PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà: Hãy biết cho đi trước khi nhận lại!

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ: “Triết lý sống của tôi giản đơn lắm. You give before you get - Hãy biết cho đi trước khi nhận lại. Đó cũng là điều tôi luôn nhắc với các học trò và các bạn đồng nghiệp trẻ.”

Suốt 10 năm học ở nước ngoài, đầu tiên là trường Đại học Tổng hợp Azerbaijan (Liên Xô cũ), rồi lấy bằng Tiến sỹ Sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary, làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo, đến khi mới về nước, “nhiều từ tiếng Việt về chuyên ngành tôi còn không rành rẽ lắm, cứ phải hỏi các bạn đồng nghiệp, rồi dần dần học lại”. Vậy mà chẳng bao lâu, PSG.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đã cùng một số đồng nghiệp xây dựng các dự án nhằm thu hút sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài và hợp tác song phương của Việt Nam. Dự án trang bị cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện HLKH&CNVN) phòng thí nghiệm về môi trường từ quỹ không hoàn lại JICA Nhật Bản, là một trong các đóng góp lớn lao của bà đối với sự phát triển tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường của Viện HLKH&CNVN.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà 
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà 

 Chỉ đam mê thôi chưa đủ

Nói về công trình nghiên cứu xử lý dioxin, bà bày tỏ: “Công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation) gồm hàng loạt nghiên cứu từ cơ bản, công nghệ, thử nghiệm quy mô lớn dần cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa, sự thay đổi nồng độ dioxin và chất diệt cỏ”. 

Được bắt đầu từ năm 1999 với 12 đề tài, dự án nghiên cứu khác nhau, sau 10 năm, công nghệ phân hủy sinh học được áp dụng tại sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trong chiến tranh, sân bay Biên Hòa là căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học của Mỹ. Nơi đây tiếp nhận từ tàu thủy, lưu giữ và sử dụng 98 ngàn thùng phuy (loại 208 lít) chất da cam, 45 ngàn thùng chất trắng, 16 ngàn thùng chất xanh và 11 ngàn thùng chất diệt cỏ (số liệu quân đội Mỹ cung cấp). Mức độ ô nhiễm vào loại nhất thế giới. Vậy mà, chỉ sau 27 tháng, từ hàm lượng ban đầu hơn 10.000 ppt, lượng dioxin còn lại trung bình là 52 ppt, hiệu quả xử lý đạt 99,48%. Sau 40 tháng, hiệu quả xử lý đạt 99,84%. Kết quả này do ba phòng thí nghiệm (Hà Lan, Đức và Phòng thí nghiệm phân tích dioxin thuộc Bộ TN&MT) cùng phân tích và đánh giá. Công nghệ này đã mở ra cơ hội làm sạch đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở các điểm nóng với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện khoa học - công nghệ hiện nay của Việt Nam, giúp biến các vùng đất nhiễm các chất độc thành những khu vực phát triển nông, lâm nghiệp phù hợp.

Nghiên cứu dioxin tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khi phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại. Thời gian đầu được cấp phép vào khu vực sân bay để nghiên cứu và đo nồng độ dioxin cũng như đánh giá các chủng vi sinh vật đất tại đây, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và nhóm cộng sự phải ở liền hàng tháng trời tại khu vực này để đo, đếm, tính toán xác định các chỉ số. “Dù đã mặc trang phục bảo hộ cẩn thận, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp, tôi luôn nhắc các bạn cộng sự thật cẩn trọng, và nếu cảm thấy không ổn thì có thể “stop” ngay. Nhưng cuối cùng chẳng ai “stop” cả, cả đội đều đồng lòng miệt mài ngày đêm với đám vi sinh vật ấy. Những lúc như vậy mới thấy, chỉ đam mê thôi chưa đủ”. Bà mỉm cười khi nhắc về giai đoạn nghiên cứu đầu tiên trên mảnh đất nhiễm độc dioxin nặng nề nhất thế giới.

Luôn nhớ những cống hiến của người đi trước

Là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên về làm việc tại Viện HLKH&CNVN, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà nhớ lại: “Khi ấy tôi còn rất trẻ, mới 17 tuổi, tính cách và cả dáng vóc nữa đều còn trẻ con lắm. Vậy mà được tin tưởng cho đi học ở nước ngoài. Thời đó, được đi học thì quý thật, nhưng cũng vất vả trăm bề, không phải sung sướng nhàn hạ như người ở nhà nghĩ. Nhưng được cái, đã đam mê rồi thì cứ làm thôi, chẳng nghĩ gì cả, và mọi thứ tốt đẹp cứ dần đến với mình. Rồi khi GS Nguyễn Văn Hiệu viết thư gọi về, chúng tôi, những người đi học đợt ấy, đều lập tức trở về, mặc dù con đường để tiếp tục nghiên cứu ở châu Âu, hay Mỹ, lúc bấy giờ là quá dễ dàng và rộng mở. Về nước rồi thì lại bắt tay vào từ đầu, mọi cái trang bị khoa học, nghiên cứu còn thiếu thốn nhiều lắm, đến cuộc sống của người dân cũng còn nhiều khó khăn, đâu đã được đủ đầy”.

Chính vì những suy nghĩ này, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã bỏ nhiều công sức cùng học trò và đồng nghiệp sáng tạo nên những công nghệ tích cực, có tác dụng làm sạch môi trường ô nhiễm dầu bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation), chuỗi công trình nghiên cứu xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin, bước đầu xử lý loại màu được thuốc nhuộm hoạt tính được ứng dụng bền vững và mang tính ứng dụng cao do thân thiện môi trường và chi phí thấp bằng tổ hợp của các enzyme laccase. Mới đây, bà đã tạo nên công nghệ chuyển hóa phụ phế liệu nông nghiệp và chăn nuôi thành compost có chất lượng đáp ứng cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bằng vi sinh vật ưa nhiệt và chịu nhiệt sử dụng nguyên liệu đầu vào là thân cây ngô, cỏ, rơm rạ, phân gia súc gia cầm thành compost chất lượng cao để tạo sản phẩm hữu cơ trong sự kết hợp với các nhóm vi sinh vật chức năng từ nguồn vi sinh vật bản địa và các chiết xuất từ mẫu sinh phẩm thiên nhiên Việt Nam. Các công trình này đều được đăng ký và đã nhận được 5 bằng Độc quyền Sáng chế, 2 bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích.

Tương lai sẽ đẹp lắm nếu mỗi người đều sống có trách nhiệm

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà ngừng cuộc trò chuyện với chúng tôi để vào Phòng thí nghiệm kiểm tra các mẫu vi sinh vật được lấy tại địa phương có nồng độ dioxin cao. Bà cho biết vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất xử lý khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học để thời gian xử lý ngắn hơn và chi phí thấp hơn nữa.

Mãi đến lúc cuối cùng chúng tôi mới có dịp hỏi bà cảm xúc khi biết mình được chọn lựa để trao giải thưởng Kovalevskaia, tròn 30 năm Giải thưởng này được tổ chức, bà chỉ nhẹ nhàng đáp: “Đây là một vinh dự không chỉ với cá nhân tôi, mà còn đại diện cho những nhà khoa học đang thầm lặng đóng góp những nghiên cứu của mình để xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Thực ra, giải thưởng này cũng tạo cho tôi thêm trách nhiệm, trách nhiệm về những việc mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mệt và muốn nghỉ ngơi, nhưng công việc còn nhiều quá…”

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (đứng thứ 2, bên phải) trong Lễ trao giải Kovalevskaia 2015
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (đứng thứ 2, bên phải) trong Lễ trao giải Kovalevskaia 2015

Người phụ nữ đáng kính này còn hàng trăm bận rộn và hàng núi dự án đang ấp ủ, dù bà đã là chủ nhiệm 22 đề tài, dự án ở nhiều cấp quản lý khác nhau (cấp Nhà nước, cấp Viện HL KH&CNVN, hợp tác quốc tế...). Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà là công nghệ sinh học và tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường từ khi trở về nước. Từ nghiên cứu cơ bản sử dụng các công cụ mới, cập nhật đến nghiên cứu và áp dụng hiện trường công nghệ xử lý các nguồn ô nhiễm khác nhau thuộc nhóm hữu cơ khó phân hủy như dioxin, DDT, HCH, TNT, PAH và dầu mỏ cùng các sản phẩm của dầu mỏ đã được thực hiện. Các công nghệ hiện nay đã được áp dụng quy mô hiện trường là công nghệ phân hủy sinh học xử lý ô nhiễm dầu và chất diệt cỏ/dioxin. Công nghệ xử lý nước ô nhiễm dầu đã hơn 15 năm tại 5 kho chứa xăng dầu lớn nhất của miền Bắc nhưng chất lượng nước và chất thải rắn vẫn được đánh giá đạt tiêu chuẩn cao của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã được công bố trên 120 bài báo tiếng Việt và 28 bài báo tiếng Anh trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học uy tín trong nước và quốc tế.


PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã nhận Giải Nhất giải thưởng VIFOTEC 2001, Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường cùng năm 2001, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2005 và gần đây là Giải thưởng Vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc với sáng chế độc quyền “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”. Năm 2016, bà đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2015 dành cho nhà khoa học nữ. Bà cũng đã đào tạo và truyền lửa nhiệt huyết cho rất nhiều cán bộ trẻ yêu khoa học và say mê nghề nghiệp. Nhiều học trò do bà đào tạo đã có những thành công bước đầu trong sự nghiệp khoa học của riêng họ.

An Nhiên

Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam

Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có mục đích tập hợp đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức.