chỉ đạo bất thường.

Bị cáo Đinh La Thăng đã giới thiệu, đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Cáo trạng xác định, bị cáo Đinh La Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí. Bị cáo chỉ đạo để cho công ty của Đinh Ngọc Hệ là doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Quá trình thực hiện, bị cáo Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật để cho Công ty Yên Khánh của bị cáo Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với giới thiệu ban đầu của Đinh La Thăng. Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ sai phạm của các cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương cho công ty của Đinh Ngọc Hệ, gây hậu quả thất thoát cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.

Hai bị cáo Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) từng nhiều lần ra tòa trong các vụ án liên quan đến 2 bị cáo này. 
Hai bị cáo Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) từng nhiều lần ra tòa trong các vụ án liên quan đến 2 bị cáo này. 

Cũng theo cáo trạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường biết Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ với Đinh La Thăng, xuất phát từ động cơ nể nang trong quan hệ cấp trên với cấp dưới nên đã có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo cho đơn vị trúng thầu nộp tiền làm 3 lần, trái quy định pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường bị xác định đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá hoặc thuê tổ chức thẩm định giá; ký quyết định cho phép Hội đồng bán chỉ định khi chỉ có một người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm; ký văn bản thông báo Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, từ đó dẫn đến hậu quả những công ty này không đủ năng lực nhưng vẫn được tham gia đấu giá và trúng đấu giá.

Về bị cáo Đinh Ngọc Hệ, cáo trạng xác định bị cáo có mục đích chiếm đoạt quyền thu phí nên ngay từ đầu đã có thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2001, 2002. Từ đó, công ty của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, mặc dù tình hình kinh doanh đang thua lỗ.

Sau khi trúng đấu giá, do không có năng lực tài chính để trả theo hợp đồng, Đinh Ngọc Hệ đã kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí. Quá trình thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ tiếp tục có hành vi gian dối, chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi che giấu doanh thu, báo cáo không đúng thực tế. Từ các hành vi gian dối này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ với sự giúp sức của đồng phạm chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.

Bốn vụ án liên quan ông Đinh La Thăng. Ảnh: Tạ Lư - Phạm Dự.
Bốn vụ án liên quan ông Đinh La Thăng. Ảnh: Tạ Lư - Phạm Dự.

Trả lời VnExpress, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ ông Thăng) cho biết, sức khỏe thân chủ ổn định trước phiên toà. Đối với nội dung cáo trạng quy kết "phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm", ông Thăng cho là "vô lý, không thuyết phục".

Bởi sau khi Thủ tướng đồng ý giao cho Bộ GTVT thực hiện việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, ông Thăng đã ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng. Sau đó, ông Trường giao Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua bán quyền thu phí với Công ty Yên Khánh. Ngày 22/6/2015, khi thực hiện Hợp đồng, Thứ trưởng (nay là Bộ trưởng Giao thông Vận tải) Nguyễn Văn Thể mới xin ý kiến của ông Thăng.

Ngày 23/6/2015, ông Thăng có bút phê "đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước Tổng công ty Cửu Long". Cho nên, hành vi cáo buộc ông Thăng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là không khách quan, không có căn cứ.

Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương