"Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn”: Không chỉ là một ấn phẩm

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học về một mảng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

“Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là tuyển tập đầy đủ nhất hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc - văn - hầu bóng: Thầy Phạm Văn Kiêm (tên khai sinh: Phạm Văn Khiêm, 1921 - 1998) - một người thường được các cung văn, nhà đạo gọi là “ông Kiêm chùa Vua”, hay “Thánh sư”.

Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” do NXB Hội Nhà văn và Cty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) phối hợp ấn hành, dày gần 850 trang, gồm 2 phần: Trong phần một: Tác giả miêu tả, chú giải, phân tích, tổng kết ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc nghi lễ thực hành hầu bóng trước năm 1990. Ở phần hai: Tác giả cùng cộng sự sưu tầm và công bố di cảo gần 200 bản văn cổ của thầy Kiêm.

Niềm vui của TS Lê Y Linh trong ngày ra mắt ấn phẩm 
Niềm vui của TS Lê Y Linh trong ngày ra mắt ấn phẩm "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn".  Ảnh: L.Q.V  

Phần di cảo này đã được anh Ngô Nhật Tăng (người sưu tầm hát văn Việt Nam, đồng thời là cố vấn Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Di sản văn hoá phi vật thể VN) tổ chức chú giải chi tiết với sự hỗ trợ chuyên môn của hai nhà Hán Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh (Bùi Quốc Linh). Ngoài ra, các bản văn của thầy Kiêm còn được đối chiếu với những bản văn cổ xuất bản bằng chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX - một giai đoạn then chốt trong sự biến thân của thực hành tín ngưỡng.

Chân dung ông Phạm Văn Kiêm (ảnh tư liệu). 
Chân dung ông Phạm Văn Kiêm (ảnh tư liệu). 

"Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn" không chỉ là cuốn sách chuyên sâu về nghiên cứu mà còn có hình thức chỉn chu. Tranh và thiết kế bìa do họa sĩ Lê Thiết Cương đảm nhiệm. Các hình ảnh trong cuốn sách do các học trò của thầy Kiêm vẽ trong những tập chép văn của thầy từ những năm 1970 và tranh dân gian Hàng Trống về đạo thờ Tứ phủ từ đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm này là sự đúc kết từ một thời gian dài đi theo đạo, theo lễ, kết hợp với những tài liệu xưa cùng những kỳ điền dã bền bỉ tìm hiểu về gia tài nhạc, văn và lễ Tứ phủ được tiền nhân để lại của tác giả Lê Y Linh, với sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn… ở trong nước và quốc tế. Qua đó, cuốn sách này đã giúp bạn đọc hiểu được lịch sử của một tín ngưỡng đã trải qua nhiều chông gai của thời cuộc, mà nghi lễ đó vẫn còn bền bỉ tồn tại, đồng thời là một tài liệu quan trọng đối với các nhà nghiên cứu tín ngưỡng hầu bóng.

Theo TS Lê Y Linh, “thầy Kiêm sinh ngày 19.8.1921, tại Mỹ Hào (Hưng Yên), là con cả của một gia đình có 4 người con. Cụ thân sinh ra thầy biết chơi đàn nguyệt và đàn tỳ bà, nhưng không hành nghề âm nhạc. Thầy chủ yếu tự học là chính. Từ lúc 11 tuổi, thầy đã cắp tráp theo hầu các cung văn đi khắp các đền phủ. Năm 13 tuổi, thầy về Hà Nội và bắt đầu theo học nghề với cụ Cả Mã. 17 tuổi, thầy đã được bổ làm cung văn chính ở phủ Tây Hồ - một trong những phủ chính tại Hà Nội. Khắp các dịp dẫn tiệc, lễ bái, hầu tự … không ngày nào là thầy là thầy không có dịp hát hầu Thánh và hầu Tứ phủ. Thầy làm cung văn ở phủ Tây Hồ cho đến năm 1954 - lúc mà nhà nước có lệnh cấm hát văn, liệt tín ngưỡng thờ Tứ phủ vào hàng mê tín dị đoan.

Bìa cuốn sách 
Bìa cuốn sách "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn" do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế.  Ảnh: L.Q.V 

Năm 1939, thầy lập gia đình và sau đó có 7 người con, nhưng không một ai có đồng, cũng không có ai nối dõi thầy làm nghề cung văn. Trước năm 1954, thầy cùng các bạn đồng đi hành hương khắp các đền phủ và hát dâng nhạc lên Tứ phủ. Quanh năm, thầy được mời đi hát ở khắp những đền phủ nổi tiếng nhất ở miền Bắc: Đông Cuông, Tuần Quán, Phủ Giầy, Đền Sòng, Đền Cửa Ông v.v… Lúc hoà bình về, thầy làm việc với nhóm nhạc Lim Lan, rồi chuyển sang Nhà hát Cải lương Chuông Vàng từ năm 1960 đến năm 1964. Từ năm 1965, thầy về làm việc ở Đoàn Tuồng Bắc trung ương cho đến năm 1981, lúc 60 tuổi, thầy về hưu.

Tác giả Lê Y Linh và anh Ngô Nhật Tăng - người cộng sự trong việc hoàn thiện cuốn 
Tác giả Lê Y Linh và anh Ngô Nhật Tăng - người cộng sự trong việc hoàn thiện cuốn "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn". Ảnh: L.Q.V  
  Đại diện Tri Thức Trẻ Books chúc mừng những người thực hiện cuốn 

Đại diện Tri Thức Trẻ Books chúc mừng những người thực hiện cuốn "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn". Ảnh: L.Q.V 

Trong suốt giai đoạn này, mặc dù điều kiện hành nghề khó khăn, nhưng thầy vẫn miệt mài trau dồi văn và tay đàn, tay hát, dù không được công nhận chính thức, nhưng thầy vẫn giữ được lễ để hát vào những dịp dẫn tiệc hoặc hầu tại nhà tư, mỗi tháng vài lần. Đất nước vừa thống nhất, cộng đồng tín chủ di cư vào Nam, ngưỡng mộ tài năng của thầy, mời thầy vào hát văn ngay từ năm 1976, mặc dù điều kiện được hội họp và đàn hát hồi đó vẫn bị hạn chế ngặt nghèo”.

Tác giả Lê Y Linh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân (tên khai sinh: Lê Văn Ngọ) và TS Y học Lê Thị Ngọc Anh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia VN), Lê Y Linh làm việc tại Ban nghiên cứu thuộc Viện Âm nhạc và Múa. Đầu những năm 1990, chị sang Pháp tu nghiệp, làm nghiên cứu sinh về âm nhạc dân tộc học, rồi định cư tại Paris.

TS Lê Y Linh hiện là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lịch sử cận đại và hiện đại - Trường Cao đẳng Sư phạm Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, là thành viên Hội Âm nhạc dân tộc học Pháp. Chị cũng là thành viên biên soạn mục từ Quyển 33a chuyên ngành Âm nhạc, Nghệ thuật Múa - Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Trong gần 40 năm qua, TS Lê Y Linh đã dày công nghiên cứu đề tài tín ngưỡng hầu bóng, khi có cơ hội gặp cụ Phạm Văn Kiêm - là cung văn của Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vào năm 1986, một người rất trân trọng, tiếp thu và phát triển nghệ thuật hầu bóng trong tín ngưỡng dân gian. Lê Y Linh đã rất công phu tiếp cận nghệ thuật hầu bóng từ góc độ âm nhạc, rồi văn, sử...Qua các cuộc trò chuyện với cụ Kiêm, chị đã tỉ mỉ ghi chép, ghi âm bằng phương tiện kỹ thuật rất sơ khai, trong bối cảnh nghi lễ tín ngưỡng hầu bóng bị coi thường, là dị đoan, thậm chí bị chế diễu, cấm đoán. Trong cuốn sách này, có một phần nội dung được sử dụng từ cuốn “Cung văn và điện thần” của tác giả Lê Y Linh, do NXB Khoa học xã hội phát hành ở năm 2015.

Trong dịp vừa qua, Lê Y Linh đã khá vất vả, khi tất tả đi về giữa Paris và Hà Nội - bởi phải vừa lo viết kịch bản cho chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên " (với 2 đêm diễn rất thành công ở đầu tháng 5.2024, tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội, do em trai chị - nhạc trưởng Lê Phi Phi là tổng đạo diễn và chỉ huy dàn nhạc), vừa lo hoàn thiện cuốn sách "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn".

Tín ngưỡng hầu bóng đã chứng tỏ là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam, nhạc - văn đã trở thành hệ thống kinh điển của tín ngưỡng và nghi lễ hầu đồng đã hồi sinh trong đời sống tâm linh của người Việt Nam hiện đại. Việc ra mắt ấn phẩm "Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn" còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt, với dấu mốc gần tròn 10 năm nghi lễ chầu văn (một trong những thành tố quan trọng trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với việc ra mắt cuốn sách - một công trình nghiên cứu khoa học công phu - nói trên, tác giả Lê Y Linh vẫn khiêm tốn nhìn nhận: "Không có văn sẽ không có tín ngưỡng, không có nhạc sẽ chẳng còn văn. Đọc văn mà không được nghe nhạc, cũng không thể hiểu, nghe nhạc mà không biết lễ, cũng chẳng đến nơi. Người nghiên cứu như tôi chỉ kỳ vọng tìm được mật mã của nhà đạo, nhưng luôn luôn vẫn chỉ thấy mình như một “thầy bói xem voi”.

LÊ QUANG VINH

Ảnh nét căng: Lisa cực slay khi xuất hiện ở giải đua xe F1, gây chú ý với hành động giống David Beckham và Justin Bieber

Ảnh nét căng: Lisa cực slay khi xuất hiện ở giải đua xe F1, gây chú ý với hành động giống David Beckham và Justin Bieber

Lisa - em út của nhóm nhạc toàn cầu BLACKPINK gây sốt với diện mạo xinh đẹp, thần thái ở giải đua xe Công thức 1 Miami Grand Prix 2024.