Phó Chủ tịch nước: Cả hệ thống chính trị đã tập trung chăm lo cho trẻ em

Việt Nam là một trong những điểm sáng của khu vực về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Chiều 7/12, tại Phủ Chủ tịch, Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam năm 2023 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong xã hội tập trung chăm lo cho trẻ em.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Việt Nam là một trong những điểm sáng của khu vực về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có công tác chăm lo trẻ em, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

So với các tổ chức, hội, quỹ khác, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam có căn cứ pháp lý quan trọng, là quỹ duy nhất của Nhà nước thành lập từ năm 1992 theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (nay là Luật Trẻ em 2016), được quốc tế công nhận.

Hoạt động của Quỹ nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương, nhất là các nhà hảo tâm.

Trong năm 2023, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nỗ lực thay đổi nội dung và hình thức hoạt động, bước đầu có nhiều đổi mới để thực hiện nhiệm vụ và đạt kết quả tích cực.

Cảm ơn các thành viên Hội đồng Bảo trợ, các nhà hảo tâm đã dành thời gian, công sức, tiền của và tinh thần hỗ trợ Quỹ để có được kết quả tích cực trong năm vừa qua, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là động lực rất lớn để Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam có cơ sở, căn cứ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong năm mới.

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức, Phó Chủ tịch nước đề nghị Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cần xác định rõ những nhiệm vụ, hoạt động trước mắt để thích nghi kịp thời với bối cảnh, chăm lo tốt nhất cho trẻ em cả về tinh thần lẫn vật chất.

Tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông để theo kịp bối cảnh hiện nay, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cần đề ra nhiệm vụ dài hạn theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực đất nước cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế đối với quyền trẻ em.

Quỹ tiếp tục mở rộng hơn về đối tượng được hỗ trợ, cách thức, nguồn lực vận động xã hội trong nước và quốc tế để đào tạo lớp trẻ em tương lai đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cùng với việc bổ sung thành viên Hội đồng Bảo trợ, xác định chỉ tiêu hoạt động, quy chế làm việc, Phó Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội định hướng cách thức hoạt động, đối tượng hỗ trợ cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam để Quỹ tiếp tục phát huy thế mạnh, có thêm nhiều hoạt động mới.

Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam phối hợp các quỹ, hội, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động thiết thực để trẻ em được chăm lo tốt nhất; kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân và thành viên Hội đồng Bảo trợ có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, sự nghiệp vì trẻ em.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tinh thần mô hình tổ chức, hoạt động Quỹ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; có cơ chế, sự phối hợp hoạt động hiệu quả, phù hợp hơn.

Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam bám sát tình hình thực tế để xây dựng chỉ tiêu hỗ trợ trẻ em và vận động nguồn lực trong năm 2024 phù hợp; phấn đấu năm 2024 vận động nguồn lực đạt 110 tỷ đồng và hỗ trợ cho 110.000 lượt trẻ em.

Trong năm 2023, công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được lãnh đạo Hội đồng Bảo trợ quan tâm chỉ đạo.

Tính đến ngày 5/12, vận động nguồn lực của năm đạt trên 77 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt khoảng 111,56 tỷ đồng.

Một số sự kiện lớn thu hút nguồn kinh phí tài trợ như Chương trình “Tri ân những Tấm lòng Vàng,” “Mùa Xuân cho em” lần thứ 16.

Năm qua, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 113.833 lượt trẻ em (đạt 103,5% so với kế hoạch năm) với kinh phí hỗ trợ gần 89,7 tỷ đồng. Trong đó, một số hoạt động có tổng mức kinh phí hỗ trợ cao như: Phẫu thuật Nụ cười, hỗ trợ xây dựng, hỗ trợ xe đạp, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ sữa, hỗ trợ khác hoặc theo yêu cầu nhà tài trợ...

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh truyền thông; vận động các nhân vật nổi tiếng, có uy tín để đồng hành cùng Quỹ.

Một số ý kiến đề xuất hỗ trợ, quan tâm tới nhóm đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội, bị bạo lực gia đình; vận động, phối hợp, kết nối với các tổ chức quốc tế triển khai hoạt động...

Trước đó, lãnh đạo Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam công bố các quyết định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng Bảo trợ năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

TTXVN/Vietnam+

Bí mật đồng tiền: Đâu là những chỉ báo kinh tế đáng lưu tâm?

Bí mật đồng tiền: Đâu là những chỉ báo kinh tế đáng lưu tâm?

Trong thị trường chứng khoán, chỉ báo kinh tế vĩ mô đóng vai trò như tấm bản đồ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thị trường tài chính.