Ông Phạm Phú Quốc nói gì về nghi vấn có quốc tịch Síp?

Ông Phạm Phú Quốc bác thông tin chi 2,5 triệu USD để có quốc tịch thứ hai khi đang là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ở TP.HCM.

Hãng thông tấn quốc tế của Quatar Al Jazeera điều tra được một vụ rò rỉ lớn các tài liệu mật của chính phủ Síp do Đơn vị Điều tra The Cyprus Papers tiết lộ. Theo Al Jazeera, trong số những người mua hộ chiếu của Síp có ông Phạm Phú Quốc , Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Ông Phạm Phú Quốc: Tôi không mua quốc tịch Síp mà do gia đình bảo lãnh

Trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Quốc xác nhận mình đã có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, ông nói rõ: “Quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh. Thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác”.

Cụ thể, theo ông giải thích, thời điểm ông trúng cử đại biểu Quốc hội vào tháng 5/2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do “một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân” nên vào năm 2018, ông có 2 lần làm đơn xin thôi nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Nhiều thông tin cho rằng  hộ chiếu Síp  có giá 2,5 triệu USD. Ảnh minh hoạ: Bangkok Post
Nhiều thông tin cho rằng  hộ chiếu Síp  có giá 2,5 triệu USD. Ảnh minh hoạ: Bangkok Post

Ông nói con trai ông học tập và làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài tại châu Âu. Đến năm 2017, người vợ doanh nhân và con gái của ông muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng người con trai, nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch Síp, vì quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Đến khi biết ông Quốc xin thôi nhiệm vào giữa năm 2018, gia đình ông đã đề nghị thực hiện các thủ tục bảo lãnh, xin cấp quốc tịch Síp cho ông. Theo ông Quốc, "việc nhập quốc tịch thứ hai là để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình”.

Về việc báo cáo với tổ chức, cơ quan quản lý, ông Quốc khẳng định: “Tôi đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Đang là đại biểu Quốc hội

Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, hiện là đại biểu quốc hội khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM. Ông trúng cử đại biểu quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4 TP.HCM, gồm Quận 5, Quận 10 và Quận 11 khi đang là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC).

Ông Quốc từng theo học 5 năm ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Ông cũng có bằng kỹ sư hàng hải, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và bằng cao cấp lý luận chính trị.

Ông Phạm Phú Quốc. Ảnh: IPC
Ông Phạm Phú Quốc. Ảnh: IPC

Từ năm 1994, khi công tác trong ngành du lịch, sự nghiệp kinh doanh của ông Quốc bắt đầu gây tiếng vang. Ông Phạm Phú Quốc từng là Trưởng phòng Tiếp thị điều hành du lịch tại Công ty Phát triển Đầu tư và Trưởng phòng Điều hành tour Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist, thuộc Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ quận 1, TP.HCM.

Những năm 2000, ông Quốc lần lượt trải qua các vị trí cấp cao tại Tổng Công ty Bến Thành. Trong đó, vị trí cao nhất là Chủ tịch HĐTV công ty vào năm 2014. Hơn 1,5 năm sau đó, ông được UBND TP.HCM bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên không chuyên trách HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, với thời hạn 5 năm.

Đầu năm 2018, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP.HCM điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM với thời hạn 5 năm.

Cuối năm ngoái, ông Quốc nhận quyết định điều động về công tác tại Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận (IPC) thuộc UBND TP.HCM, và giữ chức Tổng Giám đốc, sau khi ông Tề Trí Dũng bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Công ty IPC tiền thân là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, được UBND TP.HCM thành lập năm 1993, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của công ty vào năm 2015 là hơn 2.926 tỷ đồng.

Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông “giật mình” khi nghe thông tin một đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Cộng hòa Síp và ông chưa từng nhận được báo cáo về việc này.

Theo ông Hạnh Phúc, thẩm quyền quản lý đại biểu thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

(Tổng hợp)

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương